Anh tôi…

26/07/2020 06:05

Ngày anh tôi đi bộ đội, tôi mới khoảng 3 tuổi nên hầu hết câu chuyện về anh, tôi đều biết qua lời kể của mẹ. Mẹ kể, khi mới 16 tuổi, anh tôi đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Khi đi khám tuyển, do bị thiếu cân nên anh đã bỏ 2 viên bi sắt vào túi quần.

Đầu tháng Bảy, khi những cơn mưa dông của mùa mưa Tây Nguyên vừa ngớt, tôi nhận được điện thoại thông báo của đứa cháu công tác tại Báo Tiền Phong: Cô ơi! Cháu đã tìm được thông tin về mộ của bác Kỳ rồi đó! Nhưng chỉ có họ và tên, mà không có thông tin về quê quán, cấp bậc, ngày tháng năm sinh, đơn vị, ngày hy sinh. Đây là hy vọng cuối cùng vì cháu đã tìm hết các nghĩa trang ở Bình Định rồi.

Nghe cháu nói xong, tôi run run bấm máy gọi điện thông báo tới tất cả thành viên trong gia đình. Không biết có chính xác hay không, nhưng dẫu sao dịp 27/7 năm nay, gia đình chúng tôi cũng có thêm một tia hy vọng.

Ngày anh tôi đi bộ đội,  tôi mới khoảng 3 tuổi nên hầu hết câu chuyện về anh, tôi đều biết qua lời kể của mẹ. Mẹ kể rằng, do chiến tranh, bố lại đi bộ đội xa nhà, mình mẹ tôi ở nhà nuôi mẹ già và 4 người con. Cuộc sống vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ ăn củ khoai, củ sắn, thậm chí cả củ chuối vàng, miễn là no bụng, quần áo lại rách và không đủ ấm, học hành thì chưa tới đâu. Mới 16 tuổi, anh tôi đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Khi đi khám tuyển, do bị thiếu cân nên anh đã bỏ 2 viên bi sắt vào túi quần.

Tháng Bảy là dịp tri ân những người con đất Việt đã anh dũng ngã xuống, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Ảnh minh họa

 

Trong suốt những năm tháng tại ngũ, anh không về thăm gia đình một lần. Chỉ sau đợt huấn luyện 3 tháng, trên đường hành quân vào Nam, anh được mẹ tôi đón ở giữa đường và đưa cho nắm cơm với muối vừng. Nhận lấy nắm cơm, chia tay mẹ để trở lại hàng ngũ, anh tôi nhắn nhủ: “Giải phóng con sẽ về mẹ nhé”. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ tôi gặp con trai mình. Anh hy sinh năm 1974 tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (lúc bấy giờ), nay thuộc tỉnh Bình Định.

Suốt nhiều năm qua, gia đình đã bỏ nhiều công sức đi tìm hài cốt của anh nhưng không có kết quả. Mẹ kể, thời gian đầu năm 1992, theo thông tin có được từ đồng đội cùng đơn vị với anh, người anh giáp tôi và cậu em út đã đi xe máy từ Kon Tum xuống Hoài Nhơn, nghỉ tại nghĩa trang Hoài Nhơn một tuần và tới một số nghĩa trang ở gần đó tìm kiếm hài cốt anh, nhưng rồi cũng ra về trong vô vọng.

Giờ đây, thông tin ít ỏi mà cháu trai vừa thông báo cũng đã thắp lên cho gia đình tôi một tia hi vọng mới. Và dù kết quả xét nghiệm ADN có như thế nào thì chúng tôi vẫn tin một điều rằng, anh tôi sẽ cảm nhận được sự nỗ lực của gia đình tôi hôm nay.

Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng nỗi đau vẫn còn dai dẳng trong tâm trí cũng như thể xác nhiều thế hệ người Việt Nam. Tôi tin chắc rằng, trên đất nước này còn rất nhiều gia đình vẫn đang đau đáu hành trình đi tìm những người cha, người anh đã hy sinh nhưng vẫn chưa được trở về với quê hương. Ngày 27/7 đang đến gần, đây là dịp để tất cả chúng ta phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người con đất Việt đã anh dũng ngã xuống, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Lê Nga

Chuyên mục khác