Có một cây là có rừng!

09/11/2020 06:02

“Có một cây là có rừng”, từ phố thị đến miền quê, mỗi người góp chút công sức vun trồng, chẳng mấy chốc, cây xanh tỏa bóng mát, giúp không khí trong lành, làm đẹp diện mạo nông thôn mới.

Tại Ngày hội Đại đoàn kết năm nay, người dân thôn Vi Choong, xã Hiếu, huyện Kon Plông cùng ôn lại lời Bác Hồ dạy về việc trồng cây gây rừng và chung tay trồng cây xanh. Thêm một cây là thêm một mầm sống, cho đời một bóng mát, thêm một lượng gỗ. Tôi đọc được niềm vui, niềm háo hức trong ánh mắt của họ - ai nấy đều mong muốn cây xanh tỏa bóng mát, điều hòa không khí và góp phần chặn đứng những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên.

Càng vui mừng hơn khi tại đây, bà con cho biết, trồng cây là việc làm thường xuyên. Họ trồng từ cây ăn trái, cây công nghiệp cho đến cây lấy gỗ. Với họ, trước mắt cây phủ xanh đất trống, cho không khí mát mẻ. Sau nữa, họ tận dụng khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng để phát triển kinh tế.

Không riêng người dân thôn Vi Choong, nhớ lời căn dặn và học theo tấm gương sáng của Bác Hồ, hàng năm, tỉnh ta phát động trồng cây với nhiều thông điệp ý nghĩa. Và không chỉ vào dịp Tết, trong nhiều hoạt động, các cơ quan, ban, ngành; nhiều tổ chức, đơn vị đều hướng đến việc trồng cây với mục đích: mỗi người trồng một cây, đất phủ xanh, đồi trọc được che phủ. Như vừa qua, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Kon Plông và Kon Rẫy tổ chức Lễ phát động ra quân trồng thông ba lá phủ xanh 12 km hai bên đường đèo Măng Đen.

Ra quân trồng cây thông ba lá tại khu vực ngã ba thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: nhandan.com.vn

 

“Có một cây là có rừng”, từ phố thị đến miền quê, mỗi người góp chút công sức vun trồng, chẳng mấy chốc, cây xanh tỏa bóng mát, giúp không khí trong lành, làm đẹp diện mạo nông thôn mới.

Cùng với bà con nhân dân, các đơn vị chủ rừng cũng nỗ lực phủ xanh đất trống đồi trọc bằng rừng trồng. Theo đánh giá, trong năm 2019, toàn tỉnh trồng hơn 71.000 cây phân tán; trồng mới hơn 402 ha rừng tập trung, nâng tổng diện tích rừng trồng của tỉnh hơn 5.000 ha.

Hoạt động lâm nghiệp tỉnh trong những năm qua thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân. Không dừng lại với những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ mới, tỉnh ta đặt ra mục tiêu trồng mới 15.000 ha rừng, nâng cao độ che phủ rừng lên 64%.

Đi đôi với trồng cây gây rừng, công tác bảo vệ rừng cũng vô cùng quan trọng. Bởi phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Việc phá rừng gây ra biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, môi trường bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái, lũ quét… ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Do vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có ý thức trồng cây gây rừng và cùng nhau bảo vệ rừng. 

Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô đã mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Văn Chiến cùng đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Bản án thích đáng cho hành vi phạm tội là bài học cảnh tỉnh, răn đe cho những ai có ý định xâm phạm tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh các chế tài xử lý, công tác quản lý bảo vệ rừng đang đòi hỏi lực lượng Kiểm lâm, Công an, các chủ rừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi pháp luật trong việc bảo vệ rừng; thực hiện tốt công tác kiểm soát, tuần tra và bảo vệ rừng. Đặc biệt, để bảo vệ những cánh rừng xanh, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về hiệu quả trước khi thực hiện các dự án kinh tế, đầu tư liên quan đến đất rừng, có như vậy, mới đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa giữ những cánh rừng thêm xanh.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” là việc làm hết sức cần thiết. “Rừng co - lũ to”, hay nói rõ ra là mất rừng thường đi liền với nhiều hệ lụy. Những trận lũ quét, sụt lở đất nhiều nơi trong những ngày qua ở miền Trung, Tây Nguyên đang cảnh tỉnh con người trước môi trường sinh thái đang bị suy thoái, trong đó, có việc mất rừng. Vậy nên, ngay từ bây giờ, mỗi người một tay, cùng chăm sóc, cùng nhau bảo vệ những cánh rừng xanh. Trồng cây gây rừng; chăm sóc, bảo vệ rừng, đó vừa là trách nhiệm, vừa bảo vệ cho chính mình, cho gia đình và mọi người, hạn chế hiểm họa từ thiên nhiên.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác