Chiêng nổi lên rồi

25/08/2022 13:07

Không phải mùa lễ hội, mà sao hôm nay làng lại rộn rã thanh âm của cồng chiêng, như mời gọi, như giục giã người ta nhanh bước tới để tay nắm tay, chân bên chân nối vòng xoang.
Nhịp chiêng. Ảnh: TH

 

Vừa leo lên đỉnh con dốc đầu làng, A Viên bỗng dừng lại, nghiêng đầu nghe ngóng.

Phía sau A Viên, những du khách cũng dừng lại theo, im lặng và ngạc nhiên, nhìn chàng trai Xơ Đăng tóc xoăn, có dáng đi như ngựa.

Chuyện gì vậy, A Viên? Tôi vượt lên, đứng bên cạnh cậu hỏi nhỏ.

A Viên vẫn nghiêng đầu nghe ngóng: Tiếng chiêng. Anh nghe thấy chưa? Không phải mùa lễ hội, mà sao ở làng lại rộn rã tiếng chiêng thế này?

Tôi cố lắng nghe. Dường như trong gió thổi từ phía rừng cao su tới có âm thanh gì đó, cứ to to dần, to dần, và cuối cùng rõ mồn một.

Đúng rồi, tiếng chiêng đang quẩn quanh trên những cánh rừng. Lúc nỉ non, khi du dương, lúc trầm buồn, khi rộn rã, như mời gọi, như giục giã người ta nhanh bước tới để tay nắm tay, chân bên chân nối vòng xoang.

Rõ ràng bây giờ chưa đến thời gian làm lễ mừng lúa mới, vì mới giữa tháng Tám, trong khi làng thường tổ chức lễ này vào cuối tháng 10; còn bắc mắng nước thì qua lâu rồi. Hay trong làng có chuyện gì? Vui hay buồn đây? A Viên lẩm bẩm.

Rõ là cậu ta đang lo lắng, hồi hộp. Tôi hiểu điều đó, bởi cả năm trời A Viên chưa về nhà, kể từ ngày cậu rời làng, bỏ đội chiêng đi theo bạn bè kiếm việc làm ở phố.

Mái nhà sàn nhỏ, cuộc sống bình lặng ở ngôi làng nằm bên sườn đồi, cả những đêm chiêng xoang đã không còn giữ được đôi chân của cậu trai mới lớn, đầy sung sức và khát khao khám phá chân trời mới.

Cuộc sống đưa đẩy, A Viên may mắn được nhận vào một doanh nghiệp du lịch. Lúc này, vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc, sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống, nhất là chiêng, của A Viên trở thành “hàng hiếm”, phát huy tác dụng.

Và hôm nay, theo đề nghị của tôi, A Viên dẫn một nhóm du khách về làng mình, nơi mà cậu từng tự hào nói rằng “có những người hiểu chiêng như hiểu bản thân mình”.

Nghe tôi và A Viên nói chuyện, nhóm du khách vui lắm. Họ đến đây, với mong muốn được một lần đắm mình vào không gian sắc màu văn hóa của núi, của rừng, và của làng.

Mà điều đó, chỉ có khi cồng chiêng được tấu lên một cách tự nhiên, chứ không phải từ sự sắp đặt trước.

Bên ngoài nhà rông của làng, người đầu tiên tôi và A Viên gặp là già làng A Kyu. “Ông nội em”- A Viên nói ngắn gọn, sau khi chào ông nội, và né tránh cái nhìn từ ông.

Già A Kyu thở dài, nhìn A Viên: Về rồi à? Cháu đưa khách về làng mình tham quan- A Viên lúng búng.

Lúc này tiếng chiêng trong nhà rông ngưng bặt. Mấy thanh niên ùa ra: A Viên đó, tụi bay. A Viên về rồi này. A Viên về là tốt rồi. Từ khi A Viên đi, đội chiêng của làng đang thiếu người giữ nhịp giỏi. A Viên về, đội chiêng làng mình thắng chắc, già A Kyu cũng bớt buồn.

Tiếng cười nói ồn ào. Tôi liếc sang, thấy mắt A Viên hơi đỏ. Thì ra vậy. Tôi hiểu vì sao A Viên né tránh ánh mắt của ông nội. Mà thôi, có những chuyện không nên hỏi kỹ.

Làng mình chuẩn bị có việc gì à? Giữa vòng người, A Viên hỏi bạn.

Không, mọi người tập chiêng để đi tham gia hội thi cồng chiêng-xoang các DTTS huyện. Mấy ngày nay mọi người tập hung lắm, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu vì thiếu người giữ nhịp- một người đáp.

Thôi, mấy cháu vào tập tiếp. A Viên vào luôn, để xem bỏ chiêng lâu ngày rồi, mày còn xứng là người giữ nhịp chiêng giỏi nhất làng hay không- già A Kyu dứt khoát.

A Viên ngập ngừng, rồi dưới ánh mắt như chờ mong, như khích lệ của mọi người, cậu bước lên, đứng đầu đội chiêng. Một lần nữa, lòng bàn tay lại nắm lấy sợi dây xù xì, ngón tay lại đặt lên vành chiêng lạnh. Cả đội như nín thở nhìn vào A Viên. 

Tay A Viên chợt đấm nhẹ vào mặt chiêng, rồi xoa nhanh, bàn tay còn lại miết đều vành chiêng. Một chuỗi âm thanh trong trẻo trỗi lên, như tiếng sơn ca cất lên bên suối, ngay lập tức cả dàn chiêng 7 cái đồng thời hòa âm trong tiếng vỗ tay vang dội.

Chiêng nổi lên rồi!

Những cánh tay gân guốc nắm chặt dây chiêng; những bước nhún nhảy vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng. Người và chiêng hòa điệu với nhau. Chiêng thổi hồn người, người dựa hồn chiêng, cứ thế bay khắp non ngàn.

Tôi chợt thấy ghét cái lối tư duy quy chụp rằng, văn hóa cồng chiêng đang kêu cứu; rằng mai này, sẽ vắng bóng cồng, chiêng.

Đúng là có gian nan, khó khăn, nhưng chiêng vẫn sống mãi, bởi trong tâm thức, trong dòng máu của mỗi người vẫn có sợi dây vô hình gắn kết với hồn chiêng, bất cứ lúc nào cũng có thể thức tỉnh và ngân nga.

Chiêng nổi lên rồi!

Già A Kyu nở nụ cười mãn nguyện. Dù đã cao tuổi, già vẫn miệt mài truyền dạy cho lớp trẻ từng điệu chiêng. Người ta ví, già như tiếng chiêng vọng giữa non ngàn. 

Đội chiêng của làng, khi có A Viên, chắc chắn sẽ có thứ hạng cao trong hội thi sắp tới. Già A Kyu hiểu cháu mình, nó sẽ không bỏ đội, bỏ làng lúc này. Biết rằng hội thi là để giao lưu, là để các cộng đồng DTTS tại chỗ nhìn lại bản sắc văn hóa của mình, nhưng nếu được hạng cao cũng tự hào lắm chứ.

Nhóm du khách đứng theo vòng tròn, nhún nhảy theo nhịp chiêng ngân. Cuối chiều, cơn gió rừng làm dịu mát bầu không khí oi bức. Nhịp chiêng rộn rã, như giục dân làng tìm đến. Vòng xoang tự động thành hình.

Thấy những ánh mắt háo hức của những cậu bé đứng nhìn đội chiêng biểu diễn, già A Kyui cười hiền, gương mặt sáng bừng lên dưới ánh nắng nhạt cuối chiều. Chưa được đâu, còn bé lắm. Khi nào cao bằng con dao phát rẫy mới được- ông vỗ vỗ lưng cậu bé đứng gần mình nhất.

Chợt ông không còn băn khoăn về chuyện A Viên đi làm du lịch nữa. Có khi đó cũng là cách để nó góp phần nhiều hơn cho việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Ông tin, mãi về sau, khi cúng Giàng, khi mừng lúa mới, tiếng chiêng vẫn sẽ ngân lên!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác