Con trai và má

13/04/2021 06:01

Mồ côi mẹ, Tèo cứ phập phồng sợ có ngày ba lấy vợ nữa. Không phải nó ích kỷ muốn giữ ba cho riêng mình mà sợ người mà sau này phải kêu bằng má ấy sẽ không thương nó, coi nó như con ghẻ, như câu nói của người xưa: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.

Nó nghe người ta xì xào ba sắp cưới vợ hai. Mỗi lần nghe thấy thế là nó lại bồn chồn lo lắng. Nó sợ hãi đủ điều. Sợ ba không còn thương nó; sợ người ta về sẽ hành hạ, đánh đập nó; sợ rồi ba cũng sẽ quên má nó…

Buổi tối đi làm đồng về, cơm nước xong xuôi, ba ngồi ngoài sân hóng mát. Nó lấy chiếc quạt mo cau ra quạt cho ba. Thấy nó vẻ bất thường, ba hỏi: “Có chuyện gì hả con trai?

Được ba mở đường, nó nói luôn: Con nghe người trong xóm nói ba sắp đón cô Tám về?

Ba nhìn nó với vẻ mặt đăm chiêu: Thế con có muốn như vậy không?

- Con cũng muốn có người lo lắng cho ba sau này về già. Nhưng con sợ người ta sẽ không thương con. Mấy người trong xóm nói “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.

Nghe con trai nói đến đây, vẻ mặt ba trầm ngâm: Ba tin cô Tám sẽ thương con. Tất nhiên có thể sẽ không bằng má con thương con. Nhưng ba sẽ cố gắng hết sức. Nghe vậy, nó cũng cảm nhận được sự trăn trở của ba.

Năm Tèo lên lớp 6, ba đón cô Tám về. Lễ hỏi, lễ cưới cũng đơn giản, chỉ vài mâm cơm mời bà con lối xóm đến chung vui, rồi cô Tám dọn về ở cùng ba con nó.

Có thành viên mới trong nhà, Tèo cảm thấy khó chịu lắm. Mỗi lần thấy ba lo lắng cho cô Tám là nó lại tủi thân, muốn phá phách cái gì đó. Đi học về, nó không về nhà liền như trước đây, mà cứ lẻn ra bờ suối, bờ sông câu cá hay ra đồng thả diều cùng mấy đứa bạn. Có hôm buồn quá, nó ra mộ má ngồi đến tối mịt mới về, làm ba và cô Tám đi tìm khắp làng trên, xóm dưới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Có lần, cô Tám phát hiện Tèo ra mộ má ngồi. Thấy nó khóc, cô ôm nó vào lòng, nhưng nó vùng vằng, hất cô ngã nhào xuống lùm gai cạnh đó. Tay chân cô chảy máu nhiều. Về nhà, ba la mắng, bắt xin lỗi cô Tám, nhưng nó kiên quyết không chịu. Cô Tám cũng chẳng giận, còn nói đỡ cho nó.

Tèo trở thành một đứa trẻ bướng bỉnh, xấc xược kể từ khi có “dì ghẻ” ở trong nhà. Có đêm, nó bày trò đau bụng, rồi đến đau đầu la hét inh ỏi để ba và cô Tám không ngủ được. Cô Tám chạy đi mua thuốc cho nó uống, nó cứng đầu cứng cổ ném hẳn bịch thuốc ra ngoài sân, còn hất cái ly nước trên tay cô Tám rơi xuống nền nhà, bể tan tành. Ba tức quá, cầm roi định cho nó một trận vì cái tội hỗn hào với người lớn, nhưng cô Tám cố sức ngăn cản, khuyên nhủ nên thôi.

Cuộc sống cứ thê trôi đi. Tèo không nhớ nổi đã giở bao nhiêu trò quậy phá, bao nhiêu lần hỗn hào với cô Tám. Mà lần nào cũng nhờ cô mà nó thoát đòn roi của ba.

Lần nọ, Tèo trượt ngã ở bờ sông, chân bị bong gân, cô Tám lo đến mất ăn mất ngủ. Cô chở nó đến bệnh viện, hàng ngày đưa đón nó đến trường. Tối đến, nó rên rỉ vì cái chân đau nhức (lần này là đau thật chứ không phải giả bộ), cô Tám đi hái lá về hơ nóng bóp chân, rồi ngồi quạt suốt đêm cho nó ngủ. Mà cô còn… hát ru nữa; lại đúng mấy bài mà ngày trước má nó vẫn thường hát. Bỗng nhiên, nó cảm nhận cô Tám cũng hao hao giống má nó.

Rồi Tèo cũng có em. Lúc cô Tám nhờ vả gì là nó không làm theo, hoặc nếu làm thì miễn cưỡng lắm. Nhưng có lẽ, trong nhà này, ngoài má ra, chỉ có cô Tám là người hiểu nó nhất. Mỗi lúc như thế, cô Tám chỉ cười hiền. Nếu nó không làm thì cô cũng chẳng giận. Có lúc ba bắt nó phải giặt đồ cho em, nấu cơm phụ cô Tám thì cô cũng nói khéo để nó khỏi bị ba la rầy. Lúc nào nó lì, bị ba đánh đòn thì cô Tám lại hết mực căn ngăn, xin xỏ cho nó.

Càng ngày, Tèo càng nhận ra được cô Tám đối với nó rất tốt. Chỉ có điều nó vẫn không thể gọi cô Tám bằng má, vì nó nghĩ chẳng ai có thể thay thế được má của nó.

Nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu khác đi, từ năm nó học lớp 12.

Nó nhớ, đêm đó, đang ngồi học bài thì nghe cô Tám nói với ba nó: Ba Tèo à, thằng Đen xin được nghỉ học đấy! Nó nói, nghỉ học để phụ ba đi làm thuê nuôi anh Hai chuẩn bị học đại học. Tôi cũng nghĩ kỹ rồi. Nhà mình khó khăn, cùng lúc nuôi cả mấy con ăn họ thì không nổi, nhưng thằng Tèo nhất định phải vào đại học. Nên tui đồng ý với thằng Đen rồi.

Tèo nhận ra sự nghẹn ngào trong giọng nói của cô Tám. Và lần đầu tiên, sau nhiều năm kể từ khi má mất, nó thấy nhoi nhói trong lòng.

Bấy lâu nay, Tèo cứ nghĩ cô Tám và cả ba nữa sẽ dành phần nhiều tình thương cho thằng Đen, con Bé, chứ không phải là nó. Nó tắt đèn, nằm gác tay lên trán, trằn trọc cả đêm không sao ngủ được. Tự nhiên, tình yêu thương dành cho cô Tám, cho mấy đứa em cứ lâng lâng trong lòng nó. Nó muốn quay sang ôm thằng Đen thật chặt nhưng lại sợ hắn giật mình.

Nó cứ nghĩ mãi cái câu nói “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Không lẽ câu nói người xưa lại sai hay sao? Bản thân nó cũng chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình giống như nó mà dì ghẻ cũng đâu thương con chồng?

Tèo đậu đại học. Cả nhà mừng lắm. Cô Tám còn tổ chức bữa tiệc mời bà con họ hàng để mừng cho nó. Ai cũng trầm trồ khen nó. Những lúc như thế nó lại nhìn thằng Đen, và trong lòng như có sóng. Nó tự hứa với mình phải ráng học để không phụ lòng ba, cô Tám và nhất là thằng Đen.

Trước ngày Tèo lên thành phố học, cô Tám chuẩn bị cho nó rất chu đáo, thậm chí chiếc bàn chải đánh răng cũng thay cái mới. Lúc xe chuyển bánh, cô Tám sụt sùi khóc; thằng Đen, con Bé cứ đứng vẫy tay mãi.

Đời sinh viên, sống trong cảnh xa nhà, đêm về, Tèo thấy nhớ sao là nhớ ngôi nhà nhỏ ở quê, nhớ ba, và lạ thay, nhớ cô Tám và mấy đứa em quay quắt. Tèo gọi về nhà qua ứng dụng video call trên zalo, cô Tám rơm rớm nước mắt nhìn nó, rồi hỏi đủ điều: Con có khỏe không? Học hành có mệt lắm không? Nhớ ăn uống đủ bữa nghen con...!

Kỳ nghỉ hè đầu tiên, Tèo bắt xe về nhà mà lòng thấp thỏm. Nó đã quyết định đợt này về sẽ làm một việc hệ trọng, không thể kéo dài thêm nữa.

Xe dừng ngoài đường lớn khi trời đã nhá nhem tối. Tèo đi bộ về nhà, và lặng người khi thấy cô Tám vẫn miệt mài với công việc đan ghế thuê. Mỗi ngày cao lắm chỉ được được hơn trăm ngàn đồng, mặc cho đau lưng, mờ mắt, cô Tám vẫn cố. Cô từng nói với nó: Tiền công mỗi ngày ít thôi nhưng có việc làm còn hơn không con à. Mình cứ tích tiểu thành đại’’.

Bên cạnh cô, thằng Đen cũng miệt mài phụ giúp mẹ sau một ngày đi làm thuê vất vả cùng ba. Nước mắt ràn rụa, Tèo rón rén bước lại gần và ngồi xuống ôm chặt cô Tám. Nó ngã đầu vào lòng cô thủ thỉ:

- Má! Dù má không sinh con ra nhưng má nuôi dưỡng con. Cũng đã có lúc con muốn gọi má là má nhưng con cứ sợ gọi như vậy con sẽ có lỗi với má ruột của con.

Cô Tám sững người, đánh rơi cái ghế đang đan dở. Rồi cô ôm chầm lấy nó, giọng run run, hạnh phúc: Không sao con trai à. Má hạnh phúc lắm khi thấy con biết suy nghĩ lại. Với má, con luôn là đứa con ngoan mà ba má rất kỳ vọng và tự hào.

Đêm đó, Tèo có một giấc ngủ thật ngon. Trong mơ, nó thấy má ruột cười với mình. Chắc là má cũng đồng tình với nó.

Dường như ở phòng trong, má Tám không ngủ!

Sông Côn

Chuyên mục khác