Bữa cơm tất niên

03/02/2024 13:48

Hoàng hôn dần tắt, xóm nhỏ ngoại ô thành phố lại rộn ràng bởi tiếng trẻ con í ới, tiếng hỏi han của người lớn sau một ngày bận rộn. Nhà ai đun bếp củi, khói bảng lảng bay, làm tôi se sắt nhớ không khí ấm cúng của bữa cơm tất niên năm nào nơi quê nhà.

Quê tôi ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Theo phong tục thì cứ chiều 30 Tết, các gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm tươm tất, trước là để cúng mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu, sau là gia đình quây quần bên nhau tiễn năm cũ. 

Bởi vậy, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết luôn là bữa cơm đoàn viên đón những đứa con xa quê trở về; là bữa cơm cả nhà sum vầy đông đủ nhất và cũng được chuẩn bị thịnh soạn nhất. 

Ngày chị em tôi còn nhỏ, dù kinh tế khó khăn, nhưng bữa cơm tất niên của gia đình tôi vẫn khá tươm tất. Mẹ bảo, bữa cơm mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết mà, nên phải chuẩn bị chu đáo và đầy đặn, thể hiện lòng thành kính đối với người đã khuất, và cũng là để con cái được ăn một bữa no nê, thỏa thích.  

Trong mâm cơm tất niên, bao giờ cũng có các món “truyền thống” như: Gà trống luộc, thịt heo luộc, nem rán, xôi đậu xanh hoặc xôi gấc, bánh chưng, hành muối, chân giò hầm măng, giò thủ, thịt đông. Điểm đặc biệt là có món tráng miệng, có thể là bánh rán (bánh cam), hoặc bánh nếp gói lá chuối hấp.

Tất nhiên là để có được mâm cơm tất niên và cái Tết đủ đầy hơn cho gia đình, cha mẹ phải chuẩn bị từ rất sớm.  mẹ tôi dành dụm từ rất sớm. Sớm nhất có lẽ là nuôi gà. Trong đàn gà, mẹ sẽ “nhắm” cặp trống béo, đẹp nhất để chăm bẵm, dành một con cho cúng Tất niên, một con dành để cúng sáng mùng 1; còn lại bán lấy tiền mua quần áo mới cho chúng tôi.

Bữa cơm tất niên. Ảnh minh họa

 

Quê tôi có đủ các loại măng, nào là măng nứa, măng vầu, măng sặt, măng tre, nhưng mẹ bảo, làm măng khô ngon nhất là măng nứa rồi tới măng tre. Măng tre thì làm cầu kỳ hơn, phải đun kỹ, thay nước nhiều lần vì hăng và đắng, nhưng miếng măng lại “nạc”, cắt khúc to bản, bỏ vào hầm chân giò là “đúng bài”.

Măng tre thì sẵn có 1 bụi sát bờ ao. Bố bảo, trồng để giữ bờ không bị sạt lở. Còn măng nứa thì vào rừng, luồn mình dưới sum sê lá nứa và cây bụi, sẽ thấy những mầm măng mọc lên tua tủa như mũi chông. Bóc vỏ, mang về luộc chín, xé nhỏ hoặc chỉ xé đôi rồi phơi khô, cột chặt trong bì nilon đợi Tết.

Một món ăn nữa mà năm nào mẹ cũng tự tay chuẩn bị từ sớm đó là món hành muối hay quê tôi còn gọi là dưa hành. Hành mẹ trồng ở vườn, chăm vun xới, đắp gốc cho củ to. Khi thu hoạch, mẹ tỉ mẩn chọn từng củ, đảm bảo to đều để muối  ăn cho đỡ ngán, củ xấu hơn thì làm gia vị. Đôi bàn tay thô ráp, thâm nhựa chè của mẹ cứ thoăn thoắt; vừa bóc hành, ngâm, muối, mẹ vừa lẩm bẩm “Tết phải có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.

Để nấu bữa cơm tất nhiên, cả nhà tất bật chuẩn bị nguyên liệu và tiến hành các khâu. Bố là “bếp trưởng”, mẹ là “chủ lực” trong chế biến, còn chị em tôi chạy lăng xăng phụ việc theo sự “sai khiến” của bố mẹ.

Thịt heo để chế biến các món ăn dịp Tết, thường là “đụng” cùng mấy nhà trong xóm. Khâu này là do bố đảm nhận. Món “tủ” của bố là giò thủ. Món này được làm từ tai, mũi của heo; thêm mộc nhĩ, nước mắm và hạt tiêu xào lên là thơm cả xóm. Bố bảo, để giò kết dính hơn thì cho thêm ít da heo. Chúng tôi thích thú ngồi chăm chú xem bố “biểu diễn” và chỉ trong vài phút, chiếc giò thủ đã hoàn thành, tròn trịa, đẹp đẽ y chang đòn bánh tét.

Với sự chung tay của cả gia đình, các món ăn dần hoàn thiện. Mẹ tôi sắp đồ ăn vào chiếc mâm đan bằng cật cây giang, dẻo và bền, được mẹ cất riêng, chỉ dành vào dịp đặc biệt và dâng lên bàn thờ gia tiên.

Lúc này, chị em tôi đã xúng xính trong những bộ đồ mới lấp ló ở cửa, chỉ đợi “lệnh” của bố là vào đứng sau lưng bố mẹ, chắp tay thành kính mời gia tiên về đón Tết; ước nguyện cho gia đình và cả riêng mình.

Tiếp theo, thằng em út chạy lăng xăng đi trải chiếu giữa nhà, chúng tôi ngồi thành vòng tròn, chừa chỗ để mâm và mắt luôn ngước lên bàn thờ nhìn nén hương cháy dở, để khi “hương sắp tàn thì gọi bố, để bố xin ông bà hạ mâm” - bố tôi luôn dặn thế.

Khi còn nhỏ, chúng tôi chưa hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sum họp gia đình trong bữa cơm tất niên. Mẹ ngậm ngùi: “Ngày Tết xa nhà buồn lắm, nhớ cha, nhớ mẹ, anh em và bà con. Gia đình, quê hương, bản quán luôn là nơi dù đi đâu cũng luôn muốn trở về nhất là vào dịp Tết”. Nước mắt mẹ đong đầy,  nhìn về nơi xa xăm - nơi đó là Thái Bình, quê hương của cha mẹ tôi. Và khi lớn lên, rời xa Tây Bắc đến với Tây Nguyên, tôi mới thấm thía câu nói đó của mẹ.

Cuộc sống nay đã đủ đầy hơn, nhưng những bữa cơm tất niên năm nào ngồi quây quần bên cha, bên mẹ và những người thân, với tôi luôn là bữa cơm ngon nhất, hạnh phúc nhất./.

Dương Nương

Chuyên mục khác