Có ai còn nhớ trò chơi đồ hàng?

23/07/2023 06:15

Ai cũng có một thời tuổi thơ hồn nhiên, gắn với những trò tinh nghịch. Trong vô số trò chơi tuổi thơ ấy, không biết có những ai còn nhớ tới trò chơi đồ hàng? Riêng với tôi, đó là một phần kí ức không thể quên, dù thời gian trôi qua bao lâu đi chăng nữa.

Ngày xưa, khi mạng xã hội chưa được "thai nghén", chẳng có game nọ game kia, không có điện thoại thông minh, những đứa trẻ tìm ra ti tỉ trò chơi khác nhau bằng trí tưởng tượng tuyệt vời của mình, trong đó có trò chơi đồ hàng.

Đó chỉ là một trò chơi dân giã, với những cái lon sữa bò móp méo, nồi đất và nguyên liệu là mấy loại rau, củ, quả ở trong vườn nhà. Ấy vậy mà khiến tôi nhớ lâu, thương sâu đến thế, trở thành một phần kí ức không thể quên, dù thời gian trôi qua bao lâu đi chăng nữa.

Mỗi khi hè về là lũ con nít chúng tôi lại không quên rủ nhau chơi đồ hàng. Trò chơi chỉ là giả bộ tập theo cách của người lớn để nấu các món ăn mà bọn con nít chúng tôi đứa nào cũng háo hức, bày trò hoài mà chẳng bao giờ thấy chán.

Có hôm trò chơi đồ hàng là nấu một bữa cơm gia đình với các món cá kho, thịt luộc và món rau luộc mà cả bọn loay hoay nguyên buổi, phân chia nhau đứa đi chợ, đứa nấu cơm, đứa chế biến đồ ăn, đứa dọn chén.

Trò chơi đồ hàng là một phần kí ức không thể nào quên. Ảnh: S.C

 

Nồi cơm là lon sữa bò đựng đầy đất, bếp lò là mấy viên gạch nhỏ xếp chụm lại với nhau. Thức ăn thì đủ thứ, nào thịt, nào cá, nào canh được kho nấu, chiên, xào trên những miếng sành bị bể. Chén, đĩa để đựng thức ăn và dùng để ăn cơm thường là những miếng gáo dừa khô (sau khi đã cạy lấy phần cơm dừa ra). Đũa ăn cơm là cọng lá dừa vót nhẵn và chặt đều.

Để luộc rau, chúng tôi cho nước vào trong lon sữa bò nấu sôi lên rồi rửa rau cho vào. Nước sôi vài dạo, rau được vớt ra cho vào miếng gáo dừa rồi bày biện lên bàn ăn là mấy viên gạch, đá được xếp cao ráo, bằng phẳng. Để kho cá, kho thịt, chúng tôi thường có sáng kiến lấy những lát củ lang, củ mì đã được phơi khô ngâm cho mềm rồi chế biến món ăn.

Để “kho” cá ngon, chúng tôi còn học theo cách người lớn làm “nước màu” bằng việc vò các bông hoa có màu đỏ, nhất là hoa dâm bụt cho vào “nồi cá”. Lát khoai mì trắng đun với nước màu một hồi biến thành “lát cá” có màu vàng ươm rất đẹp mắt.

Không chỉ “nấu” những món ăn cho bữa cơm gia đình hàng ngày, chúng tôi còn sáng chế ra những món “sang trọng” hơn để “đãi khách” “đám tiệc”, mà phổ biến là món nem, chả.

Ngoài làm những món chả heo, chả bò, chả trứng vịt quen thuộc, các “đầu bếp nhí” còn “sáng tạo” ra món chả ngũ sắc. Gọi là ngũ sắc vì ruột chả có đến 5 màu. Để làm món này, chúng tôi ngắt ống hoa huệ to bằng ngón tay cái, dài tầm 2 gang tay, ruột rỗng để làm vỏ của cây chả. Ruột chả là những cánh hoa có những màu xanh, đỏ, tím, vàng như đậu biếc, hoa huệ, dâm bụt. Cách làm thật đơn giản, chỉ cần quấn những cánh hoa đủ màu sắc kia lại rồi nhét vào bên trong ống hoa huệ thật chặt là đã hoàn thành cây chả ngũ sắc. Khi “đãi khách”, chỉ cần dùng dao cắt từng khoanh chả ra, lát nào lát nấy trông y như thật, lại có nhiều màu sắc rất đẹp.

Chỉ là món ăn tự nghĩ ra và dù là chơi trò chơi thôi nhưng bọn trẻ chúng tôi vui lắm vì sự sáng tạo của mình.

Thích nhất là khi có đứa thuộc diện “nhà có điều kiện” được ba mẹ hay ông bà mua cho những bộ nồi, niêu, xoang, chảo tí hon bằng đất nung hoặc bằng nhôm trông đẹp và hiện đại hơn.

Có hẳn bộ đồ nghề, chúng tôi không nấu cơm bằng đất nữa mà xin gạo của ba mẹ để “trải nghiệm”, học hỏi cách nấu cơm. Tôi nhớ, lần đầu nấu cơm bằng gạo thật tuy có hơi “trầy trật” nhưng chẳng đứa nào bỏ cuộc. Một lần không được, cả bọn thử nghiệm lần hai, lần ba và cuối cùng cũng có một niêu cơm chín ngon lành. Nhờ có được những lần thử nghiệm ấy mà sau này, chúng tôi đứa nào cũng nhanh chóng biết phụ giúp ba mẹ nấu cơm.

Bây giờ, trò chơi đồ hàng vẫn còn phổ biến đối với trẻ em, không chỉ ở vùng nông thôn mà cả thành thị. Thị trường bày bán rất nhiều bộ đồ chơi nấu ăn kiểu truyền thống (bằng đất nung) và hiện đại (bằng nhôm, bằng nhựa, bằng gỗ) dành cho trẻ. Với đủ dụng cụ nhà bếp như bếp gas, lò vi sóng, nồi, chảo, chén, bát, ấm trà, bình nước; hình thù mô phỏng các loại thực phẩm rau, củ quả. Không chỉ thế, còn có thêm những bộ dụng cụ hiện đại như máy pha chế, máy đánh trứng, rất được trẻ em yêu thích.

Mới đây, tôi tình cờ thấy bé Bo gần nhà và các bạn nhỏ rủ nhau chơi đồ hàng. Nhìn chúng bày biện bộ đồ nấu ăn bằng đất nung, phân công nhau chế biến các món ăn thật vui mà nao nao nhớ về tuổi thơ. Mẹ bé Bo kể, trong lớp của con chị cũng được cô giáo cho chơi trò nấu ăn như thế này, nên về nhà cháu nằng nặc đòi mẹ mua một bộ bằng được. Qua tìm hiểu, chị biết đây là trò chơi bổ ích, phần nào giúp rèn luyện lỹ năng sống cho trẻ nên cũng mua ngay cho con.

“Mỗi lần nhìn thấy con và những người bạn chơi trò nấu ăn, tưởng tượng ra cách pha chế, chế biến những món ăn, lên thực đơn cho bữa ăn gia đình, tự chọn thực phẩm để nấu… vui lắm. Cháu nhanh nhẹn hơn, biết sắp xếp các công việc hợp lý và khoa học hơn. Quá trình ấy hy vọng sẽ giúp khích thích tư duy cho các bé; giúp các bé biết chia sẻ, quan tâm hơn tới gia đình và cảm nhận sự quan trọng của bữa cơm gia đình”- chị nói.

Thật vui vì trò chơi đồ hàng tưởng chừng nhỏ nhặt từ thời tuổi thơ tôi đến bây giờ vẫn được duy trì.

Rồi lại bần thần nghĩ, không biết trong số bạn bè ngày xưa, có ai còn nhớ trò chơi đồ hàng? 

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác