Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài

15/11/2021 06:06

F0 trong cộng đồng, chuyện không mới nhưng luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân mỗi khi có ca bệnh xuất hiện. Tuy nhiên, mỗi người lại có cách tiếp nhận thông tin, ứng xử với tình huống này khác nhau, qua đó, thể hiện tinh thần và ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh.

Tuần qua, thông tin được nhiều người dân quan tâm nhất có lẽ là việc thành phố Kon Tum tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hẳn rằng, nhiều người sẽ cảm thấy tiếc nuối vì đã qua nhiều ngày tỉnh ta không có thêm các ca Covid-19 mới ngoài cộng đồng; các ổ dịch Covid-19 cũ đang được kiểm soát hiệu quả, nhịp sống bình thường mới dần trở lại ở những nơi từng được coi là “điểm nóng”.

Thẳng thắn nhìn nhận, qua gần 2 năm chống dịch, đây có thể nói là thời điểm mà tỉnh ta đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách nhất. Bởi, dịch bệnh không chỉ xảy ra ở trong các khu cách ly nữa mà đã lây lan ra cộng đồng tại nhiều địa phương. Mặt khác, các biện pháp chống dịch để phục hồi và phát triển kinh tế cũng kéo theo nguy cơ xuất hiện thêm nhiều nguồn lây.

Việc F0 liên tiếp xuất hiện rải rác trong cộng đồng, trong đó, có những ổ dịch chưa rõ nguồn lây, khiến cuộc sống bị đảo lộn đã làm cho một bộ phận người dân cảm thấy hoang mang và lo lắng.

Bình tĩnh đối diện khi có F0 trong cộng đồng là điều mỗi người cần làm. Ảnh: TH

 

Tuy nhiên, tâm lý lo lắng thái quá của một số ít người dân dẫn đến việc mất bình tĩnh, hoảng loạn trước thông tin khu vực mình ở hay nơi làm việc có trường hợp mắc Covid-19 làm cho công tác phòng, chống dịch trở nên khó khăn, vất vả. Ngược lại thái độ bình tĩnh, chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, để có thể thích ứng an toàn của mỗi người sẽ khiến mọi việc trở nên dễ dàng.

Thực tiễn cho thấy công tác phòng, chống dịch chỉ thực sự hiệu quả khi hội tụ đủ hai yếu tố đó là sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch của hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân. Đứng trước bất cứ tình huống khó khăn, nguy hiểm nào, thì sự bình tĩnh, tự tin, bài bản và khoa học sẽ là tiền đề để chúng ta chiến thắng.

Bằng chứng là, trong những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, chúng ta đã xử lý, kiểm soát thành công các ổ dịch đầu tiên tại cộng đồng trên địa bàn huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum khi cả hệ thống chính trị và người dân chung một ý chí, sự quyết tâm. Ngay khi xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng; với tâm thế bình tĩnh, chủ động, quyết liệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, ngành Y tế đã triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp ứng phó với dịch. Cùng với đó là sự đồng thuận, hợp tác của hầu hết những người có liên quan đến các F0 trong việc tự giác, trung thực khai báo y tế, thực hiện cách ly. Vì thế, các đối tượng nguy cơ cao được truy vết, các khu vực có F0 được phong tỏa gọn, ổ dịch được khống chế trong phạm vi hẹp, cuộc sống của người dân không bị xáo trộn nhiều.

Đến ngày 11/11, toàn tỉnh có 27 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trong cộng đồng (trong đó, có 1 ca phát hiện trong vùng cách ly y tế, 7 ca phát hiện tại cơ sở cách ly tập trung). Tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Không hoảng sợ, nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bởi dịch bệnh luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nguy cơ dịch bùng phát dịch trên diện rộng luôn hiện hữu. Bình tĩnh, thận trọng, tin tưởng, không cầu toàn, không nóng vội là điều mà mỗi người cần làm.

“Người dân bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng, nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19…Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế khuyến cáo, nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng” là thông điệp luôn được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nhấn mạnh trong rất nhiều văn bản chỉ đạo, thông báo dịch bệnh, nhất là vào những “thời điểm nóng”.

Dịch bệnh còn kéo dài và số lượng ca mắc Covid-19, trong đó có cả F0 trong cộng đồng sẽ chưa dừng lại. Tuy nhiên, “bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”, đồng thời mỗi người cũng tự trang bị cho mình một bộ lọc tiếp cận thông tin về dịch bệnh một cách đúng đắn nhất để không nản lòng, không hoang mang hay lơi lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Có như vậy, mới có cuộc sống bình yên trong trạng thái bình thường mới.

Thùy Hương

Chuyên mục khác