Cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ

14/04/2019 06:15

Tháng ba. Tôi đã bao lần ước hẹn về Đất Tổ thân yêu – được ngắm nhìn mảnh đất nơi ông cha ta dựng nước, nghe văng vẳng bên tai truyền thuyết về một thời xa xưa mẹ Âu Cơ… Nhưng, bao lần đều lỡ hẹn. Khoảng cách xa ngái, chỉ biết từ nơi xa cúi đầu vọng hướng về.

Cúi đầu xa vọng hướng về, tôi vẫn thường kể cho các con nghe câu chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ, về các Vua Hùng như một cách nhắc nhở các con nhớ về nguồn cội. Từ bọc trăm trứng, sinh nở ra 100 người con, 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng, trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời…

Miên man trong dòng ký ức, tôi thầm nghĩ, Lạc Long Quân – Âu Cơ trong cuộc chia ly từ biệt mà vẫn gắn bó thủy chung vì bổn phận với non sông đất nước từ hàng nghìn năm trước ấy, các Vua Hùng với những ngày đầu khai sơn phá thạch gian khó nhưng quật cường và tràn đầy hứng khởi ấy, có thể không nghĩ rằng, lớp lớp cháu con cho đến hôm nay mãi ghi ơn. Ngày 10/3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày hội chung của toàn dân. Đó là ngày mà mọi người dù đang sống và làm việc ở muôn nơi nhưng đều nhìn về cùng một hướng. Và có thể họ cũng không nghĩ rằng, chính từ chung một điểm xuất phát cội nguồn, tôn thờ một vị Quốc Tổ đó đã trở thành niềm tự hào, là sức mạnh để lớp lớp thế hệ cháu con đoàn kết một lòng, cùng nhau đồng tâm hiệp lực giữ gìn, dựng xây đất nước.

Xa vọng hướng về, tôi chọn mua hoa, trái, thắp nén nhang thơm hướng về tổ tiên, nhớ về cội nguồn. Nén hương gói ghém lòng biết ơn. Nén hương của lòng hiếu thảo, hướng về tổ tiên, về quê cha đất tổ. Đó là cách mà tôi muốn tạo cho con mình quen với giá trị biết ơn. Tiếng quen đơn giản ấy thôi, nhưng để sống cho trọn tiếng quen, thói quen ấy, con người ta trở nên sâu hơn, lớn hơn nhiều. Bởi thói quen ấy gắn sâu, bắt rễ, nối dài sợi dây tình cảm thiêng liêng từ ngàn xưa vọng lại; nối dài sợi dây gắn kết giữa mọi người, cùng chung tổ tiên con Lạc cháu Hồng.

Dâng hương, hoa và các sản vật đặc trưng của địa phương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đình Lương Khế (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum). Ảnh: Mai Trâm

 

Vậy là chẳng cao lương mỹ vị, mâm cao cỗ đầy, những bữa cơm ngày Giỗ Tổ giản đơn nhưng có cả mùi vị nơi quê cha Đất Tổ, của hương đồng cỏ nội. Đơn giản là tấm lòng hướng về tổ tiên, cội nguồn, là dịp gia đình sum họp. Chỉ nghĩ tới thôi, nhớ tới thôi là đã có trong lòng!

Thế mới hay, giá trị cuộc sống được chắt chiu từ những điều rất bình dị. Cây có cội, sông có nguồn, con người có tổ có tông, có quê hương đất nước. Những tâm hồn trẻ dẫu có hiện đại đến bao nhiêu, cũng luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội. Giá trị còn lại chẳng thể nào cân đo đong đếm. Đó là tình yêu lớn lao không dễ gì so sánh với quê hương.

Chắc rằng ở nơi xa, các Vua Hùng rất vui khi hậu thế hôm nay giỏi giang không chỉ biết xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh mà còn biết tri ân, hướng về nguồn cội. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn chảy xuyên suốt từ cội nguồn, từ quá khứ, để giữ gìn nòi giống, giữ gìn những truyền thống tinh thần của gia đình và cùng là giữ gìn linh hồn dân tộc. Giá trị văn hóa, giá trị truyền thống vẫn mãi thấm đẫm trên từng vùng đất của hình hài chữ S thân thương.

Đôi lúc tôi tự hỏi rằng, làm sao để nuôi dưỡng được lòng biết ơn và thắp sáng ý thức nguồn cội. Để rồi, cứ vang vọng trong tôi lời nhắn nhủ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài “Đất nước”: “Dù ai ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.

Cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ, để lại trong lòng mỗi người kho báu ấm áp yêu thương, ấm áp nhân văn. Đó là tiếng cười vui rộn ràng từ gia đình yên ấm, biết dạy dỗ cháu con giá trị cội nguồn.

Cái cúi đầu ấy chất chứa bao nhiêu là niềm thương nỗi nhớ, bao nhiêu là hàm ân, là tri ân. Yêu quí, kính trọng tổ tiên mình cũng chính là yêu quê hương, đất nước. Khi lắng đọng trầm tư, khi rộn ràng bung nở, tất cả cứ hòa quyện, ngân vang niềm tự hào về sức mạnh giống nòi, về một nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc với sức sống lâu bền cùng thời gian.

Ngày 10/3 âm lịch này, tôi lại lần nữa cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác