Coi chừng “sập bẫy” khám bệnh từ thiện trá hình

19/04/2021 06:04

Việc núp bóng hay lợi dụng vỏ bọc khám chữa bệnh từ thiện để bán thực phẩm chức năng khiến nhiều người dân nhẹ dạ cả tin bị mắc lừa và mất tiền oan ngày càng diễn ra phức tạp. Đây không chỉ là hoạt động thu lợi bất chính mà còn làm biến tướng một chương trình vốn rất nhân văn khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Theo thông tin từ Sở Y tế, ngày 11/4, trên địa bàn xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) có đơn vị Y tế Hà Nội - Sài Gòn SHB (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng miễn phí với các hoạt động khám bệnh như: Siêu âm tổng quát ổ bụng, kiểm tra huyết áp, tim mạch, đo độ loãng xương, kiểm tra lâm sàng, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe và các bệnh lý thường gặp. Trong các thư mời gửi người dân, đơn vị này còn nêu “được sự nhất trí của Sở Y tế, Phòng Y tế...” nhằm tạo niềm tin đối với người dân. Thế nhưng, trên thực tế, Sở Y tế không hề cấp phép cho đơn vị này tổ chức bất kỳ một hoạt động khám chữa bệnh, bán thực phẩm chức năng nào trên địa bàn xã Đăk Kan cũng như tất cả các địa phương trong tỉnh.

Đáng nói hơn, việc khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc chỉ là chiêu trò để đơn vị này thực hiện việc quảng bá, bán các sản phẩm thực phẩm chức năng cho người dân. Sản phẩm được đơn vị này quảng bá, giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: Viên uống Hoàng Cung, viên uống xương khớp An Bình và viên uống An Can SHB...

Tràn lan thực phẩm chức năng trên thị trường. Ảnh: TH

 

Rất may một số người dân đã có sự nghi ngờ nên không bị “sập bẫy”. Ngành Y tế cũng kịp thời nắm bắt sự việc, ban hành văn bản cảnh báo, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra nên hoạt động của đơn vị này chưa lan rộng ra các địa phương khác.

Núp bóng những hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm hay các hoạt động khám bệnh nhân đạo, tư vấn sức khỏe để bán thực phẩm chức năng với giá cao là chuyện không mới trong những năm gần đây. Mặc dù, vấn đề này liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin và cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người dân bị “sập bẫy”. Đối tượng mà các công ty, tổ chức bán hàng thực phẩm chức năng này nhắm vào là những người lớn tuổi ở thôn quê, sức khỏe suy giảm; thiếu thông tin, thiếu kiến thức để phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng. Những người dân nhẹ dạ cả tin khi nghe các bác sĩ “rởm” phán có bệnh thì không ngần ngại “móc hầu bao” để mua các loại thực phẩm chức năng với giá “cắt cổ”. Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nguy hại hơn, người sử dụng nghĩ rằng các loại thực phẩm chức năng được kê đơn chính là thuốc và tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh dẫn đến mất tiền oan, có khi còn “tiền mất tật mang”.

Tuy nhiên, có một điều khiến nhiều người không khỏi băn khoăn và dư luận luôn đặt câu hỏi là tại sao những hội thảo, hội nghị hay các đợt tổ chức khám chữa bệnh trá hình này được tổ chức rầm rộ, công khai nhưng hầu như chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đều không hay biết?

Khám chữa bệnh nhân đạo là hoạt động có tính nhân văn sâu sắc, tuy nhiên, những chiêu trò biến tướng để trục lợi và làm sai lệch ý nghĩa của hoạt động này là  đáng lên án. Vì thế, việc siết chặt quản lý của ngành chức năng là giải pháp cần thiết, bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo để không mắc phải chiếc “bẫy” khám bệnh hay tư vấn sức khỏe từ thiện trá hình.

Thiên Hương

Chuyên mục khác