Cây tre quê hương

28/12/2019 13:04

Nhìn cái dáng gầy gò, cao vút, ru những cành lá mỏng manh nhưng tre được dùng vào rất nhiều việc, gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người Việt Nam. Loại cây gần gũi ấy lại chất chứa bên trong bao điều lạ.

Đã bao đời nay, cây tre gắn liền với làng quê Việt Nam. Nếu như nước Nga có bạch dương, Trung Quốc có tùng, Nhật Bản có hoa anh đào, Lào có hoa chămpa thì Việt Nam có cây tre. Cây tre tượng trưng cho cảnh quan, con người và linh hồn văn hóa của người Việt Nam.

Quê tôi ở một làng quê nhỏ của một tỉnh miền Trung đầy nắng nóng và mưa nhiều. Tuy nhiên, nếu ai đã từng một lần ghé đến sẽ không khỏi thảng thốt trước vẻ đẹp nên thơ của những lũy tre làng nơi đây. Hai bên đường vào làng là hàng tre sánh đôi, ngọn tre giao nhau thành vòm.

Tre bao quanh khu vườn rộng mênh mông của gia đình tôi như một bức tường. Mùa mưa bão, hàng tre chính là tấm bình phong che chắn những cơn gió lùa.

Có lần anh chị em đồng nghiệp từ Tây Nguyên ghé thăm quê tôi, ai cũng trầm trồ về hàng tre. Có anh chị cứ tấm tắc khen vì quê tôi còn giữ được những hàng tre - đậm nét của một làng quê Việt Nam giữa thời buổi đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều làng quê khác, càng khiến tôi thêm tự hào.

Mùa hè, tre tỏa bóng mát rười rượi. Ảnh: Internet

 

Nhìn cái dáng gầy gò, cao vút, ru những cành lá mỏng manh nhưng tre được dùng vào rất nhiều việc, gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người Việt Nam. Tre dùng để làm nôi cho em bé. Tre làm vật liệu xây dựng, lợp nhà, làm mái. Tre để đan rổ, rá. Tre để vót đũa ăn cơm, làm chõng nằm; làm phên giậu, tấm chắn mùa mưa bão… Ngày nay, tre còn dùng sản xuất giấy, ván ép; làm các sản phẩm trang trí nhà cửa như khung tranh, bàn ghế, giường, tủ…

Cây tre gần gũi vậy mà chất chứa bên trong bao điều lạ. Ngày nhỏ, tôi nghe ba kể, cây tre cũng có cây đực, cây cái. Cây đực thì cao to, nhiều mắt, ruột đặc nên được dùng làm nhà, làm cán dao, cán cuốc… Cây tre cái thì có lóng dài, ruột rỗng nên dùng để đan nong, đan nia, rổ, rá. Từ ngày xưa, người anh hùng làng Gióng đã dùng tre làm vũ khí đánh đuổi kẻ thù. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tre hóa thân thành cung, nỏ, chông… làm cho quân thù khiếp sợ.

Ngoài ra, tre còn cho măng có thể chế biến được nhiều món ăn rất đặc sắc như: Gỏi măng, giò heo hầm măng, gà xáo măng… Mỗi dịp tết về quê, tôi thèm nhất là món gà xáo măng của mẹ. Mỗi lần như thế, mẹ tôi thường mang dao ra bụi tre chặt một mụt măng vào để chế biến món ăn. Măng mới bẻ vào luộc qua rồi mang nấu với thịt gà ướp sẵn vừa giòn vừa ngọt, thơm ngon đến vô cùng.

Có lẽ vì tre có quá nhiều công dụng, nên ngày trước gần như ở làng quê nào của Việt Nam cũng có tre. Tre được trồng dọc trên đường làng. Tre được trồng quanh bờ ao. Điều đặc biệt là dù cho khí hậu khắc nghiệt thế nào thân tre vẫn vươn lên, vững chãi.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, quá trình đô thị hóa khiến cho lũy tre làng dần biến mất ở nhiều nơi. Tuy nhiên, cây tre vẫn tồn tại như một biểu tượng của văn hóa làng ở Việt Nam.

Hạ Mi

Chuyên mục khác