Bạch hầu - Bệnh cũ, nỗi lo mới!

13/07/2020 06:00

Bạch hầu không phải bệnh mới, cũng không phải năm nay mới xảy ra mà từ nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh ta vẫn có trường hợp mắc bệnh. Có điều khác là năm nay, dịch bệnh bạch hầu bùng phát mạnh hơn, với mức độ nguy hiểm hơn.

Dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lắng, cuộc sống vừa thiết lập “trạng thái bình thường mới” thì người dân lại phải hoang mang, lo lắng trước tình hình bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu bùng phát và diễn biến phức tạp ở một số tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh ta.

Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu suốt mấy tháng qua và vẫn đang diễn biến phức tạp. Ở nước ta, suốt mấy tháng tích cực phòng chống dịch, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ ý, bác sĩ nên đến nay, cả nước không có ca nào bị tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, bệnh bạch hầu mới xuất hiện từ tháng 6 ở khu vực Tây Nguyên nhưng đã có 3 ca tử vong và số ca mắc bạch hầu liên tục tăng.

Riêng ở tỉnh ta, tính đến ngày 10/7 đã ghi nhận 26 ca dương tính với bệnh bạch hầu. May mắn là trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, hiện tại đã có 8 ổ dịch ở 4/10 huyện, thành phố.

Dịch bệnh bạch hầu trở thành vấn đề nóng được người dân quan tâm, là tâm điểm trong dòng thông tin thời sự những ngày vừa qua. Đi đến đâu, người ta cũng hỏi nhau về diễn biến tình hình dịch bệnh, về số ca mắc, số người tử vong. Hoang mang, lo lắng, nơm nớp sợ bị lây bệnh là tâm trạng chung của nhiều người. Và không ít người lại kè kè chiếc khẩu trang để phòng bệnh – điều mà chúng ta thấy khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Bạch hầu là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc xin đúng, đủ liều. Ảnh: chinhphu.vn

 

Trước sự bùng phát của bệnh bạch hầu, ngành Y tế, các địa phương có ổ dịch lại căng mình dập dịch. Những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, khống chế sự lây lan của dịch bệnh lại được ngành chức năng triển khai. Tất cả các bệnh nhân và những người được xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu lập tức được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế. Hàng ngàn người nghi ngờ, tiếp xúc gần hoặc ở trong vùng có dịch được khám, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm kháng sinh điều trị dự phòng. Công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch cũng được triển khai một cách quyết liệt. Nhiều thôn, làng được khoanh vùng, cách ly để truy vết nguồn bệnh. Chính quyền và ngành chức năng các địa phương nhanh chóng thành lập những chốt chặn để kiểm soát chặt chẽ việc ra vào của người dân vùng có dịch.

Đáng nói là, bạch hầu không phải bệnh mới, cũng không phải năm nay mới xảy ra mà từ nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh ta vẫn có trường hợp mắc bệnh. Có điều khác là năm nay, dịch bệnh bạch hầu bùng phát mạnh hơn, với mức độ nguy hiểm hơn.

Khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, người dân mới sốt sắng đi tiêm phòng, ngành Y tế mới nhìn nhận lại công tác tiêm chủng và triển khai các hoạt động điều trị dự phòng, tiêm vắc xin bổ sung…Đây là biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Tuy nhiên, xem xét một cách kỹ lưỡng, toàn diện mới thấy, bạch hầu là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc xin đúng, đủ liều và cũng đã được chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai từ nhiều năm nay. Chỉ cần làm tốt công tác tiêm chủng thì bệnh này không còn là mối đe dọa với cộng đồng.

 Thống kê cho thấy, đa số ca mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh là trẻ em trên 7 tuổi và chưa được tiêm phòng đầy đủ và xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Đó là nguyên nhân và cũng là đáp án rất cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu đã được ngành Y tế chỉ ra. Nhìn nhận một cách khách quan, dịch bệnh bạch hầu xảy ra ở cộng đồng chủ yếu là do nhận thức, ý thức của người dân còn hạn chế, thiếu sự hợp tác trong quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ em. Bên cạnh đó, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân thiếu chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe dự phòng cho con em.

Bệnh bạch hầu bùng phát cho thấy hệ thống y tế dự phòng ở các địa phương đã bộc lộ rõ khoảng trống, lỗ hổng trong phòng dịch. Y tế dự phòng ở cơ sở nhiều nơi hoạt động còn yếu kém, không bao phủ được địa bàn nên không kiểm soát được dịch tễ của khu vực, vùng mình phụ trách. Công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đến với người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa chưa đầy đủ, thường xuyên nên chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức phòng phòng bệnh của người dân.

Để lấp lỗ hổng về y tế dự phòng, Bộ Y tế đã triển khai Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh ta, với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên nhằm ngăn chặn bệnh bạch hầu. Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng). Dự kiến, sẽ có khoảng 4,7 triệu trẻ em được tiêm vắc xin với khoảng 120.446 liều vắc xin 5 trong 1; 279.608 liều vắc xin DPT và 10.111.461 liều vắc xin Td trong chiến dịch này.

Đây là biện pháp để phòng dịch trước mắt, còn về lâu dài là phải nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Khi đó mới không còn dịch xảy ra, mới không còn cảnh phòng, chống dịch kiểu “nước đến chân mới nhảy” như hiện nay.

Thiên Hương

Chuyên mục khác