Ân tình Kon Tum

02/08/2021 06:09

Nghe cán bộ phổ biến chủ trương kêu gọi bà con trong thôn, trong xã có rau, củ, quả... ủng hộ cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn vì Covid -19, anh liền bàn với chị, sáng sớm mai, vợ chồng mình tranh thủ vào rừng hái măng. Kon Tum đang mùa măng, chịu khó một chút, hái được chút nào đem gửi bà con trong Nam đang gặp khó.

Nghe anh nói vậy, chị liền gật gù. Buồng chuối ở rẫy nhà mình già rồi đó, nhiều nải lắm. Ngày mai, sau khi hái măng, tạt qua rẫy chặt đi nhé. Mình gửi tặng bà con luôn. Mà anh nhớ chặt sao cho khéo, đừng để bị dập đen hư mất quả, chặt xong lấy lá chuối xanh cuốn quanh, chặng đường vận chuyển xa khỏi bị hư hỏng...

Bên bếp lửa đỏ ngay đầu hồi nhà, tiếng rầm rì chuyện trò của anh chị cứ kéo dài mãi đến khi sương rừng rải dày xuống mái nhà khiến không gian trở nên se lạnh. Còn những tàn lửa vẫn cứ tí tách lóe sáng soi lên gương mặt anh chị, chất phác, nghĩa tình và cùng chung một niềm giao cảm từ trong tâm tưởng.

Câu chuyện miên man, anh chị nhớ lại hơn chục năm về trước. Cơn bão số 9/2009 khiến bao nhiêu công sức của anh chị, của bà con dân làng qua bao nhiêu thời gian chắt chiu, gây dựng, chỉ trong phút chốc bị vùi lấp, cuốn trôi. Trong khó khăn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu kế sinh nhai, anh chị và bà con dân làng đã được các tổ chức, cá nhân trong cả nước tìm đến sẻ chia, hỗ trợ. Anh chị cứ nhớ mãi ngày đoàn từ thiện từ Thành phố Hồ Chí Minh về thôn, về xã. Cả đời ở phố xá, cuộc sống tiện nghi, đường sá bằng phẳng, vậy mà khi nghe tin bà con nơi đây gặp khó, chỉ cần nghe tin tuyến đường về xã thông là họ không nề hà gian khó, hiểm nguy, vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, sạt lở, lội bộ về từng thôn, mang đủ các thứ lương thực, thực phẩm, thuốc men, còn hỗ trợ tiền để cùng với các nguồn hỗ trợ khác giúp cho anh chị và bà con dân làng dựng lại nhà… Cũng nhờ sự giúp đỡ đó, anh chị, dân làng vượt qua khó khăn, cuộc sống dần ổn định. Cái tình, cái nghĩa đó, anh chị, dân làng khắc ghi. Nay dịch bệnh Covid -19 bùng phát, xem ti vi thấy bà con trong Nam gặp khó, các loại thực phẩm tăng giá, nhiều người lao động không có việc làm, thấy mà thương. Mình ở đây khó thì cũng khó thật nhưng nhờ lộc núi rừng mà cuộc sống cũng tạm ổn, dịch bệnh cũng chưa đến nỗi phức tạp. Chịu khó dành một ngày, vào rừng kiếm ít măng, chặt buồng chuối, hái ít bí, ít bắp…, góp gió thành bão, gởi cho bà con.

Đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông thu hái nông sản ủng hộ người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: N.P

 

Nghĩ là làm. Sáng hôm sau, trời còn mờ sương, nhưng tranh thủ tạnh mưa, anh chị cũng gùi, cũng dao, cũng cuốc như ngày thường lên rẫy. Núi đồi bình yên đến lạ. Cây rừng như ngút ngát xanh hơn và những đồng cỏ trải dài ra vô tận. Còn trên những triền núi ướt đẫm bởi những cơn mưa kéo dài, từ các thân cây le già lại nhú lên những chồi măng đầy sức sống. Những bụi măng le cùng với trùng trùng cây cối khác đã chặn gió, cản mưa, bao bọc, nuôi dưỡng bao thế hệ người dân nơi đây quanh năm cần cù, hồn hậu. Măng le dễ kiếm, lành tính, giàu chất xơ, chế biến được nhiều món khác nhau. Gửi về bà con miền Nam, chắc bà con thích lắm. Nên anh chị nhủ nhau, mình chịu khó chút, cũng kiếm được vài cân măng.

Cả buổi sáng, cả anh lẫn chị len lỏi trên cánh  rừng gần nhà, cần mẫn đào hái măng. Gần về trưa cũng được một gùi đầy. Anh chị ghé rẫy chặt buồng chuối to lúc lỉu trái. Anh vác buồng chuối, chị gùi gùi măng. Nặng có nặng đấy, nhưng niềm vui được góp sức chống dịch, dẫu nhỏ, khiến anh chị bước đi trong hăm hở.

Bên đầu hồi nhà, lũ trẻ con chạy ra đón cha mẹ, cười như nắc nẻ. Tiếng cười của chúng trong suốt dội vào vách núi, vào gió trưa. Mắt anh chị lóng lánh, hòa cùng tiếng cười của bọn trẻ theo ngọn gió...

Tranh thủ uống ly nước, nhắc các con cơm nước buổi trưa, anh chị lại gùi, vác chút lộc rừng đến nhà rông. Lúc này, trước sân nhà rông, từng buồng chuối được dựng ngay ngắn bên chân bậc thang. Măng được xếp một góc, lớp áo ngoài vẫn còn để nguyên. Bí đỏ, bí xanh, đu đủ… được trải trên tấm ni lông, phân thành từng loại. Gương mặt ai nấy đều rạng rỡ. Vợ chồng nhà gần bên anh chị tuổi cũng lớn rồi, vậy mà từ sáng sớm đã tranh thủ vào bìa rừng đào được gùi măng đầy.  Nhà phía trước anh chị mang đến hai buồng chuối, cùng mấy quả bí đỏ, bí xanh… đang lúi húi xếp gọn vào từng góc.

Nào riêng anh chị, bà con trong làng ai nấy đều nghĩ, những năm tháng chiến tranh ác liệt, thiếu thốn đủ bề, vậy mà cha ông mình luôn một lòng vì việc nước, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo nuôi giấu cán bộ, cùng một tâm nguyện “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Nay hòa bình rồi, cuộc sống ngày càng ấm no, lớp người đi trước nhắc nhủ lớp đi sau phải cùng nhau giữ gìn vẹn nguyên nét đẹp của cha ông mình tự thuở nào. Vẫn thẳng như cây rừng, giản dị, chất phác, thủy chung như đá núi, chân tình và nồng ấm như bếp than đỏ đầu hồi nhà vẫn ngày ngày âm ỉ cháy. Nên bà con dân làng nề hà chi, chịu khó chút, kiếm ít măng rừng, buồng chuối, quả bí…., gọi là của ít lòng nhiều, gửi về miền Nam yêu thương đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Giữa bộn bề mưu sinh, những góc yêu thương, chia ngọt sẻ bùi ấy là hương núi, hương rừng của đất và người Kon Tum. Hương núi, hương rừng ấy chất chứa trong vị ngọt giòn của những búp măng le mới nhú, trong vị ngọt thanh của trái bí đỏ, bí xanh, trong hương thơm của trái bắp, của buồng chuối chín... Và những ngày này, trên những chuyến xe nối đuôi nhau tiến về phía Nam, những buồng chuối, những quả bí, bao măng... trở thành món quà trân quý, dẫu nhỏ thôi, nhưng chứa chan biết bao ân tình Kon Tum.

NGUYÊN PHÚC

Chuyên mục khác