An toàn là bạn

25/05/2020 06:01

Khắp nơi, các công trình đều có những khẩu hiệu, băng rôn liên quan đến an toàn lao động. Băng rôn, khẩu hiệu được tô vẽ, in ấn thật đẹp. Thế nhưng, trên các công trình, làm thế nào để “an toàn là bạn” lại là câu chuyện dài, cần sự chung sức của cả người quản lý lao động và người lao động.

Vụ sập tường ở Đồng Nai chiều 14/5 làm 10 người chết, 14 người bị thương khiến ai đọc tin đều không khỏi đau lòng. Nguyên nhân vụ việc phải chờ kết quả điều tra từ cơ quan chức năng, thế nhưng, từ vụ việc cũng có thể thấy một thực tế rằng, vấn đề an toàn lao động chưa thực sự được quan tâm.

Rõ ràng đây không chỉ là một vụ tai nạn lao động thương tâm mà còn là một tiếng chuông báo động về tình hình an toàn lao động.

Khắp nơi, các công trình đều có những khẩu hiệu, băng rôn liên quan đến an toàn lao động: “An toàn là bạn - tai nạn là thù”, “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “An toàn là trên hết”… Băng rôn, khẩu hiệu được tô vẽ, in ấn thật đẹp. Thế nhưng, trên các công trình, làm thế nào để “an toàn là bạn” lại là câu chuyện dài, cần sự chung sức của cả người quản lý lao động và người lao động.

Theo thống kê, mỗi năm, cả nước có gần 9.000 vụ tai nạn lao động, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Riêng tỉnh ta, năm 2019 xảy ra 4 vụ tai nạn lao động khiến 3 người tử vong và 5 người bị thương nặng, tăng 1 vụ so với năm 2018.

Người lao động làm việc trên cao nhưng không sử dụng đồ bảo hộ. Ảnh: HT

 

Tai nạn lao động trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức của người lao động. Thế nhưng, nguy cơ mất an toàn lao động vẫn luôn hiện hữu. Không khó để nhận thấy, tại các công trình, nhất là công trình xây dựng nhỏ lẻ, việc lơ là trong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động đang rất đáng lo ngại. Không mũ bảo hộ, không găng tay, những người lao động đầu trần, treo mình lơ lửng trên các tòa nhà ngổn ngang đất đá, xi măng; có người lao động lại phải làm việc ở sâu trong lòng đất…, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Nhiều lần tham gia kiểm tra công tác an toàn lao động cùng ngành chức năng, không khó để tôi nhận thấy rằng, tai nạn lao động xảy ra, nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình nghiêm ngặt trong quá trình thực hiện, thi công công trình. Một số doanh nghiệp, đơn vị chủ quan, coi thường việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, người lao động; không tập trung vào công tác tập huấn, hướng dẫn cho công nhân, người lao động trước khi tiếp cận công việc, thực hiện nhiệm vụ.

Hơn thế, ở một số đơn vị, công tác đảm bảo an toàn lao động vẫn mang tính đối phó với cơ quan chức năng. Nhất là, đối với người lao động tự do, lao động phổ thông làm việc thời vụ, yếu tố an toàn lao động gần như bị bỏ qua. Bên cạnh đó, nhiều vụ tai nạn làm nhiều người chết nhưng vẫn chưa được xử lý nghiêm minh, khiến việc bảo đảm an toàn lao động nhiều nơi bị xem nhẹ.

Về phía người lao động, tâm lý chủ quan, không chú ý vấn đề bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn khi làm việc cũng rất đáng báo động. Nhiều trường hợp, dù được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, người lao động vẫn “quên” thực hiện theo quy định để bảo vệ cho chính tính mạng của mình.

Con người là vốn quý nhất, là “tài sản” của doanh nghiệp, chính vì vậy, việc chấp hành các chính sách pháp luật về an toàn lao động cần được chú trọng. Ở tỉnh ta, việc quan tâm, chăm lo cho người lao động cũng được quan tâm. Riêng năm 2019, toàn tỉnh có 1.815 đơn vị tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho khoảng 36.000 lao động với kinh phí hơn 8 tỉ đồng. Ngoài ra, 50 doanh nghiệp cũng tham gia tập huấn triển khai xây dựng hệ thống quản lý về an toàn - vệ sinh lao động. Cùng với đó, 45 cơ sở, doanh nghiệp cũng xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác an toàn - vệ sinh lao động tại cơ sở, đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo hộ hàng năm.

Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2020 có chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Với chủ đề trên, các cấp, các ngành chức năng tập trung phối hợp, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; quán triệt cho các đoàn viên công đoàn, người lao động về trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công tác về an toàn vệ sinh lao động, trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra thiệt hại do không tuân thủ nội quy, quy tắc trong sản xuất, mất an toàn lao động…

Nguy cơ mất an toàn lao động vẫn luôn hiện hữu, chính vì vậy, ngoài việc phát huy những việc làm trên, thiết nghĩ các đơn vị sử dụng lao động cần có trách nhiệm trước việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Các đơn vị là chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn lao động và đề ra các biện pháp đảm bảo an toàn lao động hợp lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm những đơn vị không chấp hành theo quy định, tránh để “lọt lưới” những sai phạm an toàn lao động, gây ra những vụ tai nạn thương tâm, không đáng có.

Thực hiện Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2020, mong rằng các cấp, các ngành cùng chung tay, nỗ lực có những hoạt động thiết thực nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người lao động, để “An toàn là bạn - tai nạn là thù” không chỉ là khẩu hiệu.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác