16/10/2021 13:01
Người nông dân vốn hết “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” từ những tháng ngày làm đất, gieo cấy, chăm bón, đến ngày thu hoạch rồi lại vẫn trông mây, trông nắng, trông mưa… Đưa thóc về nhà, được ngày nắng, mẹ cha mừng không thể tả. Cả nhà trạnh thủ tận dụng từng khoảnh trống một. Quét sân, quét ngõ sạch sẽ, được thì nhờ thêm cả sân ngõ nhà hàng xóm. Mong sao được vài ngày nắng gắt, thóc khô giòn, vàng óng ả, có bán cho ai cũng thấy vui, có cất trữ trong thùng, trong phi cũng thấy ổn. Thóc được nắng, chẳng phải lo ẩm mốc, để dành được cả năm, gạo cơm cả nhà mỗi ngày đều trông đợi vào đó.
Nhưng, mưa nắng trêu ngươi biết thế nào mà chờ với chẳng đợi. Đưa thóc về nhà được chút nắng nào là mừng chút nắng đó. Có những hôm, trời dịu nắng, cả nhà vẫn hò nhau vần từng bao thóc ra phơi. Chút hơi gió heo may giúp se se lớp áo bên ngoài cũng khiến mẹ cha vui. Chỉ buồn những hôm trái gió trở trời, bữa cơm vừa dọn ra, cả nhà phải tất tả chạy thóc, đành bỏ bát đũa chỏng chơ, cơm canh nguội ngắt. Tiếng mẹ, tiếng cha thúc giục, tiếng con chí cha chí chóe. Mệt bở hơi tai mà chẳng ai dám dừng tay lấy hơi vài nhịp. Chỉ thầm ước từ đẩu từ đâu mọc thêm vài cánh tay, vài cánh chân nữa mà xúc, mà quét cho nhanh. Nhìn cả sân thóc rải đều vàng óng ả, mưa thì đã lắc cắc vài giọt, không nhanh tay nhanh chân có mà hỏng bét. Thóc ngấm nước, màu kém tươi, ngày ra gạo cũng ít trắng trong. Ăn kém ngon, giá thấp, bán chẳng được là bao. Mà kém giá, kém tiền, những nếp nhăn lại thêm hằn trên trán cha, những vết chân chim lại dài thêm trên đuôi mắt của mẹ. Bao nhiêu là khoản tiền chồng chất đợi chờ từ những mẻ thóc phơi ấy. Lại phập phồng những nỗi lo, lại thêm những giọt mồ hôi mặn chát đọng trên vai áo bạc màu của mẹ, của cha…
|
Trẻ con rỗi rãi, nghịch ngợm ít ngủ trưa thường được phân công trông thóc kiêm thêm phần dự báo thời tiết. Lắm đứa mải chơi, đang sấp ngửa ăn thua với những ô, những viên đá sỏi trò chơi ô ăn quan, bỗng giật mình, chờ tí, chờ tí, đi thóc cho được nắng đã. Đám trẻ muốn nhanh được tiếp tục chơi, nhao nhao đi thóc hộ bạn. Trong ánh nắng nhuộm vàng những hạt thóc thảo thơm, những đôi chân đen nhẻm dầm dãi nắng mưa của lũ trẻ đi thành từng vòng, từng vòng trên sân thóc sao mà thương.
Nhưng mải chơi gì thì mải chơi, thấy trời âm u, mây đen kéo tới, phải vội vàng gọi mẹ, gọi cha chạy thóc tránh mưa. Cơn mưa kéo dài, thôi thì nghỉ ngày phơi. Nhưng lắm hôm, mưa bóng mây một lúc, trời lại nắng, đám nhỏ lau nhau quét cho khô sân khô ngõ, lại cọc cạch bưng bưng bê bê thóc ra phơi. Chẳng được mấy chốc, cơn mưa lại sầm sập kéo đến, cả nhà lại í ới, lại chí chóe…
Chạy vào chạy ra, lắm hôm mẹ phát gắt lên, nắng nắng mưa mưa ẩm ương quá. Nhưng mẹ gắt là việc của mẹ. Mưa nắng cũng có quy luật của nó. Phải có nắng gắt mới biết cái dịu dàng mát mẻ của ngày mưa. Phải có những hôm mưa dầm dề thì mới trân quý vô cùng những hôm nắng ráo. Nên đi thóc, chạy thóc có lẽ là nỗi mong chờ, trông đợi cuối trong chuỗi hành trình của cây lúa, hạt thóc trước khi thành hạt gạo ngần ngật trắng của người nông dân lam lũ.
Còn đám trẻ lớn lên từ đồng, từ ruộng, có lẽ qua những lần chạy thóc vì mưa nắng ẩm ương ấy, như được học niềm tin yêu cuộc đời, sự lạc quan, chờ đợi, ngóng trông và cả sự đón nhận, chấp nhận những điều không như ý. Lúc trưởng thành rồi, ngẫm ngợi về mọi điều của cuộc sống một cách giản đơn. Cũng như những lần phụ mẹ cha đi thóc, chạy thóc ngày con trẻ ấy, trời có lúc nắng, lúc mưa, con người có lúc được, lúc mất, xen lẫn trong thành công là những lần thất bại, xen lẫn trong hy vọng là những lần thất vọng. Nhưng, thất vọng để thêm phần hy vọng. Có qua những gian nan vất vả mới có ngày… dẻo thơm một bát cơm đầy!
NGUYÊN PHÚC