Chuyện “làng Mai”

30/01/2022 06:29

Tết càng đến gần, trong câu chuyện thường ngày của người già trong làng, hắn càng hay nghe về hoa mai, về ao ước tái hiện làng Mai từng một thời tiếng tăm trên vùng đất Kon Tum đất lành chim đậu.

Mỗi lần nghe, hắn lại nhìn ra gốc “lão mai” trước sân đang lấm tấm hoa vàng. Năm nào cũng vậy, gốc mai này luôn trổ hoa đúng dịp Tết. Kể cả những năm mất mùa mai, trong làng hiếm có cây ra hoa, thì nó vẫn bung hoa vàng hươm cả một góc sân.

Cha hắn nói, với giọng đầy tự hào “do gốc mai này đã lên “lão” nên không gì có thể làm nó lỗi nhịp”. Theo cha nói, nó bằng tuổi ông, tức là 65 tuổi. Ông nội hắn trồng đúng ngày cha hắn được sinh ra.

Năm nào cũng có thương lái tìm đến ngắm nghía rồi trả giá, năn nỉ mua, có người kiên trì đi lại cả tháng. Nhưng cha hắn kiên quyết không bán, kể cả khi đàn con đến tuổi ăn học, gia cảnh bần hàn, hay ông bị bệnh nặng, cần tiền thuốc thang.

Với cha, gốc mai là bạn, là kỉ vật, là bóng dáng của ông nội. Anh em hắn cũng gắn bó với gốc mai ấy từ khi còn ẵm ngửa, mở mắt nhìn theo cánh hoa rơi, cho đến khi biết bò, biết chạy; rồi đi học, đi làm với bao vui buồn, sướng khổ.

Mà cũng không chỉ với một gốc mai ấy, như một truyền thống của gia đình, mỗi khi có một đứa con chào đời, cha hắn lại trồng một cây mai trong vườn. Đến nay, cả 4 gốc mai đều đã “có tuổi”, lớn nhất 34 tuổi, bằng tuổi hắn, nhỏ nhất là em út, 25 tuổi.

Kon Tum là ''vùng đất của mai vàng''. Ảnh: HL

 

Chiều nay, sau khi săm soi mấy gốc mai ở chợ hoa xuân chán, hắn lại về ngồi nghe cha và mấy ông bạn già kể về làng Mai xưa kia và ước vọng giữ gìn giống mai địa phương, gầy dựng lại những vườn mai.

Làng Mai! Cái tên ấy hắn đã được nghe các bậc cao niên trong làng nhắc đến nhiều. Và trong tâm tưởng, hắn thích được gọi làng của hắn bằng cái tên từng có từ thuở xa xưa ấy. Cái tên rất đỗi dịu dàng, trìu mến, gợi nhớ sự thanh tao nhưng đằm thắm, kiêu sa nhưng gần gũi của người thiếu nữ ở độ tuổi trăng tròn, làm say đắm lòng người.

Đã qua tuổi “tam thập nhi lập”, lăn lộn nhiều nơi, rồi quay về khởi nghiệp trồng đủ thứ hoa trên mấy sào đất vườn của cha mẹ, hắn đồng tình với cha và chú bác rằng, Kon Tum vẫn là đất của mai vàng.

Đó, mấy anh thấy không- cha hắn chỉ vào “lão mai”- Nắng gió đất này hun đúc cho màu hoa thêm rực rỡ mà đằm thắm. Tết còn gì hấp dẫn hơn, khi trong nhà có cây hoa mai vàng khoe sắc, vừa đón Xuân, chơi Tết, vừa mang đến tài lộc năm mới.

Rồi ông lại ngâm nga mấy câu thơ mà hắn thuộc lòng từ hồi còn nhỏ, dù không biết của nhà thơ nào:

Phương Nam chuộng nhất giống hoa này

Mỗi độ Xuân về nở đẹp thay

Năm cánh vàng mơ hong gió sớm

Một cành lộc biếc đón ban mai

Tinh thần hơn cả Lan và Cúc

Nhan sắc bỏ xa Huệ với Nhài

So sánh hoa Đào trên đất Bắc

Nhất nhì ai dễ chịu nhường ai!

Có mấy lần hắn gặng hỏi, tên làng Mai có từ khi nào, ai là người trồng mai đầu tiên ở làng, nhưng cha hắn và chú, bác đều lắc đầu “không biết”, bởi trong thần phả của làng không nhắc đến.

Chỉ biết rằng, làng vốn được lập từ cuối thế kỷ 19. Ban đầu là vài ba hộ dân lưu tán từ Quảng Nam lên, dần dần, người từ Bình Định lên đông hơn, trở thành cư dân chính của làng.

Và ngay từ thuở khai hoang lập làng ấy, mai vàng đã được trồng rồi. Có thể là lấy giống từ quê lên, hoặc giống mai rừng bản địa. Dường như các bậc tiền hiền muốn gửi gắm nỗi nhớ cố hương vào những gốc mai trồng quanh vườn nhà.

Tất nhiên là việc trồng mai của ông cha cũng chưa là “thú chơi” như bây giờ, mà để “nhìn cây nhớ quê”, để đến Tết có hoa chưng cúng khỏi phải đi xin ai. Nên chỉ những khoảnh đất đầu thừa cuối thẹo trong vườn mới là nơi mai cắm rễ, cũng chẳng chăm sóc gì.

Nhưng mặc kệ, gốc mai mỏng manh cứ thế bền bỉ mà sống, kiên cường tranh đấu với cỏ dại, với gai góc mà vươn lên.  

Cho đến khi chủ nhà chợt giật mình khi ngó ra góc vườn, thấy gốc mai đang lấm tấm nụ vàng. Ấy cùng là khi Tết đến. Thế là vui, là hứng khởi chọn lấy một cành nhiều hoa, lớn nụ, cắt về cắm vào lộc bình rồi đặt lên bàn thờ chưng cúng, chơi mấy ngày xuân.

Là người sinh ra và lớn lên bên gốc mai, hắn rất rõ, được trồng phổ biến ở làng là loại mai năm cánh, hoa nhỏ và thân cao to, có khi cao hơn chục mét, hương thơm thoang thoảng, rất dễ chịu và mát, không nồng và đậm như một số loài mai khác.

Khi nở, ngày thứ nhất, 5 cánh và chùm nhụy xoè thẳng ra rất đẹp. Ngày thứ hai, 5 cánh vảnh lên và chùm nhụy dụm lại. Qua đến ngày thứ ba, 5 cánh bắt đầu rơi lả tả theo chiều gió, hoa tàn.

Rồi theo xu thế tất yếu, những vườn mai dần biến mất. Có nhà tách thửa chia cho con cái; nhiều nhà chia lô bán vì đất vườn có giá… Những gốc mai cổ thụ cũng bị giới chơi mai hoặc thương lái săn lùng, trả giá cao để mua và chuyển đi nơi khác.

Bây giờ, những gốc “lão mai” như nhà hắn, ở trong làng chỉ đếm đủ hai bàn tay.

Bản thân hắn cũng tiếc hùi hụi, chừng chục năm trước chứ mấy, nhà ít có tới 3-5 cây, nhà nhiều thì cả vườn. Vào Xuân, mai nở vàng rực cả làng, mang lại vẻ đẹp hiếm có. Còn bây giờ, ngày Tết, chỉ còn một số cây lặng lẽ bung hoa nơi góc vườn nào đó.

Vì vậy, hắn hiểu nỗi lòng của cha và những bậc cao niên trong làng. Cũng vì hiểu, nên hắn đang lặng lẽ gây dựng vườn mai của mình. Cha hắn không nói gì, nhưng lặng lẽ đi khắp làng tìm xin cây mai con cho hắn.

Toàn là giống mai rừng xưa của làng, 5 cánh nhỏ, vàng tươi, có hương thơm thoang thoảng.

Hồng Lam

Chuyên mục khác