​Phụ nữ khởi nghiệp, tại sao không?

22/10/2017 18:00

Khi nói đến khởi nghiệp, nhiều người thường nghĩ đến nam giới - phái mạnh mà dường như bỏ quên hoặc cố tình bỏ quên những người phụ nữ - vốn được xem phái yếu.

 Tại sao lại như vậy?

Cha ông ta từ xưa có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” với  hàm ý người mẹ là người giữ lửa, sưởi ấm yêu thương của gia đình, là chỗ dựa cho con cái.

Chính vì vậy, từ bao đời nay, phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ luôn được mặc định chỉ làm được những việc nhỏ. Còn những việc lớn như kinh doanh, tính toán chuyện làm ăn… thì chỉ có cánh đàn ông mới làm được.

Thành nếp nghĩ, thành lối mòn, chị em vì thế chỉ quẩn quanh với bếp núc, chăm lo cho gia đình và mặc nhiên chấp nhận đứng sau người đàn ông.

Không ít chị lo ngại rằng, mình bôn ba lo khởi nghiệp, làm ăn, nếu chồng cũng vậy thì con cái để ai chăm; hoặc nếu chồng chấp nhận lui về hậu phương chăm lo cho con cái, gia đình cũng thấy chẳng yên lòng? Khởi nghiệp, kinh doanh cũng lắm cạm bẫy, liệu chồng con có cảm thông? Chẳng phải thương trường là chiến trường, liệu mọi chuyện có suôn sẻ, bình yên không? Bắt tay vào khởi nghiệp thì làm sao để tiếp cận những nguồn lực, mở rộng quan hệ, cho tới cân bằng giữa công việc và thiên chức làm vợ, làm mẹ? Rồi, nếu chỉ tài giỏi, chăm chỉ và đam mê liệu đã là công thức hoàn chỉnh để cho phụ nữ khởi nghiệp thành công chưa hay phải cần hàng loạt những yếu tố khác? …

Đúng là khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Với phụ nữ, khởi nghiệp vì thế lại càng nhiều khó khăn, thách thức. Chính những băn khoăn đó càng khiến cho những người phụ nữ - dù có đam mê, dù rất muốn bắt tay vào khởi nghiệp - dễ nản lòng, thiếu đi động lực, môi trường để khuyến khích ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng. Và hệ quả của nỗi lo sợ ấy khiến rất nhiều người lần khần, dùng dằng, rối trí trong việc lựa chọn điểm khởi đầu.

Thậm chí, ngay cả những phụ nữ sản xuất quy mô hộ gia đình – chiếm đa số trên địa bàn tỉnh hiện nay – vẫn chấp nhận sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, truyền thống mà ít có ý tưởng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Cũng vì không thể đi xa hơn căn bếp chật hẹp, phụ nữ cũng thiếu đi các cơ hội để được đào tạo hay giao lưu, học hỏi. Vòng luẩn quẩn ấy cứ thế mà níu kéo ý tưởng và cơ hội khởi nghiệp cũng như mở rộng quy mô sản xuất hộ gia đình của người phụ nữ.

Có chị đã gần 50 tuổi, sau quá trình bôn ba buôn bán mới bắt tay vào khởi nghiệp. Chị kể rằng, để thực hiện được ước mơ của mình – mở một cơ sở du lịch nghỉ dưỡng – cũng là quá trình đấu tranh tư tưởng từ phía bản thân chị. Khi tư tưởng đã thông, chị trình bày ý tưởng, chia sẻ, bàn bạc với chồng, con và người thân trong gia đình thì không nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Những người thân của chị cho rằng thà “nhịn đói nằm co còn hơn ăn no vác nặng”, bình yên không muốn lại đi lao vào chốn sóng gió. Hàng loạt băn khoăn, lo lắng được viện dẫn: liệu có thu hồi được vốn, liệu mọi chuyện có được hanh thông, liệu lượng khách đến có đảm bảo… khiến chị chùn bước.

Nhưng rồi, với khát khao muốn khẳng định mình, muốn được góp sức nhiều hơn với các hoạt động xã hội, chị và chồng con phải trải qua một quá trình bàn bạc, thảo luận để chứng minh hướng đi mình là đúng. Vạn sự khởi đầu nan, đúng phụ nữ kinh doanh, bươn chải khó khăn thật. Nhưng chị nghĩ rằng, phải tự tin vào chính mình, tự mình phải vượt qua được rào cản thì mới có thể nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của gia đình và mọi chuyện mới có thể thuận buồm xuôi gió.

Khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm không phải là chuyện của riêng địa phương nào hiện nay. Trong khi đó, phụ nữ - một nửa của thế giới - là tiềm lực khởi nghiệp, phát triển kinh tế rất lớn. Phụ nữ hiện nay không chỉ giỏi chăm chồng, dạy dỗ con cái, chăm chút việc gia đình mà còn tham gia có hiệu quả công tác xã hội. Sự chỉn chu, cẩn thận, mềm dẻo, linh hoạt… là những lợi thế mà nam giới không có được giúp phụ nữ khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% trở lên trong tổng số hơn 1 triệu doanh nghiệp của cả nước, tỷ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”…

Sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ kịp thời đó của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhiều người cho rằng chính là cơ hội vàng chắp cánh cho những đam mê, ước mơ khởi nghiệp, phát triển kinh tế của người phụ nữ được bay cao, bay xa!

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác