Cơm và sạn

30/03/2024 06:58

Và miếng cơm gạo mới dẻo thơm bỗng vấp phải hạt nho nhỏ, cưng cứng. Hạt sạn. Cơm và sạn. Phải lâu lắm rồi mới quay trở lại cảm giác của những ngày đã xa, ăn bữa cơm có tới vài ba lần vấp sạn.

Ngày ấy cơm lại hay có sạn đến thế. Nhà đông con, đứa nào đứa nấy đang tuổi trứng gà, trứng vịt hau háu theo chuyện ăn. Mỗi lần nhận lương, mẹ đong cả bao gạo to, rồi mang bộ nong, nia, dần, sàng vốn đặt gọn bên góc bếp ra ngồi trước hiên nhà để vừa làm sạch những đầu vỏ trấu còn sót lại, vừa loại bỏ bớt những sạn đá. Đôi tay mẹ lắc đều chiếc nia nhỏ. Vỏ trấu, gạo tấm nhỏ nằm gọn về phía trước, những hạt gạo trắng đều ở giữa, còn mấy hạt sạn, mấy hạt thóc chưa được xát nằm về phía cuối. Mỗi lần nhìn mẹ rê sẩy dần sàng, tôi không khỏi tấm tắc thán phục đôi bàn tay diệu kỳ của mẹ. Đôi bàn tay hết cầm phấn viết trên bục giảng, chăm chút, dạy dỗ các con, lại đến tảo tần với vườn tược, với đàn heo cả trăm con, rồi lo chuyện cơm nước, mươi ngày, nửa tháng lại dần sàng cả bao gạo lớn.

Để bớt đi những hạt sạn, trước khi nấu cơm, mẹ còn cho gạo vào chiếc thau nhỏ, đãi cho phần gạo nhẹ hơn theo nước đổ xuống chiếc thau to, còn những hạt sạn nặng hơn sẽ đọng lại trên chiếc thau nhỏ.

Bữa cơm quê. Ảnh minh họa

 

Tảo tần, kĩ càng vậy mà nào đâu đã hết sạn. Đến bữa cơm, thỉnh thoảng vẫn vấp phải vài ba hạt sạn. Nhìn mặt tôi mỗi lần vậy như chùng xuống, mẹ đều từ tốn giảng giải, căn dặn. Người quê mình lam lũ, khó nhọc, một nắng hai sương với ruộng đồng mới làm ra được hạt lúa vàng. Ngày thu hoạch, nhà nhà tất bật với cắt lúa, tuốt lúa, phơi lúa. Từ đường làng đến sân nhà đều nền đất, chẳng có bạt, cũng chẳng có bao, tìm được chỗ nào phơi phóng cho khô những hạt ngọc trời ban là mừng đến đó. Nhà nào cũng vậy. Ăn chén cơm có lẫn đôi hạt sạn cũng có nề hà gì so với người nông dân qua bao mưa nắng, nhọc nhằn suốt mấy tháng trời từ cuốc cày, gieo mạ, đến làm cỏ, bỏ phân, làm đòng, ngậm hạt. Mà cơm ngon thế, gạo mới vừa dẻo, vừa thơm, vừa đậm vị, sao con không thấy. Sao con chỉ thấy vài hạt sạn mà quên cả bát cơm đầy.

Cũng liên quan đến cơm và sạn, lại nhớ ngày học lớp 12. Cô giáo dạy văn trả bài viết phân tích về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” cho cậu bạn ngồi kế bên với lời phê đỏ chót “Đọc bài văn của em với những dấu chấm, dấu phẩy không đúng nơi, đúng chỗ mà cô cứ tưởng đang ăn bát cơm dẻo thơm gặp phải vài ba hạt sạn” mà nhớ mãi đến tận bây giờ.

Cuộc sống nay hiện đại, đủ đầy hơn. Để làm ra hạt thóc vẫn phải tảo tần nắng mưa, thấm đẫm bao mồ hôi khó nhọc đấy nhưng chuyện cơm và sạn dần là của “thời xa vắng”.

Ký ức về những bữa cơm lẫn đôi ba hạt sạn đã như con tàu xuyên thời gian đưa tôi về những ngày xưa. Ký ức về những bữa cơm lẫn sạn quanh quẩn với dĩa rau lang luộc, nồi cá nục kho cứ hồi cố, trở lui trở tới. Vẫn thấy rõ bên mái hiên nhà, đôi tay chai sạn của mẹ nghiêng nghiêng, lắc lắc chiếc nia nhỏ nhịp nhàng. Vẫn cảm nhận rõ bên bếp lửa bập bùng, nồi cơm gạo mới đang sôi ùng ục, tỏa ra mùi thơm lãng đãng, một mùi thơm rất thật, cho dù tôi cảm nhận bằng ký ức hay bằng khứu giác của chính mình.

Mỗi lần nhớ đến chuyện cơm và sạn, lại vẳng bên tai lời mẹ dặn dò và cả lời cô giáo nhận xét về bài văn của cậu bạn thuở ấu thơ. Vì vài hạt sạn mà quên cả bát cơm đầy. Vì những dấu chấm, dấu phẩy không đúng nơi, đúng chỗ mà cứ tưởng đang ăn bát cơm dẻo thơm gặp phải vài ba hạt sạn.

Lớn lên rồi, bao lần lầm lũi giữa nắng chang chang, giữa mênh mông nước, tôi mới hiểu đừng vì đôi hạt sạn mà không thấy được bát cơm đầy. Đừng vì đôi chút nhọc nhằn, đôi chút vấp váp mà không ráng bước. Phải biết cách đón nhận vị dẻo thơm của hạt cơm và cũng phải biết cách chấp nhận, thanh lọc hạt sạn. Như chén cơm thỉnh thoảng lẫn vào đôi hạt sạn, thấp thoáng trong cuộc đời mỗi người những dáng ngồi mỏi mệt, những đôi mắt âu lo. Khi nào nhớ đến bát cơm đầy dẻo thơm là phần thưởng sau bao nhọc nhằn mưa nắng? Khi nào nhớ đến những hạt sạn như dấu lặng trong cuộc đời cần những đổi thay?

Cơm sạn. Cơm và sạn. Chỉ biết nhủ mình, hãy thật lắng lòng để cảm nhận được vị dẻo thơm của những hạt ngọc trời ban, để biết thanh lọc những thô ráp của hạt sạn, để thấy niềm vui rất nhẹ ở những góc nhỏ mà dường như rất sâu lắng, rất rộng dài. Niềm vui và sự trọn vẹn chỉ đến khi biết cùng chia sẻ, cùng cố gắng. Dẫu cho có những khó khăn, có những nhọc nhằn, có những vấp váp nhưng cũng sẽ có những yêu thương, những ngọt ngào như bát cơm đầy dẻo thơm luôn hiện hữu.

NGUYÊN PHÚC

Chuyên mục khác