Chông chênh đá

18/03/2024 13:18

Vùng núi quê này có tiếng gần xa vì... đá chẻ. Bao nhiêu năm qua, khó mà tính nổi đã có bao nhiêu ngôi nhà được dựng lên trên chân móng xây bằng đá chẻ xứ này. Chỉ biết rằng, những phận người đang ngụp lặn mưu sinh cũng chông chênh như đá.

Hắn choàng tỉnh giấc khi con gà trống cào nền chuồng soàn soạt rồi gáy váng lên. Như được ra lệnh, những chú gà trống trong ngôi làng nhỏ nép dưới chân núi đồng loạt cất tiếng.

Nhìn sang cái giường bên cạnh thấy trống không, hắn biết chủ nhà đã dậy, có lẽ đang nấu cơm dưới bếp. Hắn vươn vai làm vài động tác thể dục rồi bước ra sân. Trăng thượng tuần vẫn bàng bạc rải khắp núi đồi, và mảnh sân nhỏ.

Sương trên núi tràn xuống, giăng trên các ngọn cây. Hắn đi vào bếp, chủ nhà cười cười, dịch sang bên nhường chỗ cho hắn. Trên bếp củi, nồi cơm đang sôi lục bục. “Bữa sáng và bữa trưa của tôi đấy”- chủ nhà nói.

Chông chênh đời thợ đá chẻ. Ảnh: T.H

 

Hắn gật đầu, tỏ ý vẫn nhớ. Rồi lặng lẽ nhìn đôi bàn tay đang xòe trước bếp lửa của anh. Đôi tay thô ráp, sần sùi những vết chai, những vết sẹo lớn nhỏ bởi những tháng ngày đẵng đẵng cầm dùi sắt, cầm búa sắt.

Chiều qua, hắn trở lại vùng núi này, sau 10 năm. Và cũng 10 năm hắn mới gặp lại chủ nhà. Khi ấy, một tốp thợ đá mồ hôi nhễ nhại đang xoay trần giữa những tảng đá to như những ngôi nhà. Họ ngừng làm việc, nhìn hắn với ánh mắt cảnh giác.

Chỉ đến khi hắn kêu lên “anh T.” một cách vui sướng thì nét mặt họ mới giãn ra: À, người quen. Sau giây phút ngỡ ngàng, anh kêu hắn ngồi chờ ít phút, khi xong việc thì về nhà anh nghỉ.

Mười năm, đủ để anh không còn nhận ra hắn, và đủ để anh từ một người đàn ông cường tráng trở nên ốm o, thường ho sặc sụa và bẳn gắt, nhưng vẫn phải chí chát đục đẽo cả ngày trên núi. Đàn con lớn hơn thì nhu cầu cũng nhiều hơn.

Mười năm, đủ để thằng con trai của anh kịp lớn, lại theo “nghiệp” của bố, chí chát đục đẽo đá cả ngày trên núi kiếm cơm.

Nhà nghèo, đông con, mẹ lại đau yếu, gánh nặng cơm áo dồn lên bố nó. Nên học đến lớp 4, tay cầm được cây choàng, xách nổi cái búa là nó bỏ học, ai ngăn cũng không được. Nó muốn phụ bố kiếm thêm tiền thuốc thang cho mẹ, nuôi các em ăn học.

“Thằng bé là một đứa sáng dạ. Chỉ cần nhìn qua một tảng đá là nó có thể biết nên đặt mũi đục ở đâu để cho ra đường nứt đẹp nhất, phẳng nhất, hạn chế đá vụn và tiết kiệm công sức nhất. Nếu được đi học thì tốt biết mấy”– đôi lúc anh than thở.

Nhưng thằng bé lại không muốn như vậy. Nó thích cùng bố, cùng những người đàn ông trong làng làm bạn với những tảng đá trắng mồ côi to như cái nhà, nằm rải rác khắp các khe núi, sườn đồi trên dãy núi sau làng.

Vùng núi này vốn nổi danh bởi đá chẻ. Giới xây dựng vẫn đồn đãi với nhau, đá chẻ ở đây đẹp, chất lượng, khi xây đỡ tốn công thợ và vữa.

Nhưng đá chẻ ở đây không phải khai thác từ mỏ, mà là từ đá lộ thiên. Rải rác dưới các khe núi, các triền đồi có những tảng đá mồ côi to như cái nhà. Những người thợ đá biến nó thành "công trường" để đục đẽo, cho ra những viên đá chẻ vuông vắn, 4 mặt phẳng phiu như tấm ván. 

Đồ nghề của thợ đá chẻ. Ảnh: TH

 

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, quá trình tạo ra viên đá thành phẩm dựa rất nhiều vào kinh nghiệm, sự khéo léo của người thợ.

Không được nổ đá bằng mìn, thợ đá phải làm thủ công. Để cắt tảng đá thành từng khối, ngượi thợ làm đá chẻ phải dùng mũi đục và mũi ve đục ít nhất cả trăm mũi dọc theo vị trí cần cắt. Sau khi tảng đá tách thành từng khối, người thợ tiếp tục đục đẽo cẩn trọng để tách thành viên theo kích thước.

Những thợ đá lành nghề, chỉ cần nhìn qua là có thể biết nên đặt mũi đục ở đâu để cho ra đường nứt đẹp nhất, phẳng nhất, hạn chế đá vụn và tiết kiệm công sức nhất.

Phận đá phận người. Nghề đá vừa cực nhọc, vừa tổn sức. Dân làm đá, hầu như đều có bệnh tật trong người. Cứ đục đẽo cả ngày giữa trời, nóng quá vớ chai nước dội cái ào cho “nguội” bớt, rồi để mình mẩy ướt như vậy làm tiếp, đến khô lại dội nước, lâu ngày, hầu như ai cũng bị bệnh phổi.

Ấy là chưa kể bị bụi đá bay vào phổi; mảnh sắt (từ cây đục) hay đá vụn văng vào người, gây thương tích; một số người còn bị ngã gãy tay, gãy chân. Lúc trẻ lướt qua được, chứ lúc về già bệnh rề rề, mới thấy khổ, thấy lo vì tiền thuốc thang.

Nhưng vì cuộc mưu sinh, vẫn đành bám đá mà sống!

Bao nhiêu năm qua, khó mà tính nổi đã có bao nhiêu ngôi nhà được dựng lên trên chân móng xây bằng đá chẻ xứ này. Chỉ biết rằng, những tảng đá mồ côi, nằm lăn lóc bao đời trên núi, dưới khe lại thành "miếng cơm manh áo" của nhiều gia đình.

Trời sáng rõ. Mấy đứa con của chủ nhà cũng lục tục dậy. Thằng lớn lúi húi xếp búa, dùi; những đứa nhỏ hơn ăn vội chén cơm để đến trường.

Chủ nhà nhìn chúng, rủ rỉ: “Chúng nó đều chăm chỉ học, và hàng năm được giấy khen. Thằng anh nói, dù vất vả đến mấy cũng phải nuôi các em ăn học để đổi đời”.

Thằng thứ hai thấy bố và anh vất vả, đã mấy lần nhăm nhe bỏ học để lên núi đục đá, nhưng tôi không chịu. Cứ học hết phổ thông đi đã, rồi nếu muốn thì đi học nghề. Chứ theo nghề đá chẻ này gian nan, chông chênh lắm- giọng anh trầm đục như tiếng mũi đục bập vào tảng đá.

Em thấy đúng đấy anh. Bây giờ Nhà nước có chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, cũng không tốn kém gì – hắn động viên. Và nhận ra hy vọng đổi đời đang được anh chị đặt lên những đứa “học hành chăm chỉ và đều được giấy khen hàng năm” ấy.

Chợt hai anh em im lặng, ngồi nhìn ra phía xa, những tảng đá mồ côi chông chênh dọc triền núi bạc trắng. Có những tảng đã bị phạt mất một góc, hõm sâu vào, như một vết thương không bao giờ kín miệng.

Chưa bao giờ hắn lại ước mình đủ điều kiện để có thể giúp những đứa trẻ ở vùng này có tương lai bớt chông chênh, bớt dựa vào đá đến vậy.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác