10/11/2021 06:01
Làng nằm bên sông. Đứng ở làng nhìn qua bên kia sông là ô nà, ruộng lúa, rẫy mì xanh mướt mắt. “Dân làng muốn đi rẫy đều phải qua sông, từ bến này này”- già A No nói, nhịp nhịp ngón tay về phía vài con thuyền độc mộc đang nằm gác mũi lên bờ nghỉ ngơi.
Từ nhà rông của làng ra bến sông rất gần, từ nhà già A No ra đấy còn gần hơn. Trước đây còn khỏe, ngày nào già cũng lên rẫy, ngày mấy bận đi, về qua bến sông. Bây giờ, già rồi, cái chân đã mỏi, con mắt cũng đã mờ nên chiều chiều, già chỉ biết ngồi trước nhà nhìn ra nơi ấy, nhớ về những tháng ngày còn vùng vẫy cùng sông nước, cần mẫn cùng ruộng lúa, rẫy mì.
Già kể, ngày còn thanh niên, khi đi rẫy, già ít khi chèo thuyền vượt sông, mà thường từ bến bơi thẳng qua bờ bên kia là đến rẫy. Chiều ở rẫy về, có khi còn vừa bơi vừa cõng thêm gùi khoai, gùi bắp về nhà.
Trai tráng trong làng cũng thường bơi như vậy. Ngày mấy vòng sông, nắng cũng như mưa, nên ai nấy vạm vỡ, khỏe mạnh, ngay cả sốt rừng cũng không thể vật ngã.
Ngày nước lên, người lớn tuổi và phụ nữ ở làng thì dùng thuyền độc mộc để qua lại sông, để chở nông sản về nhà. Còn những tháng mùa khô, nước cạn, bà con còn lùa cả đàn bò lội qua sông để đến rẫy.
|
Bởi thế mà ngày trước, nhiều nhà ở làng có thuyền độc mộc. Bến sông là nơi neo đậu của thuyền bè. Thuyền để nhiều ở bến sông, lũ nhỏ trong làng thường ra đấy leo lên rồi nhảy xuống sông tắm mát những ngày hè. Bây giờ thực hiện chủ trương của Nhà nước, bà con không được chặt cây gỗ trên rừng nên chỉ còn ít nhà mua được gỗ hoặc nhôm để làm thuyền. Mà cũng chẳng có nhiều, năm hay bảy gia đình mới chung nhau làm được một chiếc, vì giá nguyên liệu làm thuyền rất đắt đỏ.
Trong tâm trí già A No, trừ những ngày mưa lũ, nước dâng, còn khi nước yên, mỗi buổi chiều bến sông đều đông vui, vì đây còn là nơi sinh hoạt chung của cả làng. Đàn ông, phụ nữ, hay lũ trẻ con theo bố mẹ lên rẫy về đều tập trung tại đây để tắm gội, giặt giũ quần áo. Bao câu chuyện buồn vui được bà con chia sẻ bên bến sông, góp phần củng cố thêm sự gắn kết trong cộng đồng.
Với người già, bến sông vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, gắn bó như máu thịt. Có lần, già A No bị đau, phải vào bệnh viện ít ngày, ông nhớ bến sông đến nẫu cả người. Khi được về nhà, con cháu biết ý, đưa ông ra bến, nhìn con nước dập dềnh xô mấy chiếc thuyền độc mộc, đón ngọn gió mát lành thổi qua, ông thấy khỏe hẳn ra.
Bây giờ bến sông của làng vẫn còn đó, rẫy ruộng của bà con vẫn còn nằm bên kia sông, nhưng nơi ấy không còn đông vui như ngày trước, sau những lần làng có trẻ em bị đuối nước ở gần bến sông, vì nạn khai thác cát bừa bãi để lại những hố sâu hun hút dưới lòng sông.
Gần đây, việc khai thác cát cũng đã được địa phương quản lý chặt chẽ hơn, nhưng bà con vẫn thấy ám ảnh mỗi lần ra bến sông. Người lớn có việc phải ra rẫy hay đi bắt con cá, con tôm mới qua lại nơi này, còn trẻ con ở làng thì luôn được bố mẹ ngăn không được ra đấy. Cũng may là bây giờ, nhà nào cũng có giếng để dùng nên không phải ra bến sông của làng tắm giặt.
Nhưng cũng bởi vậy mà bến sông càng trở nên vắng lặng.
Mỗi khi nhớ chuyện ngày xưa, già A No lại chống gậy đi về bến sông của làng. Ánh nắng chiều in xuống làn nước đục lờ đờ, nơi có đàn bò vừa lội qua, càng khiến già A No thích thú, nhất là những tháng mùa khô ở Tây Nguyên tiết trời về chiều lành lạnh. Có lúc, bắt gặp lũ con trai đi rẫy về, ra bến sông rửa tay chân, giặt chiếc áo lắm lem bùn đất, già A No như thấy lại mình trong ấy.
Có nhà rông, có bến sông, ấy là làng- già A No mãn nguyện nói!
SÔNG CÔN