Chuyện của Tít

12/11/2020 13:03

Đã trưa rồi, Tít vẫn ngồi đó, ôm từng bó cỏ cho bò ăn. Chỉ vài phút nữa thôi, ba mẹ sẽ bán đàn bò để lấy tiền cho Tít đi học đại học. Nhìn về những cánh đồng xa xa, Tít lại nhớ đến những buổi chiều cưỡi trên lưng bò về nhà.

Sau vụ mía năm ấy,  bố mẹ Tít quyết định mua vài con bò để chăn nuôi thêm. Mới nghe cả nhà bàn tính, trong đầu Tít đã hình dung ra cảnh được đi chăn bò cùng đám bạn. Tít đứng ngồi không yên, cứ hồi hộp ngóng trông; chạy lăng xăng cùng ba và anh hai lợp tranh, chẻ tre làm chuồng.

Mùng 10 âm lịch, xem được ngày tốt, ba dắt 5 con bò về. Khỏi phải nói, Tít háo hức, rộn ràng hệt như Tết đến. Tít nhìn ngắm, đặt tên cho từng con. Con có bộ lông vàng óng tên là Xe, con Pháo có cặp sừng dài; con Bê nhỏ, Bê lớn và con Đốm. Tít ngồi xem đàn bò ăn cỏ mãi không chán. Và cũng từ ấy, Tít biết nhiệm vụ của mình, chỉ cần đi học về, cậu học trò lớp 3 lại vội ăn bát cơm nguội rồi cùng đám bạn trong xóm rong ruổi chăn bò trên những triền đồi.

Hiếm lắm Tít mới nạt hoặc lấy roi quất bò. Cũng vì thương đàn bò nên mỗi ngày, Tít chẳng ngại đường xa, chẳng ngại lội suối, dẫn bò đến đồng cỏ rộng, cỏ tốt để ăn. Đâu chỉ thế, bò ăn cỏ ngoài bãi, Tít còn tranh thủ lấy liềm cắt cỏ từ những đám cà phê đưa ra để bò ăn thêm cho no. Hôm nào Tít cũng đi chăn bò sớm và đến chiều muộn mới về. Có hôm, đàn bò ăn no căng bụng, ì ạch đi về trông thích mắt. 

Cả xóm, nhiều người nuôi bò, nhưng đàn bò của Tít mập mạp, lớn nhanh nhất. Không mập sao được khi Tít chăm, lo cho đàn bò bằng cả tình yêu thương. Và kể từ ngày có đàn bò, Tít thấy mình có trách nhiệm hơn, lớn hơn khi biết phụ giúp chăn bò cho ba má nghỉ ngơi sau giờ làm đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Gắn bó, yêu thương, chuyện bán bò chưa từng thoáng qua trong suy nghĩ của Tít. Nhưng anh Hai phải đi học xa, tiền bạc không có, ba mẹ phải bán con bò Xe và Pháo để có chi phí trang trải. Tít buồn, khóc rưng rức cả đêm. Sáng hôm sau, Tít dậy thật sớm liền chạy xuống chuồng bò, vừa khóc vừa “nói chuyện” với Xe, Pháo. Cả nhà phải giục mãi, Tít mới chịu đi học, trên miệng vẫn cứ nói vọng lại: “Đừng có bán bò mà”.

Sáng đó, đợi Tít đi học, cả nhà vội bán hai con bò nhưng phải đến chiều, sau khi thỏa thuận ổn thỏa, người mua mới lên bắt bò. Chiếc xe chở hai con bò lăn bánh, Tít vội chạy theo, khóc òa. Anh Hai phải chạy theo ôm lại, thấy cảnh tượng của Tít, cả nhà cũng rơi nước mắt. Từ lần đó trở đi, cứ mỗi lần bán bò, cả nhà phải làm tư tưởng trước với Tít. Và lần nào cũng vậy, gia đình đành thỏa thuận với người mua phải dẫn bò đi lúc Tít đang ở trên trường. Những tưởng khi không phải tiễn biệt bò, Tít đỡ buồn. Nhưng không, đi học về, Tít ngồi thẫn thờ dưới chuồng bò, không buồn ăn uống.

Anh Hai đi học, chị Ba đi học, gia đình nhiều khó khăn, đàn bò bị bán dần,  chỉ còn lại 2 con. Tít lại cùng với ba mẹ chăn nuôi, làm đồng để anh chị yên tâm ăn học. Thời gian trôi qua, Tít cũng lớn. Tít cũng phải ra phố để học. Vậy là 2 con bò cuối cùng cũng được bán đi để nuôi ước mơ vào giảng đường của Tít. Ngày  bán bò, Tít ôm đầu bò khóc nức. Đôi mắt thẩn thờ nhìn đàn bò, nhìn chuồng bò, nhìn về phía những cánh đồng- nơi có dấu chân của Tít, nơi có những kỉ niệm đẹp khó quên và tự dặn lòng mình phải cố gắng học thật tốt.

Tít quen với mùi của đàn bò. Đến nỗi, ra thành phố, Tít cũng còn ngửi thấy mùi ngai ngái đặc trưng trên đôi dép, trên bộ quần xanh áo trắng, trên mỗi tờ tiền cơm hàng tháng. Lâu lâu bắt gặp một vài con bò ăn cỏ, Tít lại thẫn thờ nhớ quê, nhớ kỉ niệm một thời.

Cũng nhờ số vốn liếng từ việc bán đàn bò, Tít mới có cơ hội học hết 4 năm đại học; anh chị em Tít trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Với Tít, với đám trẻ thôn quê ngày ấy, khoảng thời gian chăn bò cùng đám bạn đã để lại trong Tít nhiều kỉ niệm; cho Tít hiểu tình yêu thương, nỗi nhọc nhằn, lam lũ của ba mẹ.

Chiều nay, đám bạn cùng trang lứa gặp mặt, bắt gặp hình ảnh đàn bò thủng thẳng gặp cỏ bên bãi, tất cả lại miên man trong những câu chuyện tuổi thơ không hồi kết. Cái thời, lam lũ, vất vả nhưng nhiều kỉ niệm. Ba mẹ nói, cái khó cái khổ đã rèn giũa mỗi người. Để rồi từ đó, đứa nào cũng cố gắng phấn đấu để thôi cảnh nhọc nhằn, vất vả theo tháng năm.

Bình An

Chuyên mục khác