Con không muốn ôm giấc mơ của bố mẹ!

10/09/2019 13:00

Thay vì kỳ vọng con trở thành “ông nọ, bà kia”, viết tiếp giấc mơ dang dở của mình, các bậc cha mẹ hãy hy vọng con khôn lớn, sống có ích, hạnh phúc với công việc, với đam mê của chính mình.

Vừa bước vô nhà sau buổi nhận lớp đầu tiên của năm học mới, thay vì hớn hở, vui cười, bé cháu hàng xóm (học lớp 3) mặt bí xị. Khi được hỏi tại sao, bé òa khóc nức nở: “Mùa hè của mấy bạn vui lắm. Bạn thì được đi về quê thăm ông bà, tắm biển; bạn được đi du lịch, bạn được theo bố mẹ lên rẫy, ra đồng… còn con lúc nào mẹ cũng bắt học. Cả mùa hè của con chỉ có học thôi, bây giờ vô năm học rồi, thời gian đâu mà chơi nữa”.

Nghe con khóc nức nở, mẹ của bé liền cười rồi thủ thỉ: “Tưởng chuyện gì, con cứ học giỏi, sau này làm bác sĩ rồi muốn đi du lịch ở đâu cũng được. Bây giờ mà không học thì tương lai mù mịt lắm, lúc đó hối hận không kịp đâu”.

Trong khi bé vào nhà, chị nán lại kể chuyện. Chị nói, ngày trước, chị ước mơ trở thành bác sĩ nhưng vì gia đình khó khăn nên chị phải nghỉ học từ sớm để phụ giúp bố mẹ. Và bây giờ, chị kỳ vọng con sẽ viết tiếp giấc mơ còn dang dở của mẹ. Muốn làm bác sĩ phải học thật giỏi mà con còn nhỏ, chưa hiểu rộng nên người lớn phải định hướng cho con.

Suy nghĩ vậy nên ngay khi vào hè, chị liền đăng ký cho con học thêm Toán, tiếng Việt, học 2 lớp Anh văn, học luyện chữ, học bơi. “Thời đại này tiếng Anh phải thông thạo nên phải học Anh văn càng nhiều càng tốt. Còn học bơi là kỹ năng cần thiết, hơn nữa, sau này đi làm, phải giỏi một môn thể thao thì mới phát triển được phong trào” - chị nói.

Và, theo định hướng của mẹ, cả mùa hè, lịch học của cháu kín mít.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Bây giờ, vào năm học, vì cháu học cả ngày không có thời gian nên chị thôi cho con đi học bơi, rèn chữ. Sau buổi học trên trường, cháu sẽ đến nhà cô để học thêm; thứ Bảy, Chủ nhật sẽ đi học tiếng Anh.

- “Học nhiều vậy bé có mệt không chị?”

- “Cháu học từ nhỏ tới lớn nên quen rồi. Anh đầu của bé nay học lớp 10 cũng chạy xô đi học cả ngày. Học ở nhà cô thì về nhà đỡ phải học, có khi còn khỏe hơn” - chị nói.

Khác với lời nói và suy nghĩ của mẹ, tôi cảm nhận được sự uể oải, mệt mỏi trên đôi mắt của cháu bé.

Câu chuyện của bé khiến tôi sực nhớ đến một câu chuyện khác. Cách đây không lâu, khi đến nhà chị bạn chơi, thấy cậu bé (con chị) ngồi say mê chương trình dạy nấu ăn trên youtube, tôi liền hỏi: Lớn lên con thích làm gì? Khi cháu trả lời: "Con thích làm đầu bếp", thì liền bị mẹ quát: “Con trai, công an, kỹ sư không làm, làm đầu bếp làm gì”.

Ngay sau đó, để dẹp cái suy nghĩ được xem là non nớt của con, chị lên lịch, bắt đi học thêm từ môn Toán, tiếng Anh, môn Văn…, kỳ vọng con sẽ theo ngành của bố - Công an.

Không riêng một vài cháu, dường như đa số các cháu đều bị áp lực từ phía gia đình trong việc học hành, thi cử, chọn ngành chọn nghề. Và thực tế, nhiều bé vì phải “ôm giấc mơ của bố mẹ” mà phải chạy xô đi học thêm, vùi đầu vào đống sách vở và không được làm những điều mình thích. Chiều chiều, sau giờ học không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều cháu bé phải ăn vội ổ bánh mỳ hoặc uống vội hộp sữa để tiếp tục đi học. Nhiều cháu vì suốt ngày chỉ học và học, thiếu thời gian vui chơi, trải nghiệm, dẫn đến việc thiếu những kỹ năng sống trong thực tế.  

Cách đây vài năm về trước, có 1 trường hợp, khi thi rớt tốt nghiệp, một cậu bé chọn cách tự tử vì không chịu nổi áp lực từ phía gia đình. Vì ước mơ của ba mẹ, vì áp lực từ phía người lớn mà chính ước mơ và cuộc đời của con đành khép lại dang dở.

Thay vì bắt con theo ý muốn, kỳ vọng của mình, tôi chợt nghĩ, tại sao cha mẹ không giáo dục để con tự ý thức biết mình cần gì và muốn gì. Tại sao cha mẹ không là những người bạn đồng hành, đóng góp, giúp con trở thành một người dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi ước mơ, dám chịu trách nhiệm. Thất bại là mẹ thành công, có trải nghiệm, có thử sức; có thất bại, các con mới biết mình vấp ở đâu, sai ở đâu để học cách tự đứng dậy. Và khi tự mình thực hiện ý tưởng, tự mình chọn lựa con đường đi, các con sẽ biết cách nắm giữ và trân trọng giá trị của thành công.

Thực tế, không ít bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ làm nông; nhiều bạn lại thành công nhờ kinh doanh; có bạn hạnh phúc với nghề làm hướng dẫn viên du lịch; có bạn thích thú với việc làm gốm, làm nghề thủ công… Vậy thì hà cớ gì phải bắt con vùi đầu học để theo nghề của bố mẹ. Liệu con có thành công với công việc bố mẹ muốn? Tôi chứng kiến nhiều bạn mải mê ôm giấc mơ của bố mẹ, đến khi nhận ra, phải dằn vặt “đấu tranh”, tự vượt qua rào cản của gia đình để chinh phục lại đam mê của mình.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, bên cạnh một số phụ huynh áp đặt con học trường mẹ muốn, bố thích; một số phụ huynh hiểu tâm lý nên đã để các con tự chọn ngành, chọn nghề theo nguyện vọng của mình. Và thực tế, nhiều em đạt điểm cao, chạm vào ước mơ một phần lớn nhờ tinh thần thoải mái, không bị áp lực từ phía gia đình.

Bố mẹ yêu thương con vô điều kiện, luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng bố mẹ không thể theo con, ở bên che chở, bảo bọc, nhắc nhở con đến hết cuộc đời. Thay vì kỳ vọng con trở thành “ông nọ, bà kia”, viết tiếp giấc mơ dang dở của mình, hãy hy vọng con khôn lớn, sống có ích, hạnh phúc với công việc, với đam mê của chính mình. Bố mẹ có cuộc đời của bố mẹ và các con cũng có cuộc đời của các con. Bố mẹ không muốn sống cuộc đời của người khác, vậy tại sao lại bắt con phải gồng gánh sống theo cuộc đời của mình?!

Hoài Tiến

Chuyên mục khác