07/06/2020 13:02
Cây bông giấy ba chị đã trồng từ khi còn nhà cũ, đến khi làm nhà mới thì vẫn được giữ lại giống ấy, hai màu hồng - trắng thắm tươi. Thấm thoát đã hơn 10 năm, gốc cây đã bằng cỡ bốn gang tay bên một góc sân, gần nơi cửa sổ.
Nhà chị sống nghề trồng rau. Trồng hoa không nhiều, nhưng cũng phụ thêm cho sản phẩm vườn vào những hôm Rằm và mùa Tết, kỳ lễ. Cúc, huệ, vạn thọ... nào thiếu sắc, hương; ấy vậy mà ba chị lâu giờ chưa khi nào bỏ quên cái giàn bông giấy.
Cây bông giấy dễ trồng, dễ lên. Bông giấy mộc mạc, đơn sơ, mà đằm thắm, tinh khôi như chính cuộc đời người nông dân vậy.
Cứ tưởng bông giấy không hương..., đó là suy nghĩ của chị từ ngày còn nhỏ. Nhưng sau những lần thức khuya, dậy sớm cùng ba, cảm nhận của cô bé 12-13 tuổi đầu biết gánh nước tưới cây đã khác. Giữa không gian yên bình, tĩnh lặng, là mùi hương ngai ngái, thoang thoảng tỏa lan.
Không gắt nồng, say sưa, không đắm mê, quyến rũ..., vậy mà vẫn đi vào cuộc sống, hiện diện với nếp nhà, gần trong từng hơi thở, đọng lại kỷ niệm sum vầy. Đó là tất cả những gì chị đã nhận ra từ loài bông giấy giản đơn, bình dị mà ba chị đã gần gũi, quý yêu gần hết cuộc đời.
|
Bông giấy đã đến từ đâu? Ba chị từ lâu vẫn không xác thực một câu trả lời cho con gái. Hẳn là “quê” giấy ở mãi đồng bằng ven biển miền Trung, bởi sống bao năm với đồng bào Ba Na, Gia Rai địa phương, ba chưa khi nào thấy có loài cây ấy. Có lẽ, từ những ngày rất xa, khi các gia đình bà con người Kinh gốc Bình Định đìu ríu lên vùng đất Làng Hồ, “lũ làng” tại đây đã mau mắn tiếp cận thói quen, quyện hòa nếp sống. Thành ra, lâu giờ, bên nếp nhà sàn của không ít gia đình cũng đậm đà sắc màu giàn bông giấy trước sân.
Quả là chẳng cây nào có sức sống mãnh liệt như loài bông giấy. Chỉ một gốc nhỏ trồng xuống đất, nó bén rễ và lên rất nhanh. Khi đã vươn được vài ba cành rồi, thì nó tỏa lan, níu sâu, bám chắc. Có thể làm hàng rào, khung cổng, ngay cả khi không cần “bệ đỡ”. Ba chị thì chọn trồng bông giấy ở bên cửa sổ. Gốc nó khiêm nhường ở một góc nhỏ ngoài sân, mà nếu không mưa thì lúc nào cũng chan hòa ánh nắng. Khi những cành hoa giấy vươn lên, tỏa ra, chẳng mấy chốc đã phủ kín khung cửa, kết thành vòm hoa, leo xa đến tận mái nhà.
Bông giấy có thể nở quanh năm, dĩ nhiên vậy. Song theo sự để ý của riêng chị, năm nào cũng thế, khi từng cơn mưa cuối cùng của mùa mưa cao nguyên đằng đẵng đi qua và bước sang những ngày đầu mùa khô hứng nhiều nắng gió, mới bắt tay vào cắt cành, tỉa ngọn cây giấy là thời điểm thích hợp nhất để giấy nở bông đẹp nhất trong những ngày mùa đông. Chị vẫn hay dậy sớm. Trong làn sương lãng đãng, giàn bông giấy trước cửa sổ nhà mới đẹp và đáng yêu làm sao!
Dưới giàn bông ở bên cửa sổ, luôn sẵn chiếc xích đu bằng khung sắt thanh gỗ mít mà ba chị đã cẩn thận kê ở đó từ lâu. Cây mít sau nhà già nua, mấy năm liền không còn cho quả thơm quả ngọt. Thương nó, ba cưa gốc, lấy gỗ nhờ thợ mộc xẻ thành từng thanh, đóng chiếc xích đu. Nhiều năm đi qua, gỗ đã ngả màu, chỗ ngồi mòn vẹt, vẫn còn chắc chắn. Cách giàn bông giấy bức tường là gian nhà ba đặt bộ bàn ghế cũ. Ông và những người hàng xóm thường ngồi đây uống trà, hàn huyên.
Quả là bông giấy chắc, bền thật. Bông nở lâu lắm, cho đến lúc rụng xuống đất, cánh mỏng manh vẫn còn sắc thắm, dường như không phai nhạt màu.
Như giàn bông giấy nhà chị nở từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, sang tháng 4 âm lịch vẫn còn bông trắng, bông hường. Mặc nắng nóng, kệ khan khô, chỉ cần dăm ba ngày vài gáo nước mát, là nó thản nhiên, chăm chỉ nở. Hoa chi chít ken dày, tươi tắn, dịu mát.
Sau từng cơn mưa báo mùa, giàn bông giấy sẽ lại hao đi. Ba không còn khỏe nữa, nên chị đã quen là người cắt ngọn, tỉa cành cho khung cửa sổ. Những tháng mưa dài, để cho cây giấy nghỉ ngơi, bồi thân dưỡng cành; chờ đến đầu khô sang năm, lại tưng bừng nở...
Bông giấy không đem cắm bàn, không dùng để bán, nhưng mang lại một vẻ đẹp yên bình rất riêng cho cả ngôi nhà. Một vẻ đẹp dân dã, lâu bền, gần gũi, như chính cuộc sống của người nông dân. Đi đâu xa, ai mà không thấy nhớ?!
Thanh Như