Bình minh của mỗi người

24/11/2021 06:05

Mỗi sáng thức dậy, trừ những ngày mưa, Hân bắt đầu một ngày của mình bằng việc leo lên tảng đá xám như con voi phủ phục trước điểm trường đón bình minh lên.

Đó chính là cách Hân bắt đầu một ngày mới với bao vất vả, bận rộn suốt 3 năm qua, kể từ khi cô khoác ba lô lên điểm trường cheo leo sườn núi này dạy học.

Lúc cô nhẹ nhàng rời khỏi giường, nhón chân bước ra cửa, Trân, cô em đồng nghiệp dạy cùng điểm trường, lại càm ràm với giọng ngái ngủ: Thói quen chi lạ. Lạnh muốn chết. Rồi lại cuộn kín mình trong chăn ấm.

Như con mèo lười- Hân cười. Hai chị em cùng lên đây một ngày, cùng bám trụ được ba năm, cùng ở trong gian nhà tạm bằng tranh tre dựng cạnh phòng học, đùm bọc nhau như chị em ruột thịt. Đôi khi, Trân tò mò dậy sớm, theo cô đi ngắm bình minh, nhưng rồi lại phải đầu hàng “con sâu ngủ”.

Bình minh của mỗi người không giống nhau. Bình minh của em là trên giường, với chăn ấm- Trân nói.

Hân leo lên tảng đá xám. Sương đọng trên những tán lá vươn ra phía tàng đá như những chuỗi ngọc trai trước khi lặng lẽ tan cho một ngày bận rộn bắt đầu. Phía dưới nơi cô đứng, những vạt rừng đen sẫm trải dài tít tắp. Yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng hơi thở của mình.

Sau lưng Hân, trong tranh tối tranh sáng, khói đã tỏa ra từ các mái nhà, gặp sương đêm, không bốc lên cao được, cứ quẩn quanh dưới thấp. Giờ này, nhiều gia đình dậy nấu cơm, đem theo chuyến đi rừng.

Bình minh trên núi. Ảnh minh họa

 

Thỉnh thoảng, một cơn gió Đông Bắc ào tới, cuốn tung những chòm tua tết bằng dây rừng được nhuộm đỏ, đen, trắng, vàng đan xen phất phơ trên cây nêu trước sân nhà rông.

Và rồi ánh bình minh hình rẻ quạt bắt đầu ló lên như những ngón tay hồng sau rặng núi xám mờ còn ngái ngủ. Ấy cũng là lúc núi rừng, sông suối được khoác lên một tấm áo choàng dệt bằng những sợi tơ vàng mỏng manh nhưng quyến rũ.

Những tia nắng đầu tiên nhẹ nhàng đậu xuống. Hân nhắm mắt lại để cảm nhận sự tinh khôi, dịu nhẹ, mát mẻ của nắng mai đang tắm lên mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của cô.

Hân yêu biết bao những giây phút đứng trên cao, hít vào lồng ngực thanh xuân khí trời lành lạnh, trong lành, thoang thoảng hương thơm hoa cỏ còn ngái ngủ. Trong sự mơ màng của đất trời, Hân thấy lòng mình yên bình và thanh thản.

Từ giã phố xá, cô lên với núi, với làng, với những đứa trẻ tóc khét nắng, chân trần, tay dính đầy bùn đất. Để lên làng, cũng là tới điểm trường, chỉ có một con đường độc đạo mảnh như sợi chỉ, quanh năm suốt tháng toàn thấy những bóng người lầm lũi đi bộ. Ở đây, nhà nào cũng nghèo như nhau, nên sống thân thiết, tình nghĩa lắm.

Có tiếng động nhẹ sau lưng. Không quay lại Hân cũng biết là Y Mai- cô trò lớp 3 do Hân làm chủ nhiệm đã đến. Không phải để đón bình minh với cô giáo, vì có lần Hân nghe nó thắc mắc với cô Trân là “sao cô Hân cứ ra tảng đá đứng chơi sớm vậy cho lạnh”, con bé đến vì muốn ở bên cô.

Ngay những ngày đầu nhận lớp, Hân đã chú ý đến Y Mai- cô học trò nhỏ bé, luôn trầm lặng. Nhiều khi sự trầm lặng không nên có ở một cô bé 9 tuổi làm Hân thấy lo lắng.  Hỏi dò các bạn trong lớp, Hân biết được hoàn cảnh đáng thương của cô bé: Cha mẹ đều đã mất, hiện cô bé sống một mình trong sự đùm bọc, giúp đỡ của họ hàng và dân làng.

Cuối buổi học, Hân quyết định đưa Y Mai về nhà. Dọc đường về, cô bé vẫn giữ nét trầm lặng ấy.

Đây là nhà em- đi qua một khúc quanh, cô bé chỉ vào căn nhà vách ván, mái tôn trống hoác. Hân lặng người nhìn cái mền rách bay phất phơ trên dây phơi trước sân.

Từ hôm ấy, Hân thành khách quen trong căn nhà ấy. Mỗi lần đến, cô đều tìm cách giúp đỡ cô học trò nhỏ, khi thì quyển vở, cây bút, cái cặp, đôi dép, bộ quần áo... Một phần là mua từ tiền lương tháng, còn lại là vận động bạn bè hỗ trợ.

Cô bé cũng quấn lấy cô, không còn sống trầm lặng, thu mình nữa. Ngày nào cũng đi học thật sớm để được đến bên cô trò chuyện.

Nhìn về phía dãy núi xa mờ đang ánh lên trong nắng sớm, Y Mai chợt hỏi: Cô ơi, bình minh thành phố chắc cũng đẹp lắm?

Bình minh ở thành phố ấy à? Hân cười nhẹ, xoa đầu cô bé. “Bình minh tuổi học trò của cô là một bản giao hưởng đầy âm thanh, cực kỳ lộn xộn nhưng cũng vô cùng ấm áp và gần gũi’- giọng cô mơ màng.

Và trong tâm trí vụt nhớ về con phố nhỏ nọ, âm thanh báo hiệu bình minh đầu tiên là tiếng mở cổng lách cách của người tập thể dục buổi sáng; tiếp đến là chiếc xe tải rùng mình, nổ máy sau một đêm nghỉ ngơi, chui khỏi mái che. Ở góc đường, trong không khí còn trong veo và đẫm ướt hơi sương, 2 ông bà già lụi cụi bày mấy bộ bàn ghế nhựa bán cà phê dưới ánh sáng nhạt.

Bố mẹ cô à? Bình minh thành phố thật lạ. Con bé chép miệng, giọng trầm hẳn đi. Em thì chỉ mong lại được tỉnh giấc trong căn nhà chật chội, thấp lè tè, được nhìn thấy Pa (ba) đang chuẩn bị gùi và dao đi rẫy; thấy Nâu (mẹ) đang thổi mồi lửa ở bếp, chuẩn bị nấu cơm cho em ăn để di học.

Nhưng đó chỉ là bình minh mơ ước, Y Mai nói, chực khóc. Bữa nào thức dậy, cũng thấy có mình em. Nên nhiều lúc, em không muốn có bình minh, không muốn có ngày mới.

Hân nghe mà ruột cuộn lên, đau thắt.

Em đừng buồn nữa. Đã có cô, có cô Trân, có già làng, có bà con rồi, em sẽ có bình minh mới cho mình- Hân kéo cô trò nhỏ vào lòng, nói nhỏ.

Hai cô trò đứng yên trên tảng đá chênh vênh nơi sườn núi cùng hít căng lồng ngực khí trời lạnh lành nhưng ngọt ngào bởi hương hoa cỏ.

Bình minh là sự bắt đầu của ngày mới. Và những điều mới.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác