24/09/2018 06:58
Tôi đã từng làm một cuộc khảo sát nho nhỏ, đầy thú vị với 10 người, gồm đủ lứa tuổi, giới tính. Câu hỏi là: Nếu như Trung thu không có lân thì có vui không? Tất cả đều chung câu trả lời: Trung thu sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu đi tiếng trống thì thùng và hình ảnh những con lân vui nhộn.
Kể chuyện này để thấy rằng, dù xã hội ngày nay phát triển, đã có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới được tổ chức dịp Tết Trung thu, nhưng múa lân vẫn thu hút được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Hãy cứ nhìn những đôi mắt sáng long lanh, dõi theo từng động tác đáng yêu, ngộ nghĩnh của chú lân sẽ thấy...
Nhưng cũng vì xã hội phát triển mà ở đâu đó, múa lân cũng có sự "biến tướng" theo.
Ở thành phố Kon Tum, trước đêm rằm Trung thu cả tuần, trên đường phố đã xuất hiện những nhóm, những đội múa lân. Tiếng trống lân thì thùng làm không khí đón Trung thu thêm náo nức, rộn rã. Thế nhưng, tôi lại nghe được nhiều lời phàn nàn từ những người xung quanh.
Mệt vì lân lắm rồi- họ nói, trong sự ngạc nhiên của tôi. Vì sao vậy?
Hóa ra là, phía sau nhịp cắc tùng đầy vui nhộn của trống lân lại có những "biến tướng" gây phiền toái, khiến nhiều gia chủ, đáng lý là vui vẻ vì được con vật tượng trưng cho điềm lành vào nhà, lại trở thành “khổ chủ”.
Bên cạnh những đội lân của từng tổ dân phố, từng làng tự tập luyện để góp vui đêm hội trăng rằm, tạo niềm vui, thích thú cho con trẻ thì có không ít nhóm, đội lân “tự phát” đi “diễu phố” nhằm mục đích… xin tiền.
Đó là những nhóm lân tự phát với đủ các độ tuổi, từ các em nhỏ ở độ tuổi tiểu học, tới độ tuổi 15– 17, thậm chí cả… thanh niên tham gia. Mang theo trống, đầu lân, các nhóm rồng rắn kéo nhau đi trên đường phố, “xông” vào bất cứ nhà nào mở cửa gõ trống, múa may.
Do hình thành tự phát nên đa số thường múa một cách… lung tung, không có bài bản, chỉ cốt “đánh trống, khua chiêng” sao cho thật ầm ĩ đến khi nào gia chủ “đau đầu” chịu đáp ứng yêu cầu cho tiền mới “rút” đi.
Thông thường, những đội lân có “người lớn” thường nhắm đến các hộ kinh doanh, buôn bán trên các tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Phan Đình Phùng…
Dường như nắm được tâm lý của nhiều chủ không muốn ồn ào, phiền toái, nên "lân" cứ chắn trước cửa hoặc xông ào vào nhà, khi chủ nhà vừa cho tiền thì màn múa cũng kết thúc chóng vánh.
Nhà bạn tôi có cửa hàng tạp hóa ở một tuyến đường chính của thành phố Kon Tum phàn nàn: Mấy ngày nay đến là mệt mỏi vì… lân ông ạ. Cứ khoảng 7 giờ tối trở đi, hết nhóm nhỏ lại đến đội lớn “xông” vào, ngăn cũng không được. Múa thì ít, khua chiêng gõ trống thì nhiều. Không cho tiền thì “lân” không chịu đi, cứ ầm ĩ lên, nhức hết cả đầu…
Vậy ông giải quyết thế nào? Tôi tò mò hỏi. Thì còn thế nào nữa. Tôi phải nhanh chóng cho tiền và "mời lân đi cho", để còn buôn bán. Sát ngày rằm, nhiều nhóm múa lân quá thì đóng cửa, chở con đi... coi múa lân- anh bạn nhấm nhẳng.
Thế là thành chuyện ngược đời: Lẽ ra phải mất tiền mời lân đến nhà múa lấy may thì nhiều gia đình lại mất tiền để "đuổi" lân đi.
Nghe anh than vãn mà tôi lại nhớ đến lưng áo ướt đẫm mồ hôi của các thành viên Câu lạc bộ Lân – Sư – Rồng Hoàn Thiện (thành phố Kon Tum) trong một màn biểu diễn "miễn phí" ở ngã tư Trần Phú – Trần Hưng Đạo. Người xem vây kín vòng trong, vòng ngoài, vỗ tay liên tục trước những động tác linh hoạt, khi mềm dẻo, ngộ nghĩnh, lúc mạnh mẽ, hung dữ của lân.
Để được nhận những tràng vỗ tay ấy, các thành viên Câu lạc bộ đã trải qua nhiều tháng trời khổ luyện, nhiều người không ít lần bị chấn thương. "Nhưng quan trọng gì đâu anh. Chỉ cần nghe tiếng vỗ tay hay hò reo của các em nhỏ là thấy vui rồi"- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đinh Vũ Thiện chia sẻ.
Đúng là hiện nay đang tồn tại "biến tướng" của múa lân, gây phiền toái, khó chịu cho nhiều người dân, làm mất thiện cảm đối với một nét đẹp văn hóa dân gian mỗi dịp Trung thu về. Có lẽ chính quyền và cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn để tiếng trống lân luôn trong trẻo, hình ảnh múa lân luôn đẹp trong tâm trí mỗi người- Thiện nói.
Và để không còn nghe những chuyện buồn về lân nữa- tôi thầm nghĩ.
Thành Hưng