Chưa an cư trên đất tái định cư

18/12/2016 14:08

Theo đồ án quy hoạch chi tiết, Khu trung tâm Chính trị- Hành chính thị trấn huyện lỵ huyện Kon Rẫy được đặt tại thôn 1, thôn 2 của xã Tân Lập và một phần của xã Đăk Ruồng. Để thực hiện đồ án, các hộ dân nằm trong khu vực lần lượt được di dời và tái định cư theo các giai đoạn. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua nhưng nhiều hộ dân trong diện tái định cư vẫn thấp thỏm lo âu, chưa thể an cư để lập nghiệp.

Mảnh đất rộng 176m2 của gia đình anh Trần Văn An ở thôn 1, xã Tân Lập được cấp năm 2010 theo diện tái định cư giai đoạn 2. Sau khi được cấp đất, đến năm 2015, vợ chồng anh quyết định xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.

Thế nhưng, khi anh An lên Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện để làm đơn xin xây dựng nhà ở kèm theo bản vẽ, anh mới hay khu đất tái định cư của mình thuộc diện đất quy hoạch nên không thể xây dựng.

“Vợ chồng tôi không hề biết quy hoạch gì cả nên khi nghe không được xây dựng, chúng tôi mới ngớ người ra. Lúc đó, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện bảo tôi kí cam kết không được xây dựng nhà ở kiên cố, chỉ được cấp phép xây dựng nhà có thời hạn và phải tự tháo dỡ không được đền bù nếu như thực hiện quy hoạch nhưng vợ chồng tôi không đồng ý” – anh An cho biết.

Anh nói rằng, nếu đất nằm trong quy hoạch cần phải xác định rõ mốc thời gian trong bao lâu. Nếu mốc thời gian ngắn, vợ chồng anh chấp nhận chờ quy hoạch xong sẽ xây dựng. Nhưng thực tế từ năm 2010 đến 2016 vẫn chưa thực hiện quy hoạch thì vợ chồng anh phải đợi đến khi nào?

“Nếu 20 năm nữa vẫn chưa thực hiện quy hoạch, không lẽ vợ chồng tôi cứ ở trọ mãi? Bởi vậy vợ chồng tôi quyết định xây dựng căn nhà này để lấy chỗ che mưa, che nắng” – anh An nói.

Và anh cho rằng, hiện tại vợ chồng anh đang rất lo lắng vì có bao nhiêu vốn liếng đã đổ xuống xây dựng nhà ở (ngôi nhà xây 80 triệu). “Nếu sau này trúng quy hoạch mà chúng tôi không được đền bù thì chỉ có nước khóc. Mang tiếng là đất tái định cư nhưng không được xây nhà đàng hoàng, sống cứ thấp tha thấp thỏm thì làm sao có thể ổn định để lập nghiệp” – chị Võ Thị Quý, vợ anh An bức xúc.

Không riêng gia đình anh An, bà Lê Thị Xuân Mai ở thôn 1, xã Tân Lập cũng bức xúc xung quanh việc giải tỏa, đền bù.

Bà cho biết, mảnh đất nhà bà kéo dài từ sát mép Quốc lộ 24 đến sát mép suối. Theo đồ án quy hoạch, đất của bà bị thu hồi để phục vụ việc xây dựng các tuyến đường trong Khu trung tâm Chính trị - Hành chính; thế nhưng, việc đền bù đất sau quy hoạch cho gia đình bà kéo dài từ giai đoạn 1 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong lúc đền bù còn dang dở thì các tuyến đường trong khu trung tâm huyện lỵ mới đã được thi công và gây ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình bà.

Cụ thể, năm 2008, tuyến đường D2 nằm sát bên hông ngôi nhà của bà Mai được khởi công xây dựng. Lo sợ việc san, ủi đường sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu nhà, bà Mai đã yêu cầu UBND xã Tân Lập, Ban Quản lý xây dựng cơ bản huyện Kon Rẫy cam kết sẽ đền bù nếu việc thi công làm ảnh hưởng tới nhà ở.

Và ngày 21/7/2008, bản cam kết này đã được lập và được kí kết giữa hai bên. Thế nhưng khi đơn vị thi công tiến hành san ủi, làm đường, tường nhà bà Mai có dấu hiệu nứt, bà Mai liền yêu cầu được đền bù thì chỉ nhận được số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng.

“Tôi không đồng ý nhận khoản tiền đó vì không đủ để gia đình tôi sửa chữa những hỏng hóc. Tôi đã đề nghị đơn vị thi công ngừng làm đường cho đến khi đạt được thỏa thuận. Bây giờ đoạn đường qua phía nhà tôi đã ngưng thi công, nhưng thực sự tôi rất lo lắng, nếu tiếp tục hoàn thiện con đường, không biết ngôi nhà của tôi sẽ ra sao” – bà Mai cho hay.

Không chỉ những người thuộc diện hỗ trợ di dân, tái định cư giai đoạn 1, giai đoạn 2 tại huyện Kon Rẫy gặp vướng mắc mà ngay cả những hộ thuộc diện hỗ trợ thực hiện quy hoạch giai đoạn 3 cũng đang rất băn khoăn. Gia đình ông Phan Tấn Dũng, thôn 1, xã Tân Lập là một đơn cử.

Khu đất nhà ông Dũng nằm trong vùng quy hoạch. Ảnh: H.T

 

Mảnh rẫy hơn 6.000m2 của ông Dũng hiện tại đang bị chia thành 3 phần. Một phần ông đã bàn giao cho đại diện Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy vào ngày 17/5/2013 để đơn vị này xây dựng trụ sở. Một phần để làm đường giao thông và một phần vẫn thuộc quyền quản lý của gia đình nhưng lại nằm trong vùng quy hoạch.

Theo ông Dũng, dù đã bàn giao, nhưng 3 năm qua, ông vẫn chưa nhận được tiền đền bù. “Chúng tôi chỉ nhận được 150 triệu đồng đền bù trong diện tích đất làm đường giao thông, còn đất giao cho Tòa án nhân dân huyện thì chưa nhận được đền bù. Với diện tích đất rẫy, dù thuộc quyền quản lý của tôi nhưng tôi lại không được phép trồng cây lâu năm mà chỉ có thể trồng cây ngắn ngày. Hiện tại, đất trồng mì đã bạc màu, tôi muốn chuyển đổi sang trồng cây khác cũng không được nên rất bức xúc. Tôi mong muốn chính quyền giải quyết sớm, để gia đình tôi sản xuất chứ cứ như thế này, tôi không sản xuất, trồng trọt gì được” – ông Dũng bày tỏ.

Trước ý kiến của nhiều hộ dân, phóng viên Báo Kon Tum đã làm việc với ông Huỳnh Minh Chương – Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy.

Ông Chương cho biết, khu đất tái định cư nêu trên được UBND tỉnh phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 13/12/2006. Từ năm 2008 đến 2010, huyện đã tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 97 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 17.887,3m2. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo định kỳ, ngày 8/11/2013, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và UBND huyện Kon Rẫy về thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu Trung tâm – Hành chính huyện. Sau khi xem xét, UBND tỉnh thống nhất kết luận tại Văn bản số 1616/VP-KTN ngày 29/12/2013 “Trước khu vực quảng trường hiện hữu và khu trung tâm hành chính không nên bố trí các công trình, nhà ở nên để trục không gian thoáng hướng ra sông Đăk Snghé để tạo cảnh quan”. Do đó, khu vực trước quảng trường sẽ nằm trong quy hoạch nên một số hộ dân chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tại khu vực này.

Và ông cho biết, để sớm khắc phục vấn đề trên, trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định đối với các hộ có nhu cầu xây dựng nhà ở.

“Tâm lý chung của người dân là rất nôn nóng nên hối thúc. Huyện đang có đề án tạo quỹ đất ổn định cho bà con. Hiện tại, đề án đang hoàn thiện, khi nào được phê duyệt, huyện sẽ triển khai thực hiện nên bà con cứ yên tâm”- ông Chương cho biết.

Cùng với đó, ông cũng cho biết, UBND huyện sẽ tiếp tục có kiến nghị với các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét về nguồn vốn để từng bước đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực trung tâm theo quy hoạch. Nếu trường hợp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở quy hoạch, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với UBND xã Tân Lập rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, góp phần từng bước ổn định đời sống của nhân dân.

Với ý kiến của ông Dũng, ông Chương cho rằng, trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, đại diện các cơ quan, đơn vị đã trả lời, đa số các dự án thu hồi đất đều đã được đền bù. Và trong thời gian đến, huyện sẽ rà soát, xem lại người dân có những vướng mắc gì để giải quyết kịp thời cho người dân.

Liễu Hạnh – Hoài Tiến 

Chuyên mục khác