Còn lại là nỗi nhớ!

22/02/2024 13:14

Tôi hiểu lòng mẹ mỗi khi bà ngồi trước cửa mà thở dài. Ấy là bà đang nhớ quê; nhớ không khí chộn rộn, tất bật mà náo nức, dù mưa phùn gió bấc vẫn làm người ta lâng lâng như say của Tết quê.

Mọi năm, với tôi, Tết bao giờ cũng bắt đầu từ một cuộc điện thoại của mẹ. Năm nay có về ăn Tết được không con?

Còn năm nay, không có cuộc điện thoại nào cả. Cậu con trai cũng không phải gắt gỏng kiểu làm nũng với mẹ nữa. Bởi bố mẹ “phải” ăn tết trong này với tôi.

Gần Rằm tháng Chạp, mẹ có kế hoạch về quê. Vừa gói ghém đồng quà tấm bánh cho con cháu ở quê, mẹ vừa bần thần nhìn tôi. Hẳn là mẹ đang dùng dằng, đang đấu tranh dữ lắm. Ở đây thì nhớ Tết quê, mà về quê ăn Tết lại nhớ con cháu nơi này.

Nhưng đùng cái, kế hoạch thay đổi. Một lần bước hụt chân, mẹ bị ngã, nằm liền cả tuần. Đến giáp Tết mẹ mới nhúc nhắc đi lại được.

Mẹ chuẩn bị cho Tết từ rất sớm. Ảnh: HL

 

Và trong gió xuân, trong nắng xuân, mẹ thường kéo ghế ra ngồi trước cửa mà thở dài. Tôi hiểu lòng mẹ lúc ấy. Hẳn là bà đang nhớ quê; nhớ không khí chộn rộn, tất bật mà náo nức, dù mưa phùn gió bấc vẫn làm người ta lâng lâng như say của Tết quê.

Tôi cho là, với mỗi người con xa quê, không có gì gợi nhớ nhiều bằng một tiếng “Tết”. Cũng không có gì để ta gom nhiều nỗi nhớ vào đó như một tiếng “Tết” ấy.

Với tôi, một đứa con đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn hơn 20 năm, đã chọn nơi đây là quê hương, còn vậy, nói chi mẹ tôi- một bà lão ngoài 80 tuổi, lần đầu tiên ăn tết ở một nơi xa lạ.

Nơi đây không có những phiên chợ quê, để mỗi ngày mẹ tất bật đạp xe đi mấy lần để mua dần những thứ nhà không có.

Nơi đây không có khoảnh vườn để thả gà từ tháng 5, cái chuồng xây bằng gạch để thả lợn từ tháng 3; không có đám lá dong xanh tốt không đụng dao từ tháng 10.

Nơi đây không có những ngày mưa lất phất bay, có gió lành lạnh, có hoa xoan rắc đầy ngõ vườn. Tết luôn ngập nắng và gió, nóng nực.  Không có vại dưa hành, nồi thịt đông và bếp lửa bập bùng nấu bánh chưng, vì tất cả đều được mua sẵn.

Phút giây giao thừa giảm bớt sự thiêng liêng với nhang trầm, đèn nến tỏa khói trên bàn thờ gia tiên, bởi con cháu đi xem bắn pháo hoa, đi rước lộc gần sáng mới về.

Cũng thiếu bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, những bữa ăn đông vui, cười đến rung rinh mâm cơm. Bởi con cháu mỗi đứa một nơi.

Sao ở đây thấy mấy đứa chuẩn bị Tết đơn giản quá- mẹ than.

Không giống ở quê. Tết, là phải chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản. Mọi năm, trong khi đám con cháu vẫn đang túi bụi với cuộc mưu sinh đâu đó xa tít tắp, thì ở quê nhà, bố mẹ đã chụm đầu bàn tính.

Còn năm nay, thấy con cháu cứ đủng đỉnh, chẳng thấy đi chợ mua sắm chi cả, nên sốt ruột giục giã. “Gớm, mẹ cứ lo, bây giờ chạy ào ra phố, thậm chí ở nhà alo một cái là đủ”- tôi dấm dẳng.

Mẹ có vẻ giận: Thế thì kệ anh!  

Trước Tết, anh tôi đem tới biếu mẹ cặp bánh chưng, cây bánh tét; biếu bố tôi cặp rượu, hộp trà, hộp bánh. Chú em thì đem xuống cặp gà trống giò, một con cúng tất niên, 1 con để cúng đưa ông bà. Tôi đặt mua ít giò nạc, giò thủ, dưa kiệu, bánh mứt.

Thế là đủ Tết. Tôi nghĩ, đúng là có phần đơn giản thật!

Bánh chưng ngày tết. Ảnh: H.L

 

Thỉnh thoảng bố cũng đi ra, kéo ghế ngồi bên mẹ. Hẳn là ông bà đang nhớ đến những sáng giáp tết ở quê nhà năm nào đó, hoặc là tất cả các năm.

Những lúc ấy, hai ông bà ngồi trên tấm chiếu trải trước hè, ngắm vườn cây đang nôn nả vào xuân trong tiết trời bảng lảng khói sương.

Mẹ sẽ rót cho bố một ly trà đặc, rồi hối ông chẻ lạt gói bánh chưng từ những ống giang (một loại tre) bánh tẻ mẹ mua hôm trước để treo gác bếp, khi dùng chỉ việc lấy xuống ngâm nước là dẻo dai vô cùng.

Rồi hỏi năm nay ông có gọi ai chung thịt lợn không, hay chỉ nhà mình? Mà tôi nhắm cũng chỉ đủ cho nhà mình thôi. Con cái vất vả cả năm rồi, về nhà thì phải nghỉ ngơi, ăn uống đã đời.

Bố sẽ nói với mẹ: Thôi nhé, năm nay nhà mình ăn tết kiệm thôi, không phải chuẩn bị gì đâu, vất vả quá. Và mẹ cũng trả lời rằng “yên trí, năm nay có gì ăn đó”.

Chưa hết. Mẹ luôn hỏi đi hỏi lại các con về những điều kiêng cữ trong 3 ngày tết. Chỉ khi các con thuộc lòng rằng, ngày tết không được quét nhà, vì đuổi thần tài ra cửa; không được đánh vỡ chén bát để tránh đổ vỡ suốt năm; không được may vá vì kim chỉ có đầu nhọn, nghĩa là năm mới sẽ gặp chuyện không hay, mẹ mới hài lòng gật đầu.

Mẹ cho rằng, tất cả những sự kiêng cữ đó không phải là mê tín dị đoan, mà là tín ngưỡng, là “có kiêng có lành”.

Tết đầu tiên của bố mẹ tôi ở Tây Nguyên trôi qua, nhẹ nhàng nhưng lại có chút gì đó bâng khuâng, nhớ nhung.

Sáng ngày 6 tháng Giêng, tôi chào bố mẹ đi làm. Mẹ không quên dặn dò ngày làm việc đầu tiên của năm, nhớ phải vui vẻ, hòa nhã, và nhất là “bớt bớt cái tính nóng lại” thì mọi việc mới hanh thông.

Tôi cười cười, tỏ ý “con nhớ rồi”. Mẹ nói với bố: Nay ở quê cũng ra đồng rồi đấy nhỉ. Tết nhất cũng không thể sao nhãng chuyện đồng áng được.

Ở quê mùa này, bà con gieo mạ trên những thửa ruộng xâm xấp nước, sau đó dùng nilon hoặc bạt chắn gió, che sương. Chỉ vài ngày sau, từng vạt mạ non đã dạt dào trước gió bấc, vươn lá mềm mại như tấm thảm. Mỗi khi có gió thổi qua, đám mạ lại rạt cả xuống rồi lại đứng lên, trông như đang múa.

Đi đã xa, nhưng tôi biết mẹ vẫn ngồi đó, nhìn ra khoảng sân nắng, ánh mắt đong đầy nỗi nhớ!

HẢI LÊ

Chuyên mục khác