Chiêng nhí, xoang nhí

04/11/2019 06:06

Chiều chiều, các xoang nhí, chiêng nhí tự giác, say mê đến nhà rông tập luyện. Được trực tiếp truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để mình mất đi thì vẫn còn lũ trẻ kế tục, với già còn niềm vui nào bằng…

Tôi ghé làng Kon Ktuh (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) khi trời đã về chiều. Nắng muộn trải dài trước nhà rông - nơi 30, 40 em nhỏ, cả gái lẫn trai tầm tầm mười tuổi đang ríu rít vây quanh già làng - khiến khoảnh sân như pha ánh vàng dịu ngọt.

Già làng tay xách chiếc chiêng lớn đi trước, các em trai, em gái trong trang phục thổ cẩm, tay xách những chiếc chiêng nhỏ hơn rộn ràng bước theo sau. Vừa đi vừa chuyện trò, già tay cầm dùi, chỉ trỏ vào chiếc chiêng lớn như đang hướng dẫn. Còn xoang nhí, chiêng nhí, những đôi mắt to sáng, những khuôn mặt rạng rỡ chăm chú lắng nghe…

“Đẹp quá! Ý nghĩa quá” - cô bạn đồng nghiệp đi cùng thốt lên. Không muốn bỏ qua khoảnh khắc, cô bạn đồng nghiệp lẳng lặng sử dụng công nghệ của thời hiện đại, selfie - tự tưởng thưởng cho mình bức ảnh chân dung bên khung cảnh đậm sâu ý nghĩa.

Còn tôi, ngắm nhìn già làng như một nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, say nghề, một người thầy đảm nhận sứ mạng thiêng liêng của người đi trước dẫn đường; các xoang nhí, chiêng nhí  - những nghệ sĩ nhí, những học trò đam mê với văn hóa cội nguồn dân tộc, biết yêu và hưởng thụ những gì thuộc về giá trị văn hóa truyền thống và thiên nhiên ban tặng…, những vất vả của chặng đường xa đến đây bỗng như tan biến.

Tiết mục múa xoang liên đội các trường học thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Ảnh: Hoài Tiến

 

Đứng bên vệ đường nhìn sang, khoảng cách đủ để tôi cảm nhận được niềm vui lấp lánh trong mắt đôn hậu của già làng… “Vào nhà rông đi chứ”. Tay vừa đánh cồng, chân nhịp bước, mắt già làng gửi về phía bậc thang, nơi có bước chân ngập ngừng của tôi. Già xởi lởi đón chào khách xa như người thân lâu ngày gặp lại. Già kể cho tôi nghe về tiếng cồng, tiếng chiêng huyền bí, về điệu xoang uyển chuyển như mô phỏng bức tranh sinh hoạt của cộng đồng người Kon Ktuh từ bao đời nay. Đó là những lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông… của cả dân làng; đó những nghi lễ của riêng từng gia đình. Lễ hội, lễ nghi nào cũng vậy, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên là điệu xoang dặt dìu, mời gọi. Kon Ktuh bây giờ ngày càng tươi mới hơn, khấm khá hơn, ấm no hơn. Nhưng không vì thế mà để thiếu vắng đi tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang trong cuộc sống. Sau thời gian tuyên truyền, vận động, giờ đây, chiều chiều, các xoang nhí, chiêng nhí tự giác, say mê đến nhà rông tập luyện. Được trực tiếp truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để mình mất đi thì vẫn còn lũ trẻ kế tục, với già còn niềm vui nào bằng…

Vừa kể chuyện, già làng vừa nhắc các xoang nhí, chiêng nhí đứng theo hàng lối, trai đánh cồng chiêng, nữ nối vòng xoang. Tựa hồ như có sức thôi miên, xoang nhí, chiêng nhí trào dâng cảm xúc. Những bước chân thoăn thoắt, chắc nịch của của các xoang nhí, chiêng nhí, hòa cùng tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang…

Nghe tiếng cồng, tiếng chiêng, bà con dân làng chẳng ai bảo ai lục tục kéo đến nhà rông như để hòa mình, để sống cùng với dòng chảy mạch nguồn văn hóa dân tộc từ ngàn xưa để lại.

Khung cảnh ấy khiến tôi cảm thấy cái gì đó gần gũi, thân thuộc. Sự giao thoa, truyền lửa văn hóa giữa các thế hệ; sự tiếp nối, sự bền bỉ của đời sống tinh thần đã nuôi dưỡng tâm hồn của bao lớp người ở Kon Ktuh này. Không còn khoảng cách già - trẻ, không còn khoảng cách thầy - trò, chỉ còn chung niềm say với nét đẹp văn hóa dân tộc. Chỉ vậy thôi khiến tôi cảm nhận mọi thứ trở nên diệu vợi.

Dẫu tiếng cồng, tiếng chiêng của các chiêng nhí, chưa dày dặn kinh nghiệm như các già, các anh; dẫu nhịp xoang của các xoang nhí chưa được uyển chuyển như các bà, các chị, nhưng lại khiến  người nghe, người xem đắm say vô cùng. Mọi người như được cất đi sự vất vả, nhọc nhằn, cuộc sống dân làng trở nên vui tươi hơn. Qua từng tiếng cồng chiêng, điệu xoang trẻ trung, tươi mới ấy, bức tranh sinh động về cuộc sống lao động, về tình yêu đôi lứa, kinh nghiệm sống, phong tục tập quán… của cộng đồng dân làng xưa càng trở nên lung linh, huyền ảo.

Mắt già làng lấp lánh. Mắt xoang nhí, chiêng nhí sóng sánh. Nhìn bước chân chầm chậm của già làng đi trước, bước chân mạnh mẽ, dứt khoát của xoang nhí, chiêng nhí theo sau, tôi cảm nhận rõ dòng chảy tiếp nối đang ngân nga, hòa chung một điệu.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác