Bâng khuâng chiều 30 tết

04/02/2019 16:09

Lốc lịch trên tường đã xé đến tờ thứ 35 của năm mới (ngày 4/2/2019), nhưng có lẽ với tất cả người Việt Nam, tôi luôn quan niệm ngày 30 tháng Chạp mới ngày cuối cùng của năm cũ và mùng Một Tết mới chính thức bắt đầu một năm mới. Và, chẳng hiểu sao, với tôi, cái khoảnh khắc chiều cuối năm luôn có điều gì đó rất lạ, vừa bâng khuâng, xốn xang, lại vừa nôn nao nỗi nhớ nhà, nhớ quê của một người con xa xứ.

Mấy ngày giáp tết, bận rộn với bao công việc nào là dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ tết, đến chiều 30 bớt việc, có chút thời gian rảnh, tôi mới lang thang ngắm phố xá đang rộn rã vào xuân.

 Tôi chợt nhận ra, chiều 30 tết, các ngả đường của thành phố Kon Tum không quá tấp nập, hối hả như lúc sáng hay những ngày 27, 28, 29 nữa bởi người dân hầu như đều đã sắm sửa tết nhất xong xuôi. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa, các chợ cũng thưa người buôn bán, chỉ còn một số ít tiểu thương, người dân cố nán thêm để bán nốt mấy món hàng của ngày tết hay mong muốn tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập để tết thêm đủ đầy. Thành phố nhỏ hình như cũng vắng hơn vì nhiều người ở các nơi đến Kon Tum lập nghiệp, sinh sống cũng đã về quê đón tết.

 Nghe đâu đó tiếng nhạc vang lên “Tết, tết, tết, tết đến rồi”... lòng tôi cứ chộn rộn. Ngó sang bên đường, thấy nhà ai đang rộn ràng quét dọn nhà cửa, trang trí cây mai, cây quất, sửa soạn mâm cơm cúng tất niên, những tiếng đùa vui, tiếng cười giòn tan, ánh mắt rạng rỡ, phơi phới đầy ắp nét xuân của những người xa lạ làm tôi vui lây. Tôi cười thầm tự nói một mình: “Ừ, thật đúng là vui như tết”. Bao nhiêu nhọc nhằn, lo toan của mấy trăm ngày trong năm đều được gạt qua một bên; cả những giận hờn, khúc mắc trong cuộc sống thường ngày đến chiều 30 tết người ta cũng bỏ qua cho nhau để lòng nhẹ nhõm, vui tươi đón đợi thời khắc giao thừa, bước sang một năm mới với những hy vọng mới.  

Chiều 30, người dân dường như thong thả, đủng đỉnh hơn

 

Với một người con xa quê như tôi, chiều cuối năm còn đan xen rất nhiều cảm xúc.  Mấy năm rồi, vì nhiều lý do, tôi không về quê ăn tết, đến chiều 30 tết lòng dạ cứ cồn cào, da diết như mắc nợ điều gì đó. Có lẽ vì tết đến, cũng như bao người xa xứ, tôi luôn muốn được trở về nhà thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên; được cùng bố mẹ, anh em ăn bữa cơm đoàn viên; được đón cái tết quê đầm ấm tình làng, nghĩa xóm...

Cơn gió nhẹ thổi qua bỗng làm tôi nhớ da diết cái rét ngọt trong tiết mưa xuân ngoài Bắc, nhớ cả những cái tết nghèo khó thời thơ bé. Người dân quê tôi có cái lệ cứ đến tết là mấy nhà rủ nhau “đụng” (ăn chung) một con heo; từ ngày 27 – 29 tháng Chạp, trong xóm, ngoài làng liên tục eng éc tiếng heo kêu. Những nhà khá giả thì 2 – 3 nhà rủ nhau chung một, nhà khó khăn hơn thì 5 – 7 nhà làm thịt một con, phần thịt ngon thì để làm chả lụa, chả da, phần tai, thủ thì đem gói giò xào, còn xương, chân thì đem nấu đông, phần thịt ba chỉ thì để làm nhân bánh chưng...

Vui nhất chính là việc tất cả các gia đình tập trung nhau làm thịt heo, chia phần rồi quây quần ăn cỗ lòng. Mọi người thường bảo phải làm thịt heo thì mới có không khí tết, mới có dịp để mọi người ngồi lại ăn bữa cơm, chuyện trò với nhau. Có lẽ cũng vì điều này mà đến giờ, dù cuộc sống đã khá giả hơn, thị trường hàng hoá dồi dào muốn mua gì ra chợ cũng có nhưng người dân quê tôi vẫn thích rủ nhau “đụng” heo ăn tết. Lũ trẻ con chúng tôi chưa hiểu chuyện, nhưng rất thích ngày mổ heo bởi không chỉ được ăn ngon mà vui hơn là được tíu tít nô đùa, được thoả thuê tận hưởng cái không khí chộn rộn, hồ hởi rất riêng của ngày giáp tết.

Buổi tối, góc sân nhà ai cũng đỏ lửa với nồi bánh chưng lục bục sôi. Nhà tôi năm nào cũng gói hơn 20 chiếc bánh chưng. Mẹ bảo gói nhiều một chút để dành ra Giêng ăn. Mấy chị em tôi xúm xít bên nồi bánh chưng, lùi mấy củ khoai lang dưới than hồng, vừa xuýt xoa sưởi ấm vừa nghe mẹ kể chuyện tết, sau đó thì lăn ra ngủ lúc nào không hay. Sáng ra, mắt nhắm mắt mở mà đứa nào cũng nhao nhao hỏi mẹ chiếc bánh nhỏ tí teo bố gói cho mỗi đứa một cái để riêng ăn trước.

Tôi nhớ, cả những phiên chợ quê ngày giáp tết. Chợ quê, ngày thường vốn lèo tèo chỉ ít hàng thịt, cá, đồ khô và bánh trái; vậy mà đến tết thì hàng hoá dồi dào vô cùng, nào là quần áo, đồ gia dụng, bánh mứt, trái cây... Bình thường, chợ chỉ họp đến khoảng 9 – 10h sáng, nhưng ngày tết chợ họp đến tận chiều tối. Tôi lẽo đẽo theo mẹ đi chợ chỉ để được chọn bộ quần áo, đôi dép mình thích, được mua mấy quả bóng bay xanh đỏ và cả được ăn mấy cái bánh rán, bánh ú cả năm ao ước...

Giờ nghĩ lại, tôi thấy thật buồn cười, song cũng thật hạnh phúc. Những miền nhớ ấy không chỉ là chút kỷ niệm thời trẻ trâu mà với tôi, hơn hết đó là quê hương, là gia đình, là nơi tôi luôn muốn được trở về...   

Chiều cuối năm, cái khoảng thời gian lạ lùng ấy cứ như trôi thật chậm, phảng phất chút gì buồn buồn, luyến tiếc. Có lẽ, bởi đất trời còn lưu luyến năm cũ hay lòng người tiếc nuối vì còn những mong muốn, dự định chưa hoàn thành, đành để sang năm mới. Trong cái nắng vàng rực thành phố Kon Tum thật lỗng lẫy; con người cũng thật thân thiện, dễ thương, trên đường về nhà tôi đã nghe đâu đó người ta gửi tới nhau những lời chúc an lành, hạnh phúc, phát lộc, phát tài sớm...

Bài, ảnh: Thuỳ Hương

Chuyên mục khác