Bát bún riêu

13/07/2019 13:12

Chiều qua, cô bạn thân í ới gọi điện rủ tham gia một chương trình nấu ăn từ thiện. Chúng ta sẽ nấu bún riêu phát cho người nghèo - cô bạn hào hứng. Nghe vậy, tôi chợt nhớ lại câu chuyện xảy ra đã khá lâu nhưng vẫn khiến tôi suy nghĩ mãi...

Chuyện là, có một đoàn từ thiện từ Thành phố Hồ Chí Minh lên huyện biên giới Ia H’Drai tặng quà cho người nghèo. Trong danh mục quà tặng mà đoàn từ thiện đăng ký trao cho bà con, ngoài quần áo và các nhu yếu phẩm như mắm, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn…, còn có thêm 400-500 suất bún riêu được nấu tại chỗ để phục vụ cho các em học sinh khó khăn ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.

Có lẽ vì đã quá quen với việc đi từ thiện như thế này (đa số các thành viên đoàn đều là những người bán hàng ăn uống ở chợ), nên khâu chuẩn bị được tiến hành kỹ lưỡng. Trừ bún tươi và thịt được đặt mua từ tỉnh Gia Lai chở vào, những thứ còn lại, từ chén đũa, nồi niêu đến các nguyên liệu khác để nấu bún riêu đều được các thành viên trong đoàn từ thiện mang từ Thành phố Hồ Chí Minh lên…

Háo hức mong có một nồi bún thật ngon để phục vụ cho các em nhỏ nơi đây, nên vừa lên đến nơi, mọi người trong đoàn đã nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc.

Sau khi làm các thủ tục trao tặng quà cho người nghèo xong, cũng vừa thời điểm các em học sinh các cấp học tan trường, nên những tô bún riêu được các bà, các chị đưa lên để phục vụ các em nhỏ.

Nhìn tô bún sực nức mùi thơm, ai cũng nghĩ sẽ mang đến niềm vui cho các em học sinh nơi đây. Thế nhưng, mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Hầu hết các em chỉ ăn lưng bát rồi đều “bỏ đũa”. Ai cũng thấy lạ.

Không cần nói cũng biết, mọi người trong đoàn buồn như thế nào. “Ở một nơi gọi là còn nhiều khó khăn, hàng quán mọc lên chưa nhiều, cũng chưa ai bày bán món ăn này, thì lẽ ra các cháu phải thích mới đúng chứ?” - một cô trong đoàn từ thiện thắc mắc.

"Vậy là, hơn 400 tô bún riêu được nấu ra coi như công cốc. Đã chẳng mang lại niềm vui cho trẻ, mà mình còn rước nỗi buồn vào thân” - một thành viên khác trong đoàn từ thiện bộc trực nói.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

 

Còn chị trưởng nhóm từ thiện tỏ rõ vẻ không hài lòng. Cằn nhằn chán, chị bỏ ra xe ngồi, dường như không muốn nhìn thấy những bát bún riêu còn bỏ dở, trông rất phí phạm kia. Một lúc sau, chị trở vào nói với mọi người: “Bà con ở đây đâu có khó khăn như khi chúng ta được nghe giới thiệu. Mất công chúng ta lặn lội từ Thành phố Hồ Chí Minh lên đây”.

Rồi chị bảo tất cả các thành viên trong đoàn dọn dẹp để về. Bún và riêu còn lại, các cô, các chị đưa hết lên xe, nghe nói chở về thành phố Kon Tum để tặng cho một đơn vị nuôi dạy trẻ mồ côi nào đó đang cần…

Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến cho anh bạn “trung gian” đứng ra giới thiệu đoàn từ thiện lên đây “chết lặng”, ngẩn ngơ nhìn mọi người lên xe ra về. Tôi biết, trong lòng anh đang nặng trĩu nỗi buồn.

Với tôi, người chứng kiến buổi trao quà từ thiện cũng cảm thấy chuyến đi mất đi phần nào ý nghĩa. Mỗi chuyến đi từ thiện, mỗi việc làm cụ thể giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn đều hướng tới mục đích chia sẻ, động viên, mang niềm vui cho họ, thế nhưng, chuyến từ thiện ấy đã làm cho tâm lý mỗi người trở nên nặng nề hơn.

Chờ mọi người ra về hết, tôi mới lân la hỏi chuyện mấy em học sinh, và rất nhanh chóng hiểu được rằng, các em nhỏ không ăn bát bún riêu ấy cũng là có lý do của nó. Hầu hết các em đều chia sẻ rất vô tư và hồn nhiên: “Món ăn này chúng em không ăn được, vì ngấy lắm. Chúng em chưa bao giờ ăn nên ăn không quen”.

Hôm ấy, tôi có xin một bát bún riêu của đoàn để nếm thử vị. Từng học tập và sinh sống ở miền Nam nhiều năm, không khó để tôi phát hiện ra một điều, bún riêu các chị trong đoàn nấu theo kiểu miền Nam, nghĩa là có vị béo ngậy và rất ngọt, khác rất nhiều so với bún riêu miền Bắc. Trong khi đó, các em học sinh nơi đây đa phần là người DTTS theo bố, mẹ từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, quen ăn bún riêu nấu đậm đà, ít béo, ngọt thanh.

Vậy là đã rõ, chỉ là do không hợp khẩu vị nên các em nhỏ mới "từ chối" bát bún riêu mà đoàn từ thiện đã lặn lội mấy trăm cây số lên đây để nấu cho các em ăn, chứ không phải các em ấy “chê” tài nấu nướng của các cô, các chú trong đoàn hay vì gia cảnh các em đã đủ đầy mà “ngó lơ”.

Ai cũng đồng tình với phát hiện của tôi. Nhưng khi ấy, đoàn từ thiện đã rời Ia H’Drai, không một lời từ biệt.

Có thể, đoàn từ thiện ấy chẳng bao giờ quay lại để nấu một bát bún riêu cho các em nhỏ nơi này nữa vì điều kiện đường sá xa xôi, cũng có thể vì nghĩ rằng các em nhỏ nơi đây không thực sự khó khăn nên mới chê bai món ăn mình đã cất công nấu. Nhưng, tôi nghĩ như vậy thì oan cho các em quá, bởi đoàn từ thiện đã "phục vụ theo thói quen" của cá nhân mình mà không nắm bắt, tìm hiểu kỹ đối tượng phục vụ.

Và tôi cũng tiếc một điều là, giá như các thành viên trong đoàn từ thiện ấy chịu nán lại để tìm hiểu lý do vì sao các em nhỏ không hào hứng với bát bún riêu do mình nấu thì sẽ hay hơn là phản ứng tức giận, bỏ đi không một lời từ biệt, càng làm cho chuyến từ thiện về vùng sâu, vùng xa mất đi ý nghĩa của nó.

Nhớ lại chuyện cũ, tôi vội nhắc cô bạn tìm hiểu kỹ về đối tượng sẽ phục vụ bún riêu sắp tới. Cô bạn cười: Yên tâm đi, tớ đã cùng các bạn đoàn viên thanh niên ở nơi đó khảo sát kỹ rồi. Đảm bảo hợp khẩu vị.

Tôi thở phào!

TÚ QUYÊN

 

Chuyên mục khác