Cần ngăn chặn nạn đổ rác thải xây dựng dọc bờ sông Đăk Bla

16/10/2017 06:09

​Trong thời gian gần đây, người dân thôn Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) khá bức xúc vì tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng bên bờ sông Đăk Bla, ảnh hưởng đến đất sản xuất của bà con và gây ô nhiễm môi trường...

Trưa 13/10, theo chỉ dẫn của một chị phụ nữ, từ đường Bắc Kạn, sát cầu treo Kon Klor, tôi rẽ trái, men theo con đường đất chạy ven sông Đăk Bla. Trước kia, đây là con đường đi khu sản xuất của các làng Kon Klor, Kon Rơ Wang, Kon Tum Kơ Pơng... thuộc phường Thắng Lợi, sau này, trở thành đường vận chuyển chính của một số doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên sông Đăk Bla.

Đúng như lời của chị phụ nữ, chỉ đi chưa tới 1 cây số, tôi đã nhìn thấy những đống rác thải xây dựng đổ bên đường. Do bờ sông dốc nên rác tràn xuống cả đất canh tác của bà con, nhiều nơi rác còn tràn xuống dưới lòng sông.  

Theo phản ảnh của một số người dân ở đây, nạn đổ trộm rác thải xây dựng dọc bờ sông xuất hiện khoảng hơn một tháng nay. Ban đầu chỉ rải rác vài xe tải loại nhỏ chở rác đến đổ trộm, dần dần có cả xe tải loại lớn, toàn là đổ trộm vào buổi trưa hoặc đêm tối. Rác thải đổ tại đây chủ yếu là gạch vỡ, vôi vữa, bê tông hoặc trần nhà thạch cao do phá dỡ nhà cửa mà ra.

Rác thải xây dựng đổ đầy bờ sông Đăk Bla. Ảnh: T.H

 

Không chỉ đổ ra bờ sông, vùi lấp đất sản xuất, mà rác còn tràn xuống sông, thế là nước cuốn trôi. Cứ tình hình này thì nơi đây sẽ ngập rác thải mất thôi. Bà con bức xúc lắm, nhưng không ngăn chặn được, vì người ta toàn lợi dụng thời điểm vắng người, như giữa trưa hoặc đêm tối để đổ trộm - một thanh niên đang dọn vườn mì cạnh đường cho biết

Theo anh, tình trạng đổ phế thải, rác thải đã ở mức báo động nhưng không thấy chính quyền phường có biện pháp ngăn chặn, tiến hành thu dọn để bảo vệ bờ sông, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Làm việc với Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum, ông Nguyễn Đình Chương - Giám đốc Công ty cũng cho rằng: Trong thời gian qua, tình trạng lợi dụng đêm tối đổ trộm rác, chất thải xây dựng tràn lan ra đường, nơi vắng người, các khu đất chưa xây dựng diễn ra khá phổ biến ở thành phố Kon Tum, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài “tầm với” của đơn vị.

Theo ông Chương, trong quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây dựng, sửa chữa ngày càng nhiều, gạch vữa, bê tông của những công trình cũ đập ra được chủ thi công công trình hợp đồng cho xe tải đến vận chuyển, đổ đi nơi khác. Tuy nhiên, số rác thải xây dựng đó được chở đi đổ ở đâu thì không ai quản lý được, và thường thì “bãi đáp” cuối cùng của nó sẽ là một khu đất vắng vẻ nào đó.   

Gạch, vữa xi măng thải bỏ được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân hủy, thế nhưng hiện tại, việc xử lý lại chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có bãi rác thải dành cho loại chất thải xây dựng. Tại thành phố Kon Tum, xà bần được chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt tại bãi rác của thành phố. Vì vậy, việc quy hoạch một bãi thải phế thải xây dựng là điều hoàn toàn cần thiết để bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững - ông Chương kiến nghị.

Về phía ngành chức năng, ông Trần Công Hậu - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thẩm quyền xử lý tình trạng này thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có thể do hoạt động vi phạm thường diễn ra về đêm, cho nên việc phát hiện, xử lý còn hạn chế. Mặt khác, ở một số địa phương, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này, trong khi ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao trong việc chấp hành quy định về vệ sinh môi trường…

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nạn đổ trộm rác thải xây dựng dọc bờ sông Đăk Bla (địa phận thôn Kon Klor) để bảo vệ bờ sông, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thành Hưng

Chuyên mục khác