Chữ hiếu chưa trọn

27/08/2018 13:08

​Nhiều người con cảm thấy bất hiếu khi chẳng có đủ điều kiện lo cho mẹ già, họ gắng bù đắp tất cả bằng tình thương yêu. Nhưng, cũng có người, dù vật chất đủ đầy vẫn chẳng thể nào làm tròn chữ hiếu…

1. Ngồi bên đống gạch đá ngổn ngang, nuốt muỗng cơm với cục thịt mỡ đã nguội lạnh, anh T  cúi gầm mặt, nghẹn ngào: Tôi là đứa con bất hiếu! Mẹ nuôi lớn khôn vậy mà giờ đây phải để mẹ trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Anh T làm phụ hồ. Vợ anh cũng thành thợ đụng để lo cho các con. Ăn tiêu tằn tiện nhưng rồi đau ốm, bệnh tật khiến vợ chồng anh chỉ đủ rau mắm qua ngày. Lo cho gia đình đã chật vật nên anh đành nhìn mẹ khổ cực.

“Cả đời mẹ khổ nhiều, đến tuổi già vẫn phải tự lo cho bản thân mình, tôi quặn ruột lắm! Tôi cũng muốn mẹ sống đủ đầy nhưng phải làm sao bây giờ!” - giọt nước mắt anh lăn dài trên má.  

Là con trai, nhìn thấy mẹ già khổ cực, ruột đau như cắt. Làm ngày rồi làm thêm đêm, ai gọi đâu, anh chạy đó để đủ sức phụ thêm mẹ già. Những ngày 20/10, 8/3 hay lễ Vu lan, nhìn nhiều người mẹ được lo đủ đầy, được con cái tặng quà này, vật kia mà anh xót xa. Anh chỉ cố gắng để bữa cơm có thêm thịt, thêm cá, cả nhà quây quần bên nhau. Rồi anh dạy các con lễ phép, thường xuyên sang chơi, giúp bà làm việc nhà, nhổ tóc sâu để bà vui… “Thi thoảng dành dụm sắm được cho mẹ bộ đồ mới là tôi vui lắm! Lúc nào tôi cũng nguyện cầu, mong mẹ khỏe mạnh”- anh T tâm sự.

Trong ngôi nhà nóng như chảo lửa nằm lọt thỏm bên con đường đất nhỏ, mẹ anh T ngồi trên chiếc đòn cũ nhìn xa xăm. Tiếng xe máy vào đến tận cửa, bà mới đưa đôi mắt lờ đờ, gắng nhìn cho rõ xem ai vào. 70 tuổi nhưng nhìn bà hom hem lắm.

“Vừa rồi tôi mới nhận được mấy cân gạo của chị em phụ nữ. Giờ vẫn còn đây! Các con tôi thương mẹ lắm nhưng lo cho nhà nó còn chưa xong làm sao lo cho tôi được”- bà rưng rưng.

Ngoài anh T, bà còn có 3 người con gái. Nhưng cũng như anh T, 3 người con gái cũng chật vật với cuộc sống khốn khó. Nhìn thấy ngôi nhà của mẹ mưa dột, nắng nóng, ai nấy đều xót xa lắm. Nhưng rồi điều kiện khó khăn nên đành… thôi. Sợ các con lo lắng, bà cứ động viên: Mẹ già rồi, sống sao chẳng được. Giờ làm nhà cũng ở được mấy đâu, chỉ mong cho các con no ấm, thế là mẹ vui mừng rồi.

Vu lan lại về, bản thân bà – người mẹ già chỉ mong các con yên vui, hạnh phúc. Còn anh T cũng như những người con khác đều tranh thủ quây quần, làm những món mẹ thích, cùng kể, ôn lại những câu chuyện ngày xưa để tiếp thêm động lực sống. “Mẹ khỏe mạnh, vui vẻ là điều hạnh phúc nhất. Dù không có vật chất nhưng chúng tôi bù đắp cho mẹ bằng tình thương” – anh T nói.

2. Bà Đ ngắm mình trong chiếc gương xe máy đã bị bể một nửa rồi tiếc hùi hụi đầu tóc mới cắt trọc. “Mấy đứa con bận bịu, không gội cho được nên phải cắt, chứ già rồi, để tóc ngắn kì lắm. Ngày trước, mỗi lần mình đi đâu, bọn nó ngóng mình về. Giờ thì mình ở nhà ngóng các con về thăm…” – bà Đ thở dài.

Bệnh cao huyết áp khiến bà Đ bại liệt, chỉ nằm một chỗ, mắt mờ đục. 9 người con hết 5 người đi làm ăn, lập gia đình ở xa nên bà lủi thủi ở trong ngôi nhà nhỏ với người con gái thứ 4.

Kể ra thì con của bà có điều kiện lắm. 2 người con trai (ở gần bà), người có nhà hàng, người kinh doanh, vàng bạc đeo đầy người. Thế nhưng, với họ, bà là gánh nặng. Ngày bà nằm viện, các con tị nạnh việc chăm mẹ. Nhất là 2 người con trai, năm thuở mười thì mới ghé vào viện, đảo một vòng rồi lại báo bận, vội vã đi về.

Ở viện, bà còn được gặp con trai. Về nhà, bà cứ ngóng. “Lâu rồi không thấy thằng C, thằng N đến. Con bấm máy gọi nó về với mẹ một lúc” – bà giục con gái gọi điện.

Rồi cũng chẳng thấy ai về. Thi thoảng, bà thấy mấy đứa cháu nội đưa vào hộp sữa, cân đường. Rồi thôi. “Mấy giờ rồi con! Nay thằng C, thằng N bán buôn được không? Tí con đi chợ ghé xem thử, đưa cho bọn nó ít quả trứng gà”- bà lại nói với người con gái.

Mỗi ngày, bà dựa lưng vào thành giường, nhìn ra phía ngoài đường lộ ngóng các con đến thăm. Cũng có hôm anh C – con trai bà ghé vào.  Trong cơn say, anh C cứ thế huyên thuyên chửi hết người này, người kia, chửi cả bà rồi quay ra kéo tay, níu chân bà đến đau điếng. Vậy mà bà vẫn mừng lắm. Say cũng được, nói huyên thuyên điếc tai điếc óc cũng được, miễn đến thăm để bà nhìn thấy mặt là được rồi.

Hôm qua, khi nhắc đến rằm tháng 7, anh C liền nói sảng giọng: “Vu lan nhà tôi cúng lớn lắm! Hoa quả, nhang đèn đầy đủ”. Mọi cử chỉ, ánh mắt, câu nói của anh chẳng hề hiện lên bóng dáng người mẹ già. Mãi đến khi chúng tôi nhắc đến mẹ, hỏi về cuộc sống của bà, anh mới rổn rảng: “Chúng tôi gửi sữa, đồ ăn vô liên tục, bà chẳng thiếu cái gì. Tuổi già như vậy là được rồi” – anh C nói.

Nhưng ở tuổi già, cái bà Đ cần đâu hẳn là vật chất. Mỗi ngày, bà vẫn trông, vẫn ngóng các con hệt như khi ngày nhỏ các con ngóng mẹ về. Chạy theo vật chất, anh C dường như quên mất hình ảnh người mẹ già ngóng chờ con từng ngày.

Vu lan năm nay anh vẫn được cài lên áo bông hồng đỏ. Nhưng rồi, nay mai thôi, khi cài lên mình chiếc bông hồng trắng, không biết anh sẽ cảm thấy thế nào khi chữ hiếu mãi vẫn chưa trọn…

Bình An

Chuyên mục khác