Xử lý vi phạm an toàn giao thông: Cần liên tục, thường xuyên

29/07/2019 06:10

Những ngày vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông cả nước đồng loạt ra quân, mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, kiểm soát đối với xe ô tô chở khách, xe tải, xe container và xe máy.

Kế hoạch được thực hiện từ ngày 15/7/2019 đến hết ngày 14/8/2019. Theo đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: nồng độ cồn, ma túy, quá tốc độ, vi phạm phần đường, làn đường, tránh vượt, dừng đỗ, chở quá số người và không đội mũ bảo hiểm... trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường trọng điểm.

Dễ nhận thấy, lý do chính để Bộ Công an mở đợt cao điểm này là tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn có diễn biến phức tạp. Dù trong thời gian gần đây, tai nạn giao thông trên cả nước giảm sâu ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương), nhưng hàng chục vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên phạm vi toàn quốc; làm chết, bị thương nhiều người, gây bức xúc dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên…

Trong tuần lễ đầu tiên ra quân, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra 1.949 lượt phương tiện, qua đó phát hiện 281 lượt phương tiện vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Đình Toàn- Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) chia sẻ: Trong tuần đầu tiên ra quân, so với các tỉnh thành khác, số phương tiện vi phạm được phát hiện trên địa bàn tỉnh không nhiều, nhưng chúng tôi xác định rằng, vấn đề không phải là phát hiện nhiều hay ít, mà mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn giao thông liên tục, thường xuyên; nâng cao ý thức người tham gia giao thông…

Một khi ý thức của người tham gia giao thông nâng cao, thì họ sẽ chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, kéo giảm tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường- Đại tá Toàn nhấn mạnh.

Tất nhiên, để làm được điều đó, không phải chuyện “một sớm, một chiều”, mà phải được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên tục trong một thời gian dài.

Như chúng ta đã biết, nhiều năm trước đây, tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh ta có thể nói là diễn biến vô cùng phức tạp. Tình trạng thanh thiếu niên sử dụng xe mô tô phân khối lớn, xe gắn máy độ chế chạy lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, ép ga, nẹt pô… diễn ra phổ biến, gây mất an toàn giao thông và bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, tình trạng xe ô tô vận tải quá khổ, quá tải gây mất trật tự an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông thường xuyên diễn ra.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông làm chủ công, phối hợp với các lực lượng Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Hình sự tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét, xử lý các trường hợp vi phạm. Đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã tương đối ổn định; tình trạng xe quá khổ, chở quá tải đã giảm nhiều so với thời gian trước đây.

Kiểm tra xe khách trên tuyến Quốc lộ 14. Ảnh: VP

 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã phát hiện 12.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ 3.057 phương tiện, 6.945 giấy tờ xe các loại, phạt tại chỗ 1.998 trường hợp, thu trên 223 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiềm chế; toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, làm 29 người chết, 14 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 2 vụ, không tăng không giảm số người chết, giảm 13 người bị thương.

Con số trên cho thấy, trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công an về tổng kiểm tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ trong tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm. Nên cũng hoàn toàn dễ hiểu khi số vụ vi phạm trong tuần đầu tiên của đợt ra quân cao điểm tổng kiểm tra, kiểm soát đối với xe ô tô chở khách, xe tải, xe container và xe máy không nhiều.

Từ tình hình trên, có thể nói, để đảm bảo an toàn giao thông, chúng ta cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục đồng bộ các giải pháp, chứ không chỉ dừng lại ở những đợt ra quân cao điểm; tránh tình trạng khi ra quân thì ồ ạt, nhưng khi hết đợt thì rơi vào im lặng, kiểu như “đánh trống bỏ dùi”.

Ngoài tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, cần thay đổi hình thức tuyên truyền, làm thế nào để mọi người dân đều hiểu luật và tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông; xây dựng văn hóa an toàn giao thông đến từng người dân, từng người lái xe.

Vấn đề cần thiết nữa là công tác tuần tra, kiểm soát phải đi cùng với công tác giám sát. Việc giám sát không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn phải của cả cộng đồng để tránh tiêu cực...

Vì cuộc sống yên bình của mọi người dân, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải được thực hiện liên tục, thường xuyên và kiểm tra, giám sát chặt chẽ…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác