Chuyện của Y Xen

28/12/2024 13:02

Y Xen đang nói chuyện về hậu quả của nạn tảo hôn, đẻ nhiều, đẻ dày với dân làng. Phải từ người thật việc thật như vậy thì công tác tuyên truyền mới có hiệu quả cao được- anh trưởng thôn nói.

Xung quanh tôi, mọi người chăm chú lắng nghe. Không lý thuyết, không sổ sách, số liệu gì, Y Xen chỉ kể về chuyện của mình.

Y Xen nói xong, tiếng vỗ tay vang lên. Cô bước xuống, đến gần chị cán bộ dân số huyện hỏi nhỏ: Em nói vậy được không? Y Xen nói hay lắm- chị cán bộ dân số huyện khích lệ.

Nhìn Y Xen nói chuyện về chính mình mà tâm trí tôi như trở về căn nhà lụp xụp, te tướp và người phụ nữ nhỏ nhắn, trên gương mặt còn phảng phất vẻ non nớt,  đôi mắt thăm thẳm buồn đã gặp cách đây vài năm.

Ngày ấy, anh trưởng thôn dẫn tôi đến nhà Y Xen nằm cuối làng. Mấy đứa trẻ tóc cháy nắng, mặt mũi dính đầy bùn đất đùa nghịch ở khoảng sân đất trước nhà. Y Xen vừa cho đàn gà ăn vừa trông chừng đám nhỏ để ngăn chúng rủ nhau xuống bờ suối chơi.

Nạn tảo hôn đem lại nhiều hệ lụy. Ảnh: T.H

 

Nếu không có người giới thiệu trước, hẳn rằng tôi sẽ không tin cô đã làm vợ được 5 năm, là mẹ của 3 đứa con, dù mới 22 tuổi.

Y Xen đẩy 2 cánh cửa ọp ẹp mời khách vào nhà. Tôi nhìn quanh, trong nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài mấy cái ghế nhựa, cái giường bừa bộn quần áo.

Anh trưởng thôn hỏi: A Giếng đâu rồi? Y Xen lắc đầu: Không biết đâu. Có khi nó lại bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở rồi, cả tháng mới quay lại.

Thấy có khách lạ, mấy đứa trẻ bỏ trò chơi nghịch đất chạy tới. Thằng bé nhỏ nhất, ôm chân Y Xen, lom lom nhìn người lạ. Y Xen vỗ vỗ lưng con: Ra ngoài chơi đi. Thằng bé ôm chân mẹ chặt hơn.

Việc làm vợ, làm mẹ của Y Xen là một câu chuyện dài và buồn!

Em rất muốn đi học. Nhưng học hết lớp 9, pa (bố) bảo không nuôi nổi nữa đâu, học biết viết tên mình là đủ rồi, ở nhà làm việc lấy cái ăn chứ. Sau đó em lấy chồng- Y Xen mở đầu câu chuyện.

Y Xen từng nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Dạy học cho lũ trẻ trong làng là điều rất hay- Y Xen nghĩ vậy. Ước mơ làm cô giáo đã dẫn đường cho Y Xen đi qua những ngày tháng khó khăn, trở thành một trong số ít đứa trẻ học cao nhất ở làng này.

Ngoài giờ học, Y Xen, cũng như hầu hết những đứa trẻ đang lớn ở làng, đều là những lao động thực thụ trong gia đình. Chúng lên rẫy trồng mì, ra suối bắt cá, chăn bò, cắt cỏ, nấu cơm, tức là làm rất nhiều việc để đóng góp vào cuộc mưu sinh.

Nhưng vì cuộc sống khó khăn, nên chúng luôn đối diện với nguy cơ phải nghỉ học. Nghỉ học rồi, thì không có nhiều lựa chọn, một là lo việc ruộng rẫy cùng cha mẹ, hai là lấy vợ, lấy chồng. Y Xen luôn nơm nớp lo một ngày điều đó sẽ đến với mình!

Và rồi, như một định mệnh. Năm Y Xen học lớp 9, pa (bố) nói: Nay ở nhà, không đi học nữa. Mày đi học, không có ai trông em; không ai cắt cỏ, chăn con bò mới được hỗ trợ, chăm đàn gà, vịt nữa.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xóa bỏ nạn tảo hôn. Ảnh: TH

 

Nếu pa không cho đi học, con sẽ bỏ nhà đi- Y Xen đã quyết liệt nói. Nhưng pa không chịu, nhốt nó mấy ngày liền. Cô giáo đến thuyết phục cũng không được.

Hai năm sau, Y Xen lấy A Giếng, người cùng làng. Khi đó cả hai mới 17 tuổi. Rồi đẻ một lèo 3 đứa con. Cuộc đời Y Xen xem như lại cột chặt vào cái vòng luẩn quẩn lấy chồng sớm, đẻ nhiều con, và nghèo.

Trong khi bạn bè cùng lứa tụ tập chơi đùa thì công việc hàng ngày của cô là trông nhà, nấu cơm  và đi... học với con. Mỗi buổi chiều, ẵm con đứng trước nhà nhìn theo đám bạn Y Liu, Y Lá vui vẻ đi học, đi chơi, ánh mắt cô chất chứa sự tiếc nuối, buồn bã.

Thỉnh thoảng Y Liu, Y Lá có đến rủ đi chơi, nhưng Y Xen không đi, phần vì đã có chồng con, phần vì thấy mình già hơn nhiều nên ngại.

Trong làng đâu chỉ có Y Xen lấy chồng sớm, còn mấy cặp nữa, như Y Huê, Y Koh, Y Xăm- anh trưởng thôn nói.

Phần lớn các trường hợp kết hôn ở tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút, không thông báo với thôn, xã. Thông thường là bọn trẻ thích nhau, sau đó được sự đồng ý của gia đình hai bên là chúng về sống với nhau.

Chính quyền cũng rất khó khăn trong việc ngăn chặn, bởi ở các làng, phong tục tập quán cũ vẫn còn khá nặng nề. Theo đó, hai người muốn thành vợ thành chồng chỉ cần thích nhau, được làng đồng ý, làm tiệc rượu đãi cả làng là có thể về ở với nhau.

Lập gia đình sớm, đang còn tuổi ăn tuổi chơi nên các cặp vợ chồng này đều không biết làm ăn, chủ yếu sống dựa vào bố mẹ, chuyện nuôi dạy con cái cũng chẳng biết gì- trưởng thôn phàn nàn.

Thế rồi mọi chuyện dần thay đổi, giống như làn gió mới thổi tới, dần xua đi lớp sương mù buổi sáng vậy. Toàn cái mới cả. Dân làng được nghe, được bàn nhiều về hậu quả của nạn tảo hôn, của đẻ nhiều, đẻ dày.

Y Xen được vận động tham gia hội phụ nữ. Từ câu chuyện buồn của đời mình, cô rất tích cực tuyên truyền ngăn chặn các vụ tảo hôn, tiến tới xóa bỏ hủ tục này. Cô mong muốn ở làng không còn những câu chuyện buồn như mình đã gặp phải.

Tôi ngồi phía dưới, nhìn Y Xen đang nói chuyện về hậu quả của nạn tảo hôn, đẻ nhiều, đẻ dày với dân làng. Xung quanh tôi, mọi người chăm chú lắng nghe. Không lý thuyết, không sổ sách, số liệu gì, Y Xen chỉ kể về chuyện của mình.

Y Xen ấy à, giỏi lắm đấy, có nhiều sáng giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó nổi bật là sáng kiến thành lập quỹ tiết kiệm ở làng; vận động học sinh không bỏ học, thanh niên không lấy chồng, lấy vợ sớm, không đẻ nhiều.

Ngồi phía dưới, tôi nghe bà con rì rầm khen!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác