Bão lòng

26/10/2020 05:58

Sau mưa lũ là chồng chất gian khó, với dịch bệnh, với thiếu đói đợi chờ phía trước, với những bữa ăn đói lòng, manh áo không lành lặn. Lũ đang rút dần. Nhưng bão trong lòng hắn biết đến bao giờ lắng xuống? Có lẽ chính hắn cũng không biết!

Đêm qua, hắn lại mơ thấy mình đang ngoi ngóp trong căn nhà cũ kỹ, mò tìm bao tải lúa còn lại. Nước ngập ngang lưng. Xung quanh hắn, sách vở, quần áo, nồi niêu nổi lềnh bềnh. 

Đê vỡ trong đêm. Sau nhiều ngày mưa trắng đất trời. Nước lũ réo ầm ầm, lồng lên như đàn ngựa hoang, nhấn chìm từng ngôi nhà. Bố mẹ hắn, và dân làng, nháo nhào lao lên đồi trong tiếng loa giục giã của chính quyền. Hắn ôm theo chồng sách chạy theo mọi người. Đúng là chạy lũ, vớ được gì thì ôm theo nấy.

Gió ù ù, mái nhà bay gần hết, mưa thốc vào từng đợt, ngửa cổ nhìn chỉ thấy mây đen vần vũ. Nước tiếp tục lên, ngập sâu đến nửa cột nhà. Hắn kiên trì mò tìm. Kiểu gì cũng phải lấy được bao lúa để có cái ăn đỡ chờ nước rút. Đây rồi. Hắn mừng quýnh, ngụp xuống. Đầu va vào cạnh tủ đau điếng.

Đau! Hắn giật mình tỉnh lại, người đẫm mồ hôi, ngơ ngác nhìn căn phòng mờ mờ  ánh điện. Hóa ra vẫn giấc mơ cũ- xoa xoa vùng trán vì va vào thành giường, hắn thì thào.

Đã mấy đêm nay, hắn đều mơ về cảnh chạy lụt ngày xưa. Có lẽ những hình ảnh mưa lũ ở miền Trung quê hắn tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội suốt những ngày qua đã ám ảnh hắn, theo cả vào giấc ngủ.

Vào cái đận lũ lịch sử ấy, hắn 18 tuổi. Vừa có giấy báo đậu đại học.  

Người dân làm bè tạm đi chuyển về nơi tránh lũ an toàn. Ảnh: Vnexpess

 

Nhà hắn nằm trước cánh đồng làng. Giống như đa số ngôi nhà khác trong làng, nhà hắn nghèo. Bước vô nhà, coi kỹ cũng chỉ có bộ bàn ghế gỗ tạp kê gian giữa dùng để tiếp khách là lành lặn. Quý giá nhất là cái bồ lúa quây bằng những tấm cót tre nằm trong góc nhà, gia đình nào khá hơn thì đóng tủ bằng gỗ. Mỗi khi có khách, chủ nhà lại áy náy vì nỗi nghèo của mình nên bối rối phân trần: Tính tới đây được mùa sẽ mua sắm ít đồ đạc.

Nhưng cái mơ ước “được mùa” ấy luôn là thứ xa xỉ trong cuộc sống của người dân quê hắn. Tiếng là vùng đất “chiêm, mùa nối vụ”, nhưng cây lúa sống được không dễ, chiêm thì khô hạn, mùa thì ngập úng, đủ ăn đã là khá, thường sau vụ gặt ít lâu đã có nhà đi vay mượn. Nếu gặp lũ lụt thì trắng tay, hành trình từ cái nghèo vừa vừa đến nghèo xác xơ nhanh như một cơn mơ, một cái phủi tay.

Thành ra, căn nhà vẫn trống hoác sau bao nhiêu năm, và chủ nhà vẫn nuôi hy vọng được mùa để mua sắm ít đồ đạc. Giống như một món ăn hâm nhiều lửa, nhưng vẫn hấp dẫn với người đói.

Sinh ra và lớn lên ở một làng nghèo thuộc một tỉnh miền Trung, hắn đã quen với mưa bão, lũ lụt, giống như quen với cái nghèo vậy. Người dân quê hắn thường đùa, nếu có cơn bão mô không trúng quê mình hẳn là do đi… nhầm đường.

Cũng vì mưa bão, lũ lụt liên miên nên khi chuẩn bị xuống giống, gieo trồng cây gì, người dân quê hắn cũng tính toán chi ly thời gian thu hoạch (theo kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác), sao cho tránh được thời gian trọng điểm mưa bão. Nhưng người tính không bằng trời tính, những năm gần đây mưa lũ thất thường, năm sớm, năm muộn, vì vậy mà khó lòng tránh khỏi.

Hắn đã chứng kiến những năm, khi lúa, khoai, bắp... trên đồng đến kỳ thu hoạch, bố mẹ khấp khởi mừng vì được mùa, nhưng bão ập đến, chỉ mưa xối xả mấy ngày nước đã trắng đồng. Cả nhà hắn, cả làng, cả xã đổ ra đồng để thu hái theo kiểu lặn ngụp, rồi mò dưới làn nước ngập sâu với mong muốn được chút nào hay chút đó, còn hơn mất trắng.

Hắn đã cùng bố mẹ vật lộn với nước cả mấy ngày trời mới xong một ruộng lúa, hay vạt bắp, đám khoai. Nước lên cứ lên, người gặt lúa cứ gặt lúa. Đến khi nước ngập đầu, không thể cúi xuống nữa mới thôi.

Lớn lên, vào đại học, bạn bè chung phòng ký túc xá thường kể về quê với bao chuyện thú vị, hắn lại không biết kể gì. Không lẽ kể chuyện mưa bão, kể chuyện chạy lụt? Bão vào, nhà cửa, chuồng trại bị quét sạch. Người dân quê hắn trắng tay. Hết. Đi vào chi tiết càng thảm hại. Không lẽ kể chuyện cơn bão năm hắn lên mười, cả nhà phải chui xuống gầm giường để trốn sau khi gió tốc nóc nhà? 

Hay kể chuyện hắn mò mẫm căng lưới trùm phủ lên nóc chuồng gà, kéo dây cột vào mấy gốc xoan quanh đó. Nhưng chỉ ít phút, gió bão cấp mười hai đã giật tung đi, ném cả chuồng cả gà tả tơi trong gió như những túm lá khô.

Toàn những chuyện mà hắn không muốn kể!

Người miền Trung vớt vát tài sản chạy lũ. Ảnh: Vnexpress

 

Có tiếng gọi cổng. Hắn vùng dậy, khoác vội áo ấm chạy ra. Vài hôm nay, trời tạnh ráo, có dấu hiệu chuyển mùa, khi xuất hiện những cơn gió se sẽ lạnh vào buổi sớm mai.

Đầu hắn vẫn nặng trịch. Những bản tin báo bão, mưa lũ phát tới tấp trên báo, đài, mạng xã hội cứ ập tới như sóng, khiến hắn như người đang bơi, không kịp ngoi lên để thở đã có đợt sóng tiếp theo nhồi tới.

Cánh cổng chưa kịp mở, chị trưởng thôn nói vội trong nhịp thở: Thôn tổ chức vận động mọi người ủng hộ nguyên liệu gói, nấu bánh chưng ủng hộ bà con miền Trung. Em tham gia vào ban tổ chức được không. Hắn như bừng tỉnh, hối hả: Được, được. Sao lại không. Em tới ngay.

Chị trưởng thôn nhìn hắn, phì cười: Cứ bình tĩnh. Gì mà cuống lên vậy. Hắn gãi đầu, cười ngượng nghịu. 

Chuyện của hắn được tôi ghi lại vào đêm qua, khi tôi và hắn thức trắng canh mấy nồi bánh chưng. Hắn rủ rỉ kể cho tôi nghe về quê hắn, về những lần chạy lũ, về những dày vò trong lòng hắn, và cơn mơ hành hạ hắn mấy đêm nay. Trong lòng tôi như có bão ấy ông ạ- hắn nói như mếu.

Tốt nghiệp đại học, hắn lên Tây Nguyên lập nghiệp. Anh trai đón bố mẹ vào Nam. Nhưng căn nhà cũ vẫn còn đó, bố mẹ hắn nhất quyết không bán. Hắn chỉ vào một điểm mơ hồ trên bức ảnh mênh mông nước, loi ngoi mấy nóc nhà, rầu rĩ nói: Ngập đến mái luôn.

Dù bố mẹ không còn ở nhà cũ, nhưng lòng hắn vẫn đau, vẫn như có sóng cuộn, vì nơi đó là quê hương hắn, nơi hắn sinh ra và lớn lên; vì nơi đó còn họ hàng, bạn bè, xóm giềng của hắn.

Hắn biết, và cả tôi cũng biết, người miền Trung đã và sẽ đương đầu với cái gì, sức mạnh của nó khủng khiếp cỡ nào. Sau mưa lũ là chồng chất gian khó, với dịch bệnh, với thiếu đói đợi chờ phía trước, với những bữa ăn đói lòng, manh áo không lành lặn.

Lũ đang rút dần. Nhưng bão trong lòng hắn biết đến bao giờ lắng xuống? Có lẽ chính hắn cũng không biết!

Những bếp lửa nấu bánh vẫn âm ỉ cháy trong đêm. Chưa bao giờ tôi và hắn lại mong bánh mau chín như đêm này.

Hồng Lam

Chuyên mục khác