Bóng núi

08/08/2020 06:13

17 tuổi, nó đã có 7 năm theo bố làm thợ đá, và là một thợ đá lành nghề. Nhưng sáng nay nó sẽ bỏ búa, bỏ mũi dùi, bỏ lại những tảng đá mồ côi trắng xám trên sườn núi để đi học nghề. Xa xóm nghèo nép mình dưới bóng núi, nó ước gì có thể gói lại, bỏ vào trong túi xách, lâu lâu lại hé ra nhìn để đỡ nhớ, để có đủ niềm tin, đủ dũng khí đi trọn những ngày tháng mới.

Nó dụi mắt nhìn qua cửa sổ. Cả khu đồi bàng bạc trắng. Sáng trăng hay sáng trời? Có lẽ giờ này mẹ nó đã lúi húi nhóm bếp nấu cơm sáng.

Mưa đã tạnh từ khi nào, chỉ còn lại những giọt nước mồ côi uể oải gõ vào mái tôn báo hiệu sắp dứt cái giai điệu dầm dề suốt một ngày một đêm qua.

Biết rõ là sẽ không ngủ thêm được nữa, nó ngồi dậy, gỡ mùng, vo viên nhét dưới chiếu rồi lò dò xuống bếp. Mẹ nó đang lúi húi múc nước trong bể xi măng đặt dưới chái bếp đổ vào nồi, vo gạo xào xạo.

Nó bỏ thêm củi vào bếp. Ngọn lửa bùng to. Mẹ nó nhìn sang, như muốn hỏi “đang còn sớm lắm, sao không ngủ thêm chút đi con?”. Tự dưng nó thấy mi mắt nằng nặng, cay cay nơi sống mũi.

Nó cười cười, cúi đầu. Bây giờ cũng còn sớm, nhưng nó muốn thức dậy, ngồi bên mẹ, bên khói của nhà mình lâu thêm chút nữa. Khi trời sáng hẳn, nó sẽ rời xa ngôi nhà nép mình dưới chân núi, bước vào hành trình mới.

17 tuổi, đây là lần đầu tiên nó sẽ đi xa nhà đến vậy. Đích đến của nó là thành phố xa lạ. Một lớp học nghề với những người xa lạ - nó chắc thế. Phải học lấy cái nghề để mà đổi đời con ạ - bố nó nói, giọng trầm đục đặc trưng của những người thợ đá, trước khi xách đồ nghề đi vào khu đồi bàng bạc trắng.

Nghĩ đến chuyện học nghề, nó vụt thấy lo lắng, xòe đôi bàn tay sần sùi những vết chai trước bếp lửa. Đôi tay thô ráp quen cầm dùi sắt, cầm búa sắt liệu có cầm nổi những cờ lê, tuốc nơ vít mỏng manh?

17 tuổi, nó đã có 7 năm theo bố làm thợ đá. Nhà nghèo, đông con, mẹ lại đau yếu, gánh nặng cơm áo dồn lên bố nó - một thợ đá chẻ quanh năm quần quật trên đồi. Nên học đến lớp 4, tay đã cầm được cây choàng, xách nổi cái búa là nó bỏ học, ai ngăn cũng không được. Nó muốn phụ bố kiếm thêm tiền thuốc thang cho mẹ, nuôi các em ăn học.

Từ đó, nó làm bạn với những tảng đá trắng mồ côi to như cái nhà, nằm rải rác khắp các khe núi, sườn đồi trên dãy núi sau làng.

Nhọc nhằn thợ đá. Ảnh: HL

 

Vùng núi này vốn nổi danh bởi đá chẻ. Giới xây dựng vẫn đồn đãi với nhau, đá chẻ ở đây đẹp, chất lượng. Thợ chẻ đá ở đây khéo tay. Viên đá chẻ do họ làm ra vuông vắn, 4 mặt phẳng phiu như tấm ván, khi xây dựng đỡ tốn công sức và vật liệu.  

Để cắt tảng đá thành từng khối, thợ đá phải dùng mũi dùi sắt kỳ công đục theo vị trí định sẵn. Sau khi tảng đá tách thành từng khối lớn, lại đục đẽo thành những viên đá chẻ hình chữ nhật một cách cẩn trọng để đá không bị bể vụn hoặc không đều nhau.

7 năm, đủ để bố nó thành một người đàn ông cường tráng trở nên ốm o, thường ho sặc sụa và bẳn gắt, nhưng vẫn phải chí chát đục đẽo cả ngày trên núi. Căn nhà dưới chân núi càng thêm sập xệ. Đàn em lớn hơn thì nhu cầu cũng nhiều hơn.

7 năm, đủ để một đứa bé khờ khạo là nó thành một thợ đá lành nghề, một phần cũng nhờ nó sáng dạ, ham học hỏi. Chỉ cần nhìn qua một tảng đá là nó có thể biết nên đặt mũi đục ở đâu để cho ra đường nứt đẹp nhất, phẳng nhất, hạn chế đá vụn và tiết kiệm công sức nhất.

Nhưng có một thứ chưa thay đổi sau 7 năm, ấy là nhà nó vẫn nghèo! Thằng em kế nó lại nhăm nhe bỏ học để theo bố và anh lên núi đục đá.

Có những buổi chiều, nằm trên tảng đá mồ côi chông chênh trên triền núi ngắm mây bay, nó lại ước chi mình có tiền để đưa mẹ đi chữa bệnh; có tiền để làm lại căn nhà dột nát. Nhưng sao mà xa vời. Không ai có thể khá lên từ nghề làm đá chẻ, ít nhất là ở làng này. Bởi sức lực của người thợ làm đá chẻ bỏ ra quá nhiều, trong khi thu nhập chẳng là bao.

Phải đi, phải kiếm việc khác thôi mày ạ. Vào một buổi chiều mưa, nó từng thốt lên với thằng bạn thân như vậy. Suy nghĩ ấy cứ âm ỉ như đốm than hồng trong lòng nó.

Và người thổi bùng đốm than ấy lên thành lửa là anh trai của thằng bạn, cũng từng là thợ đá, nhưng sau đó đi học nghề điện, bây giờ đã có cửa hàng dưới phố hẳn hoi. Khi trò chuyện với nó, anh khuyến khích nó đi học nghề sửa chữa xe máy. “Ở vùng núi hẻo lánh này chưa có lấy một thợ sửa xe máy nào, mỗi khi xe hỏng hóc, mọi người phải đi rất xa mới có thợ. Anh có bạn mở tiệm sửa xe, anh sẽ gửi chú ra đó học. Chú mày có sức khỏe, lại siêng năng, chắc là học được đấy” - anh nói.

Điều nó quan tâm nhất là, như anh nói, nếu đi học, nó không mất học phí, không lo chỗ ở, chủ tiệm nuôi ăn. Khi thạo nghề, có thể được nhận ở lại làm việc. Đăm đăm ngó đôi bàn tay trầy trụa vì dăm đá hồi lâu, rồi đôi môi mím lại tỏ thái độ kiên quyết: Anh đăng ký cho em. Nó nói, chắc như những nhát búa đập vào đá.

Và sáng nay nó sẽ bỏ búa, bỏ mũi dùi, bỏ lại những tảng đá mồ côi trắng xám trên sườn núi để đi học nghề.

Sương sớm thở phập phồng trên núi. Tia nắng đầu tiên đã hắt lên không trung. Dù vậy, dưới bóng núi, ngôi nhà hãy còn nhờ nhờ tối. Buổi sáng mát mẻ làm dịu những sự suy nghĩ trong đầu, khiến nó thấy sung sức, tự tin hơn. “Trên đời, chả có gì là con người không làm được. Cứ phải xông vào, ngồi mà tưởng tượng thì cái gì cũng khó” - anh trai thằng bạn từng động viên nó như vậy.

Trời sáng rõ, thằng bạn thân đã đến. Nó lùa vội miếng cơm rồi xách túi quần áo vụt ra sân. Mấy đứa em chân trần, quần cụt chạy ra tiễn. Mẹ nó lóng ngóng chạy theo dúi vào tay nó mấy đồng bạc. Nó xua tay: Thôi mẹ để dành tiền mua bò. Bỗng nó nhớ ra, vẫn chưa thực hiện được lời hứa với mẹ. 

Năm ngoái nó từng nói sẽ dành dụm tiền mua một con bò cho mẹ nuôi, khi nghe bà khen mấy con bò nhà Y Hiền “đẹp như tranh, đem bán một con cũng có tiền sửa nhà”.

Sương trên núi tràn xuống, giăng trắng ngầu ngầu như sữa trên các ngọn cây. Thằng bạn kéo tay nó chạy ra cổng. Tụi nó phải vượt qua quãng đường núi hơn 2 cây số để bắt xe về phố. Nó ngoái lại kêu: Mẹ vô nhà đi. Đừng buồn nhé, mai mốt con về.

Bố nó mặc cái áo lành lặn nhất, thường chỉ “diện” khi đi đám cưới, đám giỗ trong làng đứng trước sân, xua xua tay, nói: “Cái thằng, đi học nghề ở dưới phố chứ có đi Sài Gòn, Hà Nội đâu mà sợ mẹ tụi bay buồn, nhớ”.

Nói vậy sao giọng ông như mếu?

Nó vừa đi vừa nghĩ, làm sao mà không nhớ được? Hồi nhỏ tới giờ có khi nào nó xa nhà, xa bố mẹ và các em đâu. Nhỏ xíu thì học trường làng, lớn lên chút ít thì bám núi, chí chát đục đá từ mờ sáng đến chiều tối. Ngày này qua ngày khác. Tháng này qua tháng khác. Năm này qua năm khác. Bây giờ tự nhiên ra phố học nghề cả năm trời, sao mà không buồn, không nhớ.

Rồi cả cái xóm nghèo nép mình dưới bóng núi này nữa. Giá như có thể gói lại, bỏ vào trong túi xách, lâu lâu lại hé ra nhìn để đỡ nhớ, để có đủ niềm tin, đủ dũng khí đi trọn những ngày tháng mới.

Bóng núi cũng đổ dài theo bước chân, như muốn tiễn nó thêm chút nữa!

Hồng Lam

Chuyên mục khác