Con mèo trong văn hóa Việt Nam

22/01/2023 13:20

Mèo là linh thú đứng thứ tư trong lịch Can Chi 12 con giáp của Việt Nam, và cũng là một trong bảy loài vật thường được con người nuôi, gần gũi với con người nhất. Xuân Quý Mão đến, bàn luận một chút về con giáp này trong văn hóa Việt Nam cũng lý thú lắm thay.

Loài mèo đã gắn bó với con người từ rất lâu đời, là một trong những loài vật được con người thuần chủng từ rất sớm, do đó chúng rất thân thuộc và gần gũi với con người.

Mèo là linh thú đứng thứ tư trong lịch Can Chi 12 con giáp của Việt Nam, và cũng là một trong bảy loài vật thường được con người nuôi (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.

Và vì vậy, hình tượng con mèo đã đi vào văn hóa Việt Nam như một lẽ tự nhiên. Trong văn hóa dân gian người Việt Nam, hình tượng loài mèo được thể hiện qua các dòng tranh dân gian rồi đi vào văn hóa nghệ thuật. Trong tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận quà.

Tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột". Ảnh: Internet

 

Mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục- Quảng Ninh; cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang- Hải Phòng.

Hình ảnh con mèo quen thuộc, gần gũi qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ và những bài ca, câu hát đồng dao nổi tiếng lưu truyền từ bao đời mà có lẽ khó ai quên được.

Ngày nằm trong nôi, chắc hẳn ai cũng đã từng nghe bà, nghe mẹ hát ru: “Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đàng xa, mua mắm mua muối về giỗ cha con mèo”. Lời hát ru tuy có bốn câu ngắn ngủi nhưng đã dìu bao thế hệ, ru trẻ thơ chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Ngày ấy, trong trí óc non nớt của tôi, câu hát ru của bà, của mẹ gợi lên hình ảnh mèo và chuột là đôi bạn rất đỗi thân thiết, gắn bó chứ không phải là “thiên địch”.

Sau này lớn lên, đi học rồi mới được biết đây là một bài đồng dao với lắm cách hiểu khác nhau. Và dù với cách hiểu gì đi nữa thì tôi vẫn tin chắc rằng, bao nhiêu người đã từng lớn lên từ vành nôi của bà, của mẹ, đã từng nghe bài đồng dao này cũng đều mong muốn chuột và mèo là một đôi bạn thân thiết, biết quan tâm nhau, sống vui vẻ, hòa thuận với nhau; chứ không phải là quan hệ đối nghịch, loại trừ nhau. Chắc có lẽ đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của bài đồng dao mà người xưa mong muốn gửi gắm, nuôi dưỡng vào tâm hồn trẻ thơ.

Từ xa xưa, người Việt đã thuần dưỡng mèo để nuôi trong nhà. Gắn với cuộc sống của con người, con mèo giúp ích rất nhiều việc. Người xưa có câu: “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”, theo nghĩa đen thì mèo được nuôi để canh giữ chuột phá hại mùa màng, đồ đạc trong nhà. Nhưng cũng mang hàm ý mỗi người một nghề nghiệp khác nhau, không nên chê bai ai cũng không nên tị nạnh hay can thiệp vào việc của nhau.

Mèo là loài vật rất thân thuộc và gần gũi với con người. Ảnh minh họa

 

Hay như “Chửi chó, mắng mèo”, hàm ý tức giận người khác rồi chửi mắng vu vơ; “Mèo khen mèo dài đuôi”, hàm ý tự đề cao, khen ngợi mình; “Chó chê mèo lắm lông”, hàm ý phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người; “Mèo mù vớ cá rán”, hàm ý vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo đang túng quẫn”; “Chó treo, mèo đậy”, hàm ý cảnh giác với việc cất giữ đồ đạc, tránh kẻ gian lấy cắp; “Chó tha đi, mèo tha lại”, hàm ý những vật vô giá trị, bỏ lăn lóc chẳng ai thèm lấy; “Mỡ để miệng mèo”, hàm ý cảnh giác, đề phòng với những thủ đoạn trộm cướp; “Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào”, hàm ý mỗi người đều có sở trường riêng, chưa chắc ai hơn ai; “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”, nói về quan niệm mê tín từ xưa lưu truyền lại.

Ngày nay, ca dao, thành ngữ, tục ngữ hay bài đồng dao nổi tiếng “Con mèo mà trèo cây cau” vẫn được người Việt Nam vận dụng, sử dụng rất phong phú trong cuộc sống, mang một nét văn hóa rất riêng biệt và độc đáo. Đáng quý hơn khi con mèo cũng được rất nhiều gia đình chọn làm vật nuôi, được các bé gái, thiếu nữ chăm bẵm như người bạn thân thiết của mình.

Ở trường học, hình ảnh con mèo đáng yêu còn xuất hiện trong nhiều bài hát, bài tập đọc quen thuộc được trẻ em và cả người lớn cũng thuộc nằm lòng, tiêu biểu như bài “Rửa mặt như mèo” của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích: “Meo meo meo rửa mặt như mèo. Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu. Khăn mặt đâu mà ngồi liếm mép. Đau mắt rồi lại khóc meo meo”. Mọi người suy ngẫm xem, dù là trẻ con rửa mặt chưa sạch nhưng qua hình ảnh ví von từ con mèo cũng khiến câu hát đáng yêu làm sao. Cũng qua câu hát vui nhộn, dễ nhớ, dễ hiểu ấy, các ông bố bà mẹ dễ dàng hơn trong việc rèn luyện, nhắc nhở con em mình phải luôn vệ sinh chân tay sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe.

Ngày xuân Quý Mão nói chuyện về con mèo, về văn hóa của người Việt Nam liên quan đến con mèo, hy vọng sẽ mang đến nhiều điều thú vị cho mọi người về con giáp của năm này. /.

Tú Quyên

Chuyên mục khác