18/10/2022 13:04
Y Ró là người như thế nào mà được dân làng quý và trọng đến thế? Suốt chuyến đi hắn cứ chập chờn với suy nghĩ ấy. Càng nghĩ, hắn càng tò mò, càng sốt ruột, mong sớm đến làng của Y Ró.
Mà đường thì cứ xa thăm thẳm, nhiều khi phải xuống đi bộ vì sình lầy. Dấu tích của đợt mưa lũ mới đây vẫn còn hằn lên suốt chặng đường, với những vết sạt đỏ bầm ngang sườn núi, những đoạn ta luy âm sụt xuống vực sâu thăm thẳm, những bờ suối chất đầy củi, rác.
Ngay cả khi xe dừng lại trước nhà rông của làng, hắn vẫn nhìn thấy sự cuồng nộ của thiên nhiên. Mấy ngôi nhà ở dưới thấp bị nước lũ giật sập. Bùn đất lênh láng khắp nơi.
Hắn ngẩn người nhìn chị phụ nữ đang bươn bả dựng những cây cà phê đổ rạp te tướp, nước mắt chảy dài trên gương mặt mệt mỏi. “Trước lũ, đây là vườn cà phê đẹp”- có tiếng nói phía sau. Hắn giật mình quay lại. Một cô gái đang cười, nhìn hắn bằng đôi mắt sâu hun hút.
Y Ró, chắc chắn là cô ấy. Trực giác mách bảo hắn như vậy. Và hắn đã đúng, cô gái tự giới thiệu: Em là Y Ró. Nghe anh Chủ tịch xã nói có anh về.
Ấn tượng đầu tiên của hắn về Y Ró là dáng người mảnh mai, nước da ngăm ngăm đen và nụ cười tươi. Đặc biệt là đôi mắt có ánh nhìn thăm thẳm dưới vành mũ vải rộng.
|
Khác xa với hình dung của hắn về một nữ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn có tiếng là xốc vác, giỏi giang, có uy tín bậc nhất ở cái xã vùng sâu này. Đó phải là một người phụ nữ cao lớn, mạnh mẽ, quyết liệt- hắn từng nghĩ.
Thật khó để nhập chung 2 hình ảnh này vào một người. Nhưng rõ là như vậy. Trong mảnh mai có mạnh mẽ, trong dịu dàng có quyết liệt.
Hắn ái ngại về nỗi quần áo trên người Y Ró bê bết bùn đất. Cô cười cười: Em đang cùng dân làng thu dọn nhà cửa, vườn tược. Cách đây mấy hôm, lũ về trong đêm, con suối qua làng trở nên hung dữ, nước cuốn phăng cây cối, vườn tược, ập vào những ngôi nhà ven suối.
May mà chính quyền chủ động từ trước, kiên quyết vận động người dân di dời đến nơi an toàn nên không có thiệt hại về người. Thật không hình dung nổi hậu quả sẽ ra sao nếu chủ quan hoặc chậm chạp.
Y Ró như ánh sao đầu núi ấy, giỏi lắm đấy. Nó làm việc đúng, nó nói lời hay, nên lũ con trai, con gái nghe lời nó, đứa nào cũng biết làm ăn, khá lên rồi- người già nói về Y Ró như vậy.
Còn Y Ró thì thấy đó là chuyện nên làm, và phải làm!
Sinh ra và lớn lên ở làng, Y Ró yêu lắm ngôi làng nhỏ bé nằm dưới chân núi; có dòng suối nhỏ với những con sóng lao xao chảy qua, len lỏi dưới những vạt đồi đầy cỏ đuôi chồn.
Cô yêu những lối đi ngoằn ngoèo từ làng tỏa ra núi, hai bên đầy hoa dại; yêu những ngôi nhà sàn nhỏ, những hàng rào bên đường sặc sỡ với váy áo, chăn màn hong nắng, những khoảnh sân đất líu ríu đàn gà kiếm ăn.
Và càng yêu hơn bầy trẻ con mặt mũi lem luốc mà cười trong veo, những mẹ, những chị dịu dàng, ấm áp. Trong sâu thẳm tâm hồn, Y Ró luôn thấy mình mắc nợ với làng. Vì vậy, sau khi học xong trung cấp lâm nghiệp, Y Ró quyết định trở về.
Mới đó mà đã gần 10 năm!
Từ bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng phụ nữ đến trưởng thôn, rồi bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, cô luôn dành hết tâm trí cho việc tìm hướng đi giúp dân làng thoát nghèo, giúp làng phát triển.
Khi làm bí thư chi đoàn, Y Ró đi đầu trong việc vay vốn đầu tư trồng cà phê xứ lạnh; áp dụng chăn nuôi có chuồng trại; ngăn suối nuôi cá. Cô cũng là người đầu tiên trong làng tổ chức đám cưới một ngày, dù bị gia đình hai bên phản đối, để làm gương cho đoàn viên.
Làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, Y Ró cũng có nhiều sáng giúp chị em hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó nổi bật là sáng kiến thành lập quỹ tiết kiệm ở làng.
Trước thực tế chị em phụ nữ chưa có thói quen chi tiêu tiết kiệm, cô đã vận động, hướng dẫn hội viên thành lập quỹ tiết kiệm. Chỉ với 20.000 đồng một lần đóng góp, mỗi năm quỹ tiết kiệm của chi hội phụ nữ làng có hàng chục triệu đồng luân phiên cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn mua cây con giống phát triển kinh tế.
Quan trọng hơn, từ mô hình này, chị em phụ nữ ở làng đã ý thức được rằng: Kiếm ra đồng tiền không phải là dễ, phải biết cách tiết kiệm chi tiêu làm sao cho hợp lý.
Sau này, khi được hỏi về “bí quyết” vận động chị em tham gia quỹ, Y Ró cười cười: Nếu mình chỉ biết nói hay mà làm không giỏi thì chị em không nghe; nếu mình chỉ biết làm giỏi cho mình hưởng, để chị em khổ, chị em nghèo thì chị em không phục. Vì vậy, mình vừa phải vận động bằng lời nói, vừa phải thuyết phục bằng việc làm mới có hiệu quả.
Mấy năm nay, làm trưởng thôn, rồi bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, Y Ró tiếp tục để lại dấu ấn sâu đậm trong hành trình xây dựng nông thôn mới, thay đổi nếp nghĩ cách làm của bà con.
Đến nay, hầu hết hủ tục được xóa bỏ. Con đường đất rách tướp, nhỏ như sợi chỉ, lồi lõm những hố, những rãnh đã được trải bê tông phẳng phiu; 2 bên đường nhà dân san sát, hầu hết đều xây gạch, lợp tôn kiên cố; vườn tược được rào dậu để trồng rau.
Cấp trên đã quy hoạch Y Ró lên vị trí cao hơn, để cô có thể đóng góp nhiều hơn, nhưng vì yêu quý cô, dân làng cử đại diện gặp cấp trên “xin” cho Y Ró “được ở lại” thêm thời gian nữa, đến khi thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu ở vùng đồng bào DTTS rồi hãy rút đi.
Nghe chuyện về Y Ró, hắn chợt nghĩ, nếu những ngôi làng nằm heo hút giữa núi rừng này mà không có những người như cô thì hẳn rằng sẽ thiếu đi sức hút. Ấn tượng, đôi khi không phải là những gì lớn lao, rực rỡ, mà là những con người giản dị nhưng làm việc có ích.
Và trên đường về, hắn cứ ngâm nga mãi câu hát: Ơi! Em gái cao nguyên đội nắng trên vai đôi. Mắt sáng sáng hơn sao trời, dù bao gian khó gian khổ lắm miệng vẫn tươi cười” (Về nghe gió kể).
THÀNH HƯNG