Chủ động trước thiên tai

18/10/2020 06:22

Chủ động phòng, chống thiên tai, trong đó phòng là chính phải luôn được chú trọng. Trước mắt và cụ thể nhất là bắt đầu từ việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bão lũ được ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, ngành triển khai ngay từ sớm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân. Cùng với đó là giải pháp căn cơ mang tính dài hơi chính là hướng đến cân bằng sinh thái, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.

Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, ngã đổ; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ sạt lở hàng trăm điểm, khối lượng hàng nghìn khối đất đá, khiến giao thông bị ách tắc, đi lại khó khăn. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ lên đến hàng chục tỷ đồng. Đáng buồn hơn, trong đợt mưa bão này, trên địa bàn tỉnh có 2 người thiệt mạng.  Con số thống kê chứa đựng bao nhiêu nỗi đau đớn, mất mát, lo âu, thiệt hại mà Kon Tum phải gánh chịu do ảnh hưởng của cơn bão số 6 trong tuần qua.

Không ít người chia sẻ rằng đã không khỏi rưng rưng khi nghe tin một cán bộ chiến sĩ biên phòng tử vong do bị nước lũ cuốn trôi khi đang di chuyển từ chốt chống dịch về trạm biên phòng  nhận nhiệm vụ; thương xót khi một nữ thanh niên cũng thiệt mạng do mưa lũ. Nhiều người cũng không khỏi ám ảnh trước ánh mắt buồn bã của những người nông dân khi đứng trước diện tích hoa màu bị ngập úng, hay lo lắng khi chứng kiến cây cầu treo bị đứt gãy…

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Ia H’Drai kiểm tra công trình trọng điểm - Hồ chứa nước số 1 Trung tâm hành chính huyện. Ảnh: Đức Thành

 

Có người khi hay tin còn bày tỏ sự bàng hoàng, mới hôm qua đây còn gặp chiến sĩ biên phòng đó đang miệt mài với nhiệm vụ ở chốt chống dịch. Hay mới hôm rồi, mấy gia đình trồng rau màu mới vun xới, phấn khởi trước vụ thu hoạch sắp tới nay bỗng chốc tan thành mây khói trước sự tàn phá của thiên nhiên.

Dù có những mất mát, thiệt hại lớn nhưng phải khẳng định rằng nhờ sự vào cuộc chủ động, kịp thời, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng các phương án phòng chống bão lũ ngay từ đầu mùa mưa; công tác dự báo đảm bảo; công tác phòng chống và khắc phục được triển khai kịp thời, bài bản… nên phần nào giảm thiểu những thiệt hại trong đợt mưa bão vừa qua.

Song song với đó, tỉnh đã có sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng khắc phục kịp thời cho công tác phòng chống, khắc phục. Các địa phương, ngành như Đăk Hà, Kon Plông, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… trên cơ sở kế hoạch, phương án phòng chống bão lũ được xây dựng từ đầu mùa mưa bão và trên cơ sở thực tế đang diễn ra đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo; hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ)... nhằm giảm thiểu các thiệt hại, đảm bảo an toàn, sớm ổn định cuộc sống. 

Bão lũ đi qua, các cấp, các ngành lại tiếp tục căng mình với công tác khắc phục. Chẳng hạn như ngành Giao thông Vận tải đã huy động nhân lực, vật lực để thông đường. Đội ngũ kỹ sư, công nhân không quản mưa, hiểm nguy đã ngày đêm túc trực tại những điểm xung yếu, những khu vực sạt lở, tập trung hốt, dọn để thông đường. Đồng thời, trực 24/24h trên các con đường để cảnh báo, hướng dẫn điều tiết giao thông cho người dân đi lại được an toàn. Có ai thấu hiểu được những nỗi vất vả, hiểm nguy mà những người kỹ sư, công nhân, cán bộ giao thông đang ngày đêm phải đối mặt. Họ bất chấp hiểm nguy để cho con đường được thông suốt, người dân đi lại được an toàn.

Dõi theo các năm, có thể thấy rằng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn. Hậu quả để lại không thể khắc phục được trong một sớm một chiều. Thương cho những người xấu số, thương cho gia đình họ mất đi người thân, lao động chính của gia đình. Tiếc cho biết bao công sức đầu tư cho diện tích rau màu, cây ăn trái…bị ngập úng, ngã đổ và đồng thời với đó là đối mặt nguy cơ mất trắng, là nỗi lo chồng chất những khó khăn để tái tạo, phát triển sản xuất cho vụ kế tiếp.

Chủ động phòng, chống thiên tai, trong đó phòng là chính phải  luôn được chú trọng. Trước mắt và cụ thể nhất là bắt đầu từ việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bão lũ được ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, ngành triển khai ngay từ sớm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân. Cùng với đó là giải pháp căn cơ mang tính dài hơi chính là hướng đến cân bằng sinh thái, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác