Chuyện vui đầu năm

20/02/2024 08:40

Đừng nghĩ câu “vui xuân không quên nhiệm vụ” chỉ là khẩu hiệu suông, là hô hào cho vui. Tinh thần ấy đang là thực tế ở mỗi cánh đồng, mỗi nếp nhà và mỗi người.

Mới 5 giờ sáng mà trong làng đã rộn rã tiếng nói cười, tiếng gọi nhau. A Huy đeo con dao vào thắt lưng, vác cái cuốc lên vai đi thẳng tới nhà rông. Chỉ một loáng sau là già, trẻ, trai, gái trong làng đã tề tựu đông đủ, trên tay lỉnh kỉnh cuốc xẻng, dao rựa.

Trưởng thôn và già làng tất bật kiểm tra số người, rồi xoa tay hài lòng. Đông đủ cả. Ngay cả mấy đứa bé đứng chưa bằng cây dao phát cũng lăng xăng chạy tới chạy lui.

Hai người hài lòng cũng phải. Rõ ràng là đón năm mới nhưng dân làng vẫn nhắc nhở nhau không uống rượu say sưa, quên làm việc. Đến ngày ra quân đầu năm, không cần thôn phải thông báo vẫn tập trung đúng giờ.

Đã mấy năm nay, đúng mùng 6 Tết, dân làng lại cùng nhau ra quân sản xuất đầu năm. Năm đầu còn chệch choạc, nhiều người không ưng bụng khi phải đi làm từ những ngày đầu năm, nhưng chỉ năm sau là đâu vào đấy.

Bà con nông dân bắt tay vào sản xuất vụ Đông Xuân ngay sau Tết. Ảnh: H.L

 

Rồi thành nếp, thành quen. Đến mức không cần trưởng thôn, già làng nhắc nhở mà từ chiều mùng 5, dân làng đã nhắc nhở nhau chêm lại cán cuốc cho chắc, mài lại con dao cho sắc để đào hố trồng cà phê, phát cây dọn cỏ ở mương dẫn nước vào ao nuôi cá, phát quang đường làng.

Khi những tia nắng đầu tiên mới xuất hiện trên nóc nhà rông, trưởng thôn phát hiệu lệnh, đoàn người tiến thẳng lên phía núi sau làng.

Dường như ở núi, mùa Xuân đến sớm và rời đi thật muộn. Những cây đào núi vẫn còn bừng đám mây hoa, giữ Xuân lại lưng núi.

Mai rừng cũng nhẩn nha đến Tết mới nở, và qua Tết thì thực sự rực rỡ. Những cây mai trầm tư quanh năm rêu mốc bên đường, ven núi bung hoa viên mãn, vàng tươi chứ không rực lên như mai nhà.

Phải chăng bởi không bị “ép” trong chậu, mà được nuôi từ dòng nhựa cuồn cuộn chảy trong thân cành khẳng khiu nhưng mạnh mẽ, hoang dại.

Hai bên đường lên núi còn loáng thoáng những vạt cải nở hoa vàng rưng rưng. Con đường lầy lội những bùn, hằn vết móng trâu bò đi về, những con trâu cổ đeo mõ, lốc cốc rộn ràng đánh nhịp.

Thỉnh thoảng mưa phùn đầu xuân lại dệt trên triền núi xanh thẫm. Vạt mì non nép bên đường run lá đón mưa. Cao hơn nữa, sâu hơn nữa là những vườn keo, bời lời tít tắp. 

Đến nơi, không ai bảo ai, mọi người tản ra, trải dài theo con mương dẫn nước vắt ngang núi, mỗi người một việc, phát cỏ, vét bùn, đắp lại những điểm sạt lở. Tiếng cười nói lăn dài trên triền núi.

Không khí lao động hăng say, vui vẻ của bà con trong ngày đầu năm như một tín hiệu báo niềm vui no ấm trong năm mới.

Trưởng thôn đi kiểm tra một vòng và rất hài lòng. Với tiến độ này thì chỉ non ngày là xong việc tu sửa mương dẫn nước. Ngày mai là bà con có thể lấy nước vào duộng, rồi làm đất sạ lúa. 

Nhờ có ý thức bảo vệ, sửa chữa thường xuyên mà dân làng luôn có đủ  nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Cà phê, và rau màu các loại vẫn xanh tốt ngay trong những ngày khô cằn nhất.

Tháng Giêng không còn là ''tháng ăn chơi''. Ảnh: HL

 

Mặc dù trưởng thôn chỉ yêu cầu là trong ngày ra quân đầu năm, mỗi gia đình cử một người tham gia, nhưng gia đình nào cũng huy động hết già trẻ, trai gái cùng ra làm.

Ngay cả những cụ già, sức khỏe không còn được như xưa, vẫn hăng hái đi làm cùng con cháu. Các cụ muốn làm gương và khích lệ tinh thần lao động cho con cháu. 

Người đông sức mạnh, chỉ nửa ngày là những phần việc đề ra theo kế hoạch đã hoàn tất. Mọi người lại theo trưởng thôn đi giúp mấy gia đình neo người rào dậu lại vườn tược, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Vui thật! A Huy vừa cùng hai thanh niên chôn cọc rào vừa nghĩ. Năm nay, đời sống bà con khá lên rồi, dân làng không có nhà nào bị thiếu đói. Vì vậy, làng ăn tết to.

Cùng với việc tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh, người già bàn nhau nhà góp ghè rượu, nhà góp con gà đưa ra nhà rông của thôn, đã được dọn dẹp sạch sẽ từ mấy ngày trước, để đón giao thừa, để chúc nhau năm mới sức khoẻ, mùa màng bội thu.  

Xong việc, mọi người tản về nhà, vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Từ phòng, chống rét cho đàn gia súc đến chuyện gieo trồng vụ Đông Xuân; từ chuyện đào thêm được ao cạnh suối để nuôi cá đến chuyện thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm.

 Mà không chỉ ở ngôi làng nơi lưng chừng núi này, mà tôi tin rằng, đâu đâu cũng vậy, những ngày đầu năm mới đều tưng bừng khí thế ra quân lao động sản xuất.

Không cần phát lệnh, người trồng cà phê nô nức rủ nhau kéo máy, rải ống bước vào mùa tưới; người trồng cao su đi dọn thực bì phòng cháy; người trồng lúa hò nhau ra đồng lấy nước, bón phân, làm cỏ. Công chức, viên chức đến công sở; công nhân vào nhà máy.

Bộn bề lắm. Đấy, ai bảo tháng Giêng là “tháng ăn chơi” đâu? 

Nói rộng ra, xưa kia, sở dĩ người Việt ta nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là bởi vì nông dân là đại bộ phận, chiếm đến hơn 90%. Trong sách “Văn hóa Việt Nam–Tìm tòi và suy ngẫm”, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phân tích rất kỹ rằng: Đặc điểm của nghề nông là công việc theo thời vụ, có lúc đầu tắt mặt tối nhưng có lúc lại chẳng có việc gì, như tháng Giêng chẳng hạn, tương đối nhàn rỗi, người dân chưa phải tất bật với công việc, do vậy người ta mới mở hội hè.

Còn bây giờ, đừng nghĩ câu “vui xuân không quên nhiệm vụ” chỉ là khẩu hiệu suông, là hô hào cho vui đâu, mà đã là thực tế từ mỗi cánh đồng, từ mỗi nếp nhà hay xa hơn là mỗi công sở. 

Và cũng có thể thấy rõ sự thay đổi trong cách nghĩ, cách chơi xuân của bà con nông dân khi ra đồng chăm bẵm cây trồng từ khi hương vị Tết vẫn còn níu kéo trong nhà.

Cũng từ những ngày đầu năm tần tảo và nhiều chuyện vui này, những mầm non đang tí tách đan mùa. Chẳng mấy nữa, một màu xanh mướt mát sẽ trùm lên mặt đất ướt mềm.

Hồng Lam

Chuyên mục khác