Con trai và bố

20/06/2022 06:32

Nhiều khi hắn thấy mình và bố hình như rất “thân nhau”. Giữa hai người không còn khoảng cách nào hết, vì có thể nói nhiều chuyện “bí mật”. Và người này có thể rất kiên nhẫn để nghe người kia kể rất nhiều chuyện.

Sáng 19/6, lần đầu tiên hắn gọi điện thoại về cho bố để chúc ông “luôn khỏe mạnh, sống lâu với con cháu”.

Dường như ông hơi bất ngờ, nên chừng mấy chục giây sau ông mới hỏi với vẻ ngạc nhiên: Vụ gì đây? 

Dạ, nhân Ngày của cha ạ- hắn ngượng ngùng giải thích.

Ông cười váng lên: Cái thằng, mày làm bố giật mình, làm đổ cả chậu lúa cho gà rồi. Mà này, có Ngày của cha nữa hả?

Hắn nghĩ, bố đang lấy cớ để chọc cho hắn đỡ ngượng mà thôi. Vì dù sống ở nông thôn, nhưng bố là người chăm nghe đài, đọc báo hơn bất cứ ai, nắm bắt thông tin thời sự còn nhanh hơn 4 đứa con. Cho nên, hẳn là ông không lạ gì Ngày của cha. 

Và rồi, trước mắt hắn hiện lên dáng người tầm thước, dù đã gần 80 tuổi nhưng lưng vẫn thẳng của bố trong cái sân gạch đã tróc hết lớp mặt, xung quanh đầy gà vịt đang chờ bố cho ăn.

Nhìn hình ảnh ấy, mấy ai hình dung được bố hắn từng bước ra từ 2 cuộc chiến tranh. Không ít lần cái chết chỉ cách ông trong gang tấc; đôi bàn tay ông đã nhiều lần bật máu vì cào bới hố bom tìm đồng đội.

Nghỉ hưu, bố tiếp nhận việc nhà nông nhẹ nhàng như cởi áo sơ mi treo vào góc tủ. Ảnh: HL

 

Nói không ngoa, bố chính là thần tượng của hắn. Khi còn nhỏ, những câu chuyện chiến đấu của bố có sức hút với hắn hơn cả phim ảnh.

Trong trí tưởng tượng non nớt của hắn hồi ấy, cuộc đời binh nghiệp của bố không chỉ là những đêm hành quân, vượt qua bom mìn, đạn pháo; không chỉ là dày đặc đồn bốt địch… mà còn là những bản làng nằm nép dưới tán rừng, với những người dân sẵn sàng vét đến hạt gạo, quả bí, mớ rau cuối cùng trong nhà để nuôi bộ đội đánh giặc Mỹ.

Còn nữa, đó là những trận đánh ác liệt từ chiến trường B đến chiến trường C (Lào). Mà trong một trận đánh, bố đã sức ép đạn pháo ném xuống suối, nằm ngất nửa ngày. Một viên bom bi nhỏ bằng bi xe đạp “chui” vào sườn và “theo” bố đến mấy chục năm sau.

Sau trận ấy, bố đã dùng ống pháo sáng của Mỹ gò thành một cái ly uống nước với dòng chữ: kỷ niệm chiến trường Lào- Đông xuân 1966-1967. Cái ly ấy bố nâng niu cho đến ngày tặng con trai vào Tây Nguyên.

Chiến tranh kết thúc, bố chuyển ngành sang dân sự, tiếp tục công tác xa nhà cho đến khi nghỉ mất sức. Từ đó, ông chính thức “tiếp quản” hơn chục sào ruộng Trung bộ (mỗi sào 500m2), đàn lợn và mấy con trâu từ tay mẹ, một cách tự nguyện và nhẹ nhàng, không hề có một chút ngập ngừng hay lúng túng nào.

Nó nhẹ tựa như khi ông cởi cái áo sơ mi ra, và treo vào cái tủ ọp ẹp được đóng bằng gỗ xoan vậy.

Kể từ đó, ông là một nông dân, rành việc nhà nông như những “lão nông” bám đồng bám ruộng từ nhỏ đến già vậy.

Chiêm hay mùa, những đám ruộng của bố luôn được chăm bẵm kỹ nhất, nên luôn được mùa nhất.

Đông hay Hè, mưa hay nắng, bố đều dậy rất sớm. Hoàn thành khâu cho đàn lợn, gà vịt ăn xong rồi cùng mẹ ra đồng. Chưa bao giờ nghe bố than vãn về cuộc sống.

Dường như đó cũng là cách để bố bù đắp cho mấy mẹ con sau những năm tháng xa nhà dằng dặc.

Ảnh minh họa

 

Với con cái, bố có vẻ… hơi nghiêm khắc, ít có những lời nói, cử chỉ thể hiện yêu thuơng. Ông đặc biệt chú ý rèn cặp 4 đứa con về nề nếp, nói năng, cách ứng xử trong cuộc sống.

Sau này lớn lên, chị em hắn hiểu rằng, đó có lẽ là do sống trong môi trường quân đội lâu năm. Tình yêu thương của ông đặt hết vào những việc làm, những chăm sóc kỹ lưỡng từ miếng ăn, giấc ngủ, đến chuyện học hành.

Cứ vậy ngày tháng trôi, trải qua bao nhiêu mùa lúa đẫm mồ hôi bố mẹ, bầy con cũng trưởng thành, mỗi đứa lập nghiệp một nơi. Không đứa nào muốn bố mẹ vất vả chuyện đồng áng, chăn nuôi nữa, bàn nhau vận động ông bà hoặc theo con cái, hoặc thuê người làm.

Ông gạt đi: Để bố làm cho vui tay vui chân. Ở không buồn, có khi lại “đi” sớm. Quần áo con cái mua, ông cất trong tủ, chỉ khi lễ tết hay họp hội CCB mới lấy ra mặc. Hàng ngày vẫn “diện” mấy bộ quân phục đã sờn.

Mọi người hay nói hắn giống bố, nhất là tướng người mảnh khảnh và cách sống hướng nội.

Có phải vì vậy mà nhiều khi hắn thấy mình và bố hình như rất “thân nhau”. Giữa hai người không còn khoảng cách nào hết, vì có thể nói nhiều chuyện “bí mật”. Và người này có thể rất kiên nhẫn để nghe người kia kể rất nhiều chuyện.

Nhớ kỳ nghỉ hè năm đầu đại học, khi hai bố con đi thăm đồng, hắn kể với bố về những khó khăn do thay đổi môi trường sống, chuyện học hành, cả về chuyện cô bạn cùng lớp mà hắn thương thầm đã có bạn trai. Bố nói tin tưởng hắn sẽ sớm vượt qua những khó khăn thôi.

Còn về chuyện thất tình ấy à? Hồi trẻ, bố cũng từng thất tình mấy lần, nên không có gì phải xấu hổ, phải buồn cả- ông nói, với vẻ rất chân thành.

Hắn ngạc nhiên: Bố nói thật hay đùa vậy? Ông cười khà khà: Thật. Nhưng đừng kể với mẹ mày đấy nhé.

Có lần, hắn trêu “bố sợ vợ thật, cái gì cũng “hỏi mẹ mày” ấy”. Ông cười khà khà: Vợ tao, tao sợ. Nhưng đứa nào chẳng biết, ông yêu quý và trân trọng sự hy sinh lớn lao của mẹ.

Bố thường nói: Không có mẹ chúng mày, sao bố có thể tung tẩy từ Nam chí Bắc, yên lòng đánh giặc được. Cuộc đời bố, may mắn nhất là đã lấy được người vợ như mẹ chúng mày đấy.

Suốt thời tuổi trẻ, chồng đi xa biền biệt, hết chiến trường B đến chiến trường K, rồi biên giới phía Bắc, bà gánh vác tất cả, quần quật làm lụng nuôi con. Về già, lại một tay chăm chồng, mảnh đạn găm trong người ông không lấy ra được, cứ trái gió trở trời là đau nhức.

Hắn còn giống bố “nết” uống rượu. Đó là không bao giờ uống say. Bố nói, uống vừa đủ, còn tỉnh táo thì còn bạn bè, còn nhân cách, còn là mình, uống say mất hết. Rượu bia là thứ để thưởng thức chứ không phải nốc vô tội vạ để khoe tài; uống để vui vẻ chứ không phải tiêu sầu.

Hồi hắn mới đi làm, bố bán đàn lợn, bắt xe đò vào thăm. Hắn lo bố không biết đường, viết thư dặn dò kỹ lưỡng, nhưng dường như thư chưa về đến quê, thì ông đã tìm đến khu tập thể.

Hắn tròn mắt: Sao bố biết đường tới đây hay vậy. Ông cốc đầu hắn: Đây là chiến trường xưa của bố, có nơi nào bố không biết. Với lại, đường ở miệng chứ đâu. Hắn gãi đầu: Ờ há.

Chiều, hắn chở bố chạy lòng vòng rồi ghé quán lẩu bò. Ông dòm dòm rồi cười: Thằng ni ngon. Lương lậu thế nào mà chiêu đãi bố như thế này?

Hắn cũng cười: Bữa nay có khách quý, với lại đầu tháng có tiền, chơi sang chút có sao đâu bố. Cuối tháng, hết tiền, lại ăn cơm với cá khô, rau. Thanh niên mà.

Bố hắn cười ha ha: Cái thằng, không lo dành dụm, đói có ngày. Hết bữa nhậu, bố  trả tiền, đèo thằng con say khướt về nhà. Hai tay thằng con cứ ôm cứng lấy bố.

Lúc ấy, bố có biết đâu, thằng con “trời đánh” giả say để được ôm lấy bố, như muốn được bố che chở, dìu dắt giống ngày còn bé. Lớn xác vậy đấy, nhưng đôi lúc vẫn thèm được là con nít.

Ai đó nói, bố và con trai khó ngồi được lâu với nhau. Có lẽ sẽ đúng với nhiều nhà. Nhưng với hắn, bố vừa là bố, vừa là tri kỷ.

Bố nhỉ!

Hồng Lam

Chuyên mục khác