18/12/2022 06:31
Một chiều đi làm về, ngang qua bãi đất trống trong làng, chợt ngẩn ngơ khi thấy một cánh diều chập choạng bay lên. Một cậu bé cầm cuộn dây kéo, thả nhịp nhàng, mắt đăm đắm nhìn lên con diều. Mấy cô bé, cậu bé khác cũng chăm chú nhìn.
Tôi dừng xe nhìn, cũng hồi hộp không kém. Xem ra cậu bé thả diều “có nghề”. Ban đầu con diều còn lảo đảo, lắc lư muốn rớt, rồi vững vàng hơn, bắt đúng làn gió vụt lao lên, những cái tua dài nhiều màu sắc vẫy vùng trong thinh không trong tiếng hò reo của đám nhỏ.
Còn tôi, bỗng dưng cũng thở phào nhẹ nhõm, vui như chính mình vừa thả được con diều lên cao.
Nhìn lũ trẻ vui đùa hồn nhiên, thả hồn mình theo con diều bay cao cùng làn gió trên nền trời xanh giữa không gian làng quê thanh bình, mà nhớ cánh diều tuổi thơ.
Ở quê tôi ngày trước, mùa gặt lúa xong, đồng trơ gốc rạ, chiều chiều lũ trẻ ở làng thường rủ nhau ra đồng thả diều.
|
Không phải là những con diều đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng đẹp đẽ như bây giờ, mà chỉ toàn là diều giấy. Chúng tôi dùng giấy vở học sinh đã cũ để làm diều. Đứa nào khá hơn thì có tờ báo, cất để dành, đến mùa gió thì mới mang ra làm diều.
Ngày ấy, chúng tôi thường làm diều đuôi cá, vì nó đơn giản, dễ làm. Tờ giấy, báo được cắt hình vuông hoặc hình thoi; một thanh tre mỏng được vót thành nan để làm khung; những thanh neo được làm bằng cọng dừa.
Để tạo đuôi cá cho cánh diều, chỉ cần cắt thêm mấy tờ dấy nhỏ dán lại với nhau thành hai cái vây, hai cái đuôi thật dài.
Bộ khung của con diều cũng như phần vây và đuôi cá được chúng tôi dán và cột rất cẩn thận để không bị gió làm rách hoặc bung ra khi diều đang bay lên cao.
Để trang trí cho con diều đẹp hơn, nhiều đứa còn gắn những cọng rơm, hoặc những bẹ chuối khô được cắt thành những hình thù lạ mắt.
Nói thì thấy đơn giản vậy, chứ ở quê ngày ấy, nguyên vật liệu thiếu thốn nên để làm được một con diều, bọn trẻ chúng tôi cũng phải hì hục cả buổi trưa cắt cắt, dán dán. Còn nguyên vật liệu, trừ cọng dừa là có sẵn, thì phải chuẩn bị trước, nhất là dây để cột diều.
Ngày ấy, làm gì có tiền để mua dây thả diều, chúng tôi thường bện bằng dây chuối khô, sau này có người bày đi tìm những cục pin đèn hay pin nghe đài đã thải, đem về đập ra lấy những đoạn dây nhợ trong đó, rửa sạch để cột diều. Loại dây này nhỏ mà bền lắm, không sợ bị đứt.
Nhưng pin cũng đâu có nhiều, thế là chúng tôi nhặt những sợi dây chỉ trong các bao bố gom lại, nối chúng với nhau thành đoạn dài.
Sau này có điều kiện hơn thì bọn trẻ chúng tôi thường nhặt ve chai bán rồi tích góp lại mua sợi cước. Những sợi dây được nối vào con diều rồi quấn vào một cành củi khô. Con diều càng bay cao, sợi dây được thả ra dần cho đến khi con diều no gió, bay ổn định ở trên không.
Ngày ấy cũng không có keo để dán như bây giờ, bọn trẻ chúng tôi thường đi đào củ mì mang về mài ra rồi khuấy bột để làm hồ dán.
Mỗi công đoạn làm diều đều chứa đựng nhiều niềm vui hồn nhiên, thơ ngây của ngày thơ ấu mà tôi chẳng thể nào quên.
Vì để làm được một con diều cũng khá vất vả nên đứa nào cũng xem nó như người bạn thân thiết của mình vậy. Diều bay cao, chúng tôi như được bay theo, chạy nhảy, reo hò khắp cánh đồng. Con diều đứt dây chao mình xuống bờ mương, vũng nước, bọn trẻ chúng tôi hùa nhau đi vớt lên, rồi mang phơi cho khô ráo.
Diều không bay được nữa do ướt hoặc đứt dây, chúng tôi cũng mang về nhà cất ở một nơi nào đó với hy vọng có thể tiếp tục sửa chữa, chứ nhất quyết không bỏ ở bờ mương, bờ ruộng.
Bây giờ, muốn thả diều, trẻ con chỉ cần xin cha mẹ tiền để mua những con diều làm sẵn bày bán ở các cửa tiệm được làm bằng vải với đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng khá đẹp mắt. Có khi còn được vẽ những hình thù ngộ nghĩnh, rất phong phú để cho bọn trẻ có thể thoải mái lựa chọn theo sở thích của mình.
Nhưng đổi lại sự tiện lợi ấy, bọn trẻ bây giờ không có được cảm giác hì hục ngồi cả buổi trưa tỉ mẩn để làm diều, khi thấy thành quả của mình bay lượn trên bầu trời xanh mà sướng rân người.
Chợt tôi nảy ra ý nghĩ, một lúc nào đó rảnh rỗi, sẽ gom tụi nhỏ lại, bày chúng làm diều.
SÔNG CÔN