Cần lắm sự thấu hiểu!

05/03/2020 13:02

Hơn ai hết, bác sĩ cần sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông từ phía người bệnh và cộng đồng. Thay vì trách móc, hãy hiểu cho những khó khăn để động viên các y bác sĩ, giúp họ có thêm động lực để tận tâm với nghề.

21h, cô bạn vỡ ối, cả xóm trọ hoảng loạn gọi taxi đưa đến bệnh viện. Chỉ trong tích tắc, các y bác sĩ, nữ hộ sinh làm thủ tục nhanh, gọn gàng rồi tiến hành mổ để cứu đứa bé trong bụng. Trọn đêm hôm ấy, chứng kiến cảnh làm việc của các y, bác sĩ, mới hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của họ.

Trong lúc các y, bác sĩ đang tiến hành mổ cho cô bạn, phía dưới phòng chờ, các nữ hộ sinh, điều dưỡng tiếp tục làm thủ tục để chuẩn bị mổ cho bệnh nhân khác. Băng ca này đẩy ra, băng ca khác lại đẩy vào. Không có một phút cho sự yên tĩnh. Hết người này sang gọi bác sĩ, nữ hộ sinh thăm khám, đến người khác. Ai nấy đều gởi hết những nỗi lo lắng, hồi hộp, bế tắc vào y, bác sĩ.

May mắn được mổ kịp thời nên bạn tôi mẹ tròn con vuông. Chưa kịp nhận lời cảm ơn từ phía gia đình, người thân, cả kíp trực lại tiếp tục làm hồ sơ, sổ sách và bắt tay vào ca mổ khác.

3h sáng, trong phòng trực, các hộp cơm, những ổ bánh mì - là bữa tối của các y, bác sĩ được chuẩn bị từ tối vẫn còn nguyên. Trên bàn, những ly cà phê nguội lạnh đang dang dở; những hộp sữa vẫn cắm nguyên ống hút. Thi thoảng, y, bác sĩ tranh thủ ngẩng lên uống ngụm sữa rồi lại tiếp tục với hồ sơ bệnh án. Nghe bệnh nhân gọi, họ lại vội đi ra thăm khám.

Sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui của các bác sĩ. Ảnh: Thùy Hương

 

Bác sĩ làm việc như một con thoi, thế nhưng phía bên phòng chờ sinh, tôi nghe nhiều người nhà tỏ vẻ khó chịu. “Bác sĩ gì thăm khám qua loa. Vô tâm!”. Có người lại trách mắng: “Con mình thì đau mà bác sĩ cứ bảo chưa đẻ đâu. Nó mà có mệnh hệ gì là không xong với tôi đâu”.

Có riêng gì ở khoa sản, câu chuyện người nhà, người bệnh chửi mắng, nói xấu, lăng mạ thậm chí hành hung các y, bác sĩ dường như không còn là chuyện hiếm. Tôi nhớ có lần ở khoa cấp cứu, chỉ vì các bác sĩ yêu cầu người nhà ra ngoài, người nhà bệnh nhân đã chửi mắng rồi đòi hành hung bác sĩ.

Hàng ngày, ngoài áp lực từ công việc, các y, bác sĩ còn phải chịu áp lực từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Vì tâm lý lo lắng, nhiều bệnh nhân, người nhà yêu cầu các bác sĩ phải thường xuyên lui tới hỏi han, tận tình thăm khám, kiểm tra, chăm sóc. Có thân nhân các bệnh nhân lại nôn nóng và yêu cầu bác sĩ phải chăm sóc, lo cho người nhà của mình trước. Tuy nhiên, không phải muốn là được, bởi, ngoài kia còn có hàng chục, thậm chí hàng trăm các ca khác nguy kịch hơn, sự sống chỉ được tính bằng giây.

Bác sĩ không bỏ mặc bệnh nhân và họ biết phân phối, ưu tiên cho những trường hợp nguy kịch. Đã dấn thân vào nghề, hơn ai hết, các y bác sĩ biết nhiệm vụ của mình là giành giật sự sống cho bệnh nhân. Và, cứu sống được bệnh nhân, chữa trị được cho bệnh nhân chính là niềm vui, động lực để họ tiếp tục với nghề. 

Hầu như tất cả mọi người khi đến khám đều kỳ vọng bác sĩ có thể chữa được tất cả các bệnh tình. Nhưng thực tế không thể như vậy! Có nhiều ca bệnh, dù bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không thể cứu vãn. Hãy hiểu rằng, công việc của bác sĩ có quá nhiều áp lực, chẳng có bác sĩ nào muốn bệnh nhân chết cả, nhưng vì những tai biến xảy ra quá đột ngột khiến họ trở tay không kịp. Y bác sĩ hiểu được nỗi đau, nỗi mất mát của người nhà. Nhưng, cũng đừng vì quá đau đớn mà xúc phạm những người đã tận tình ngày đêm thăm khám, bỏ công sức chữa trị cho người thân.

Người nhà hành hung bác sĩ, cả hai đều là nạn nhân. Nhưng  nhìn nhận rằng, không vì người nhà làm sai mà các y, bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân. Bị hành hung, họ vẫn tận tâm, vẫn chữa trị, chăm sóc với tất cả y đức của mình.

Trong bối cảnh quá tải của các bệnh viện, dù cố gắng nhưng các y, bác sĩ khó tránh khỏi có những sai sót. Lượng bệnh nhân quá đông, họ không có đủ thời gian để chu toàn mọi việc. Chính vì vậy, hãy có một cái nhìn khách quan để cảm thông cho những khó khăn của các y, bác sĩ.

Bác sĩ dùng con tim để hiểu bệnh nhân. Tuy nhiên, người nhà, bệnh nhân cũng nên đặt mình vào vị trí của các bác sĩ. Hãy hiểu, bình tĩnh để xử trí mọi vấn đề một cách đúng đắn nhất; để mối quan hệ ứng xử trở nên nhẹ nhàng hơn.

Bác sĩ, với quá nhiều áp lực, thậm chí chấp nhận hy sinh, đánh đổi tính mạng của mình để cứu sống bệnh nhân. Hơn ai hết, họ cần sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông từ phía người bệnh và cộng đồng.  Thay vì trách móc, hãy hiểu cho những khó khăn để động viên các y bác sĩ, giúp họ có thêm động lực để tận tâm với nghề.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác