“Chở Tết” về quê

16/01/2023 06:37

Sống xa quê, mỗi dịp Tết đến Xuân về, điều khiến tôi háo hức, trông chờ nhất là giây phút được trút bỏ hết những lo toan, mệt mỏi của công việc để lên xe trở về nhà đón Tết cùng gia đình, người thân.

Chuyến xe đò ngày cuối năm khi nào cũng rộn rã. Cảm giác mọi người thân thiện hơn, vui vẻ hơn. Dù không gian, chỗ ngồi có chật chội một chút, nhưng chẳng ai cau có hay phàn nàn khi bị lấn chỗ hay lỡ va chạm. Mọi người vui vẻ, động viên nhau “ngồi chật chật một xíu, để ai cũng được sớm trở về quê ăn Tết”.

Dù là nhà xe ở gần nhà dưới quê nên quen nhưng năm nào cũng vậy, khoảng ngày mười mấy tháng Chạp là tôi phải đặt vé trước. Và bao giờ bác tài xế cũng vui vẻ nói: “Ngày ấy chắc đông khách, cô chịu khó ngồi chật chút xíu nhé”. Thường ngày, nghe vậy có lẽ uể oải lắm nhưng Tết đến thì tôi vui vẻ trả lời ngay “không sao đâu”, trong lòng cũng không gợn lên chút gì phiền muộn hay lo lắng.

Mà chật thiệt chứ chẳng phải bác tài nói đùa đâu. Bình thường một  ghế chỉ dành cho một người ngồi, ngày Tết thì có gia đình bồng bế con nhỏ hay giữa hai ghế ngồi ráng “nhét” thêm một em bé nữa, làm cho ghế ngồi riêng của mỗi hành khách bị “lấn” mất tí diện tích là điều cũng dễ hiểu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Có năm, lên xe đò, tôi còn bế giúp chị đồng hương đứa con nhỏ đang ngủ, để mẹ cháu bế con lớn đang say xe. Cái cảnh đùm túm nhau về quê ăn Tết của các gia đình bà mẹ “bỉm sữa” như thế này gần như năm nào tôi cũng gặp trên chuyến xe đò những ngày cuối năm. Tôi nhớ, lần nọ, chị đồng hương là mẹ “bỉm sữa” chia sẻ: “Tết ở thành phố khác Tết ở quê nhiều lắm. Cũng có năm ở lại thành phố ăn Tết rồi, do người quen, bạn bè gần như về quê ăn Tết hết, nên ba ngày Tết cả nhà cứ ru rú trong nhà thôi, lại thấy buồn, thấy thèm không Tết quê nhà. Vì vậy, dù có hơi cực, nhưng mấy mẹ con chị cũng cố gắng về quê ăn Tết”.

Một hành khách là đồng hương đang ngồi trên xe nghe vậy, cũng góp thêm câu chuyện: “Khó khăn này có là gì, nhiều người ở tận ngoài Bắc, Tết đến Xuân về còn chấp nhận đi lại vất vả, giá vé tàu xe tăng cao ngất ngưỡng để trở về sum họp với gia đình ba ngày Tết”.

Chuyến xe đò ngày Tết rộn ràng lắm, tuy chật nhưng vui với bao nhiêu là chuyện Tết nên chẳng thấy ai kêu ca, phàn nàn gì. Tôi thích thú nghe người này kể chuyện chuẩn bị Tết của gia đình mình, người nọ khoe được con cháu sắm sửa đồ Tết để mang về quê cúng ông bà. Rồi mấy ông “tra hỏi” nhau vui vẻ chuyện lương, thưởng Tết ở nơi mình làm. Mấy bà, mấy cô cả năm đi làm ăn xa, nay về Tết khoe với nhau đã mua đủ thứ bánh mứt, có người còn mang theo cả buồng chuối rất đẹp để về cúng Tết mà mừng vui hớn hở.

Bao câu chuyện về Tết quê, về tổng kết một năm làm ăn được mọi người thi nhau kể. Trong những câu chuyện miên man ấy, tôi cảm nhận được có niềm vui, có nỗi buồn, có tiếng cười và có cả những giọt nước mắt. Nhưng rồi, cũng trên chuyến xe về Tết ấy, mọi người động viên, an ủi nhau vượt qua buồn phiền; chúc nhau sang năm mới mọi điều tốt đẹp hơn.

Những chuyến xe cuối năm này, bác tài xế cũng vất vả, mệt nhọc hơn. Nhưng như bác tài nói, nhọc mà vui, vì được đưa đón nhiều hành khách; nhọc mà vui vì được “chở Tết” về nhà cho bao nhiêu người.

Đúng là Tết đến có cái gì đó thật thiêng liêng khiến những người con xa quê luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để trở về. Và cứ hễ được trở về quê, về nhà là mọi mệt mỏi dường như đều tan biến hết.

Và chắc chắn rằng, khi những đứa trẻ theo mẹ về quê ăn Tết kia lớn lên, chuyến xe đò ngày cuối năm sẽ là một phần ký ức đẹp của chúng mỗi dịp Xuân về Tết đến.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác