Chút trải lòng cuối mùa khô

11/04/2018 13:07

​Tháng Tư rồi, chẳng còn mấy ngày nữa là mùa khô lại qua. Những ngày này, nắng như gắt hơn, đêm như lạnh hơn, thời tiết dường như đang lộ rõ hết nét đặc trưng cuối cùng của mùa khô Tây Nguyên khiến lòng tôi có chút xao động, tiếc nuối…

Gần 10 năm gắn bó với mảnh đất cực bắc Tây Nguyên này, tôi đã chứng kiến từng mùa nắng mưa đi qua từ bỡ ngỡ rồi đến thân thuộc. Mỗi mùa đi qua đều để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, đặc biệt là mùa khô Tây Nguyên.

 Miền Bắc quê tôi một năm có bốn mùa Xuân - Hạ -Thu - Đông rất rõ rệt. Mùa Xuân lất phất những hạt mưa phùn trong cái rét ngọt mang tới sự sinh sôi nảy nở. Mùa Hạ mang đến cái nắng chói chang, rực rỡ của đất trời, cỏ cây. Mùa Thu với nắng vàng dịu mát, trời xanh và gió nhẹ. Mùa Đông với từng đợt rét buốt, nhưng lại sưởi ấm bởi màu sắc rực rỡ của những chiếc áo lạnh...

Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng không giống thế. Mỗi năm, tiết trời nơi đây chỉ có hai mùa, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô Tây Nguyên thật gắt, nắng cháy da người; con sông, con suối khô cạn theo từng ngày; cây cỏ héo lúa, vàng lụi.

Nói vậy thôi chứ mùa khô nơi đây vẫn có rất nhiều cái để thương để nhớ. Ví như, cái tiết trời bốn mùa trong một ngày có thể nói là đặc sản của mảnh đất Kon Tum nơi tôi sống cũng như của cả Tây Nguyên.

Buổi sáng sớm, đó là tiết trời mùa Xuân với chút se se lạnh, gió mơn man, đi ra ngoài người ta vẫn phải mặc một chiếc áo khoác mỏng.

Đến khoảng 9h sáng, khi ánh mặt trời bắt đầu lên cao, thời tiết nhanh chóng chuyển sang mùa Hạ, ánh nắng cũng từ chói chang rồi sang rát bỏng. Anh chồng dự báo thời tiết của tôi thường nhắc nhở: Nắng Tây Nguyên không giống nắng dưới đồng bằng, nó rất khô và rát. Độ ẩm trong không không khí cực thấp, không có hơi nước ngăn cản nên lượng tia tử ngoại từ ánh mặt trời chiếu thẳng xuống rất lớn. Phụ nữ ra đường nhớ “bao bọc” cho kín, không phải vì sợ đen, không phải vì lo xấu mà đơn giản là bảo vệ làn da khỏi những tác hại của ánh mặt trời.

Tiết trời chuyển dần sang Thu khi mặt trời dần nghiêng lặn sau những rẫy núi, cánh rừng. Tiết trời dịu mát, gió nhè nhẹ thổi như của mùa Thu này kéo dài đến khoảng 22h. Sau lúc đó là thời điểm của Đông về, lạnh và khô, song không đến nỗi tê tái như mùa Đông miền Bắc. Lúc này đi ngủ, mọi người đều phải đắp một chiếc chăn mỏng.

Với những người từ nơi khác đến Kon Tum, cái đặc sản bốn mùa trong ngày này lạ thì có lạ, thi vị thì có thi vị, nhưng không phải ai cũng dễ dàng quen với nó, cơ thể cũng không dễ thích nghi, ngay cả cách chọn mặc trang phục cũng không đơn giản khi liên tục phải thay đổi.

Mùa khô Tây Nguyên còn là mùa đồng bào các DTTS đốt rẫy, làm nương. Quả thực, nếu không có cái nắng hanh hao, khô khốc, những loài cỏ dại, lau le không khô héo được thì người dân sao có thể phát đốt, phơi đất để đợi khi mưa xuống là trỉa bắp, trồng mì, gieo lúa...mang về những vụ mùa ấm no. Nắng gió mùa khô khắc nghiệt; nhưng đồng bào Ba Na, Ja Rai, Xơ Đăng …vẫn đều đặn lên nương làm rẫy để đảm bảo cho cuộc sống những mùa sau.

Chính vì thế mà mùa này,  đến các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ thấy khá vắng vẻ bởi nhà nhà, người người đều đi làm rẫy. Rẫy của người dân thường cách xa nơi ở nên có nhà đi từ sáng đến chiều mới về, có nhà ở trên rẫy cả tuần mới về.

Khắp các triển đồi, chiều đến từng đốm lửa nghi ngút, từng vạt khói bay lên đến lưng chừng trời. Tuy nhiên, có điều việc đốt rẫy bây giờ đã khác xưa nhiều rồi. Nếu như ngày xưa, việc đốt rẫy, làm nương của người dân rất tự nhiên, đó là sau khi phát dọn cỏ lau xong, người dân chỉ chờ khô rồi đốt, không quan tâm lửa cháy đến đâu, nhưng bây giờ việc đốt rẫy cần tuân thủ đúng quy định. Người dân phải đốt rẫy từ dưới thấp lên đến trên cao, trong quá trình đốt phải canh lửa để lửa không cháy lan, không được đốt rẫy gần rừng...Ngày trước, khi vào mùa đốt rẫy làm nương, những người đàn ông khoẻ mạnh, đám thanh niên trai tráng thường tranh thủ vào rừng đặt bẫy săn con nhím, con chồn; nhưng bây giờ, không có ai dám tự ý vào rừng nữa.

Mùa khô Tây Nguyên còn là mùa bung hoa, kết trái của nhiều loại cây. Đó là mùa hoa cà phê nở trắng các triển đồi, mùa hoa pơ lang đỏ thắm từ các làng ra đến nương rẫy của đồng bào DTTS; mùa của những đàn ong đi tìm mật...

Sắp qua rồi những ngày khô hạn, khi mùa mưa sang, vạn vật sẽ trở mình sinh sôi nảy nở. Những ngày cuối mùa khô này giống như những thử thách cuối cùng của thiên nhiên đối với muôn loài, cũng giống như cuộc sống con người qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thới lai.

Thiên Hương

Chuyên mục khác