Xử lý tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội: ​"Bệnh nặng" đã có "thuốc đặc trị"?

14/01/2018 17:57

​Nhiều năm nay, nợ đọng bảo hiểm xã hội đã là "căn bệnh" nặng và dai dẳng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nợ đọng càng nhiều thì ảnh hưởng càng lớn đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Nhưng từ ngày 1/1/2018, rất có thể căn bệnh nặng này sẽ được “cắt cơn” và trừ tận gốc với liều thuốc đặc trị mới...

Tôi từng ngồi tâm sự với một chủ doanh nghiệp khá "có tiếng" ở tỉnh, tiếc thay, đó không phải là tiếng tốt mà là tai tiếng về nợ đọng bảo hiểm xã hội. Đã nhiều năm nay, doanh nghiệp của anh luôn nằm trong tốp đầu nợ bảo hiểm xã hội.

Làm ăn khó khăn, hàng hóa ế ẩm, chạy bở hơi tai để kiếm việc làm duy trì doanh nghiệp, kiếm tiền trả lương cho người lao động để đảm bảo cuộc sống cho họ đã là đuối rồi - anh ta than thở.

Nhưng nợ bảo hiểm xã hội cũng là một hình thức chiếm dụng - tôi vặn. Anh ta trơn tru: Biết là vậy, nhưng không nợ được sao? Tình hình chung mà. Còn có cơ quan, đơn vị nào đó cố tình không nộp bảo hiểm xã hội để chiếm dụng, để sử dụng vào việc khác kia kìa.

Rồi anh ta vẫy một công nhân đang làm việc gần đó: Đó, ông hỏi xem, cái cậu ấy cần nhất là gì.

Cuộc sống ổn chứ em? - Tôi bắt chuyện.

Dạ, cũng tạm ổn - cậu công nhân xoa xoa đôi bàn tay đầy vết sơn - Cũng may còn có công việc đều đều, đó là điều bọn em quan tâm nhất.

Đấy nhé - anh chủ doanh nghiệp đắc thắng chặn lời, dù tôi chưa kịp hỏi cậu công nhân ấy có biết gì về chuyện công ty nợ bảo hiểm của mình hay không.

Tôi đứng dậy rời đi, vì biết rằng, có nói nữa cũng vậy, anh ta đã, đang và sẽ luôn có lý do để ngụy biện cho hành vi nợ, hoặc gọi trốn cũng được, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Và không nghi ngờ gì, anh ta hiểu rất rõ, hành vi ấy ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Nhưng tôi phải thừa nhận một điều anh ta đã nói đúng. Ấy là chuyện nợ bảo hiểm xã hội đang là "tình hình chung" của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ Phòng Khai thác và thu nợ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum, đến ngày 29/12/2017, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh là 38 tỷ đồng. Trong số đó, ngoài các doanh nghiệp, còn có không ít cơ quan, đơn vị thuộc khối hành chính.

Nhiều đơn vị nợ với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như Công ty CP đầu tư và Phát triển Duy Tân (gần 3 tỷ đồng), Công ty CP Tấn Phát (1,5 tỷ đồng), Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (1,5 tỷ đồng)… Đáng chú ý là, có một số doanh nghiệp "đều đặn" có tên trong danh sách nợ đọng bảo hiểm nhiều năm nay nên nợ mới chồng nợ cũ.

Theo nhận định của một lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng là do các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước chiếm dụng tiền để chi lương cho người lao động; chưa chú trọng tới chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cố tình chây ỳ để chiếm dụng vốn; chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội thành phố Kon Tum giao dịch với khách hàng. Ảnh: Văn Phúc

 

Nhưng chủ yếu nhất vẫn là do các chế tài chưa đủ “liều”. Cụ thể là theo quy định hiện hành, nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của Bảo hiểm Việt Nam, tương ứng khoảng 11,8%/năm, nếu so với vay ngân hàng, thì mức lãi này vẫn khá “dễ chịu”, vì vậy, nhiều doanh nghiệp cứ ỳ ra, vì chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ có lợi hơn đi vay.

Hơn nữa, việc chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội dễ hơn nhiều so với việc làm các thủ tục để vay ngân hàng (không cần giấy tờ, không cần thế chấp, không cần thẩm định...), nên doanh nghiệp tận dụng nguồn này để sản xuất - kinh doanh.

Nguyên nhân tiếp theo lại đến từ phía người lao động. Tôi đã gặp gỡ khá nhiều công nhân làm việc ở các nhà máy trên địa bàn tỉnh, và điều rất đáng lo ngại là đa số họ chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và phương thức tham gia bảo hiểm xã hội, điều họ quan tâm là việc làm, như cậu công nhân ở doanh nghiệp kể trên.

Dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì có nợ ắt phải có thu. Cũng vị lãnh đạo trên cho hay, cơ quan bảo hiểm đã "làm hết cách" để có thể thu hồi nợ đọng bảo hiểm. Từ liên tục ra thông báo đòi nợ; lập danh sách các đơn vị vi phạm và số lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội báo cáo UBND tỉnh; công bố danh sách nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thậm chí năm 2013 từng khởi kiện 5 doanh nghiệp có số nợ lớn và chây ì không chịu trả nợ ra tòa..., đều không mấy hiệu quả - ông nói.

Nhưng bắt đầu từ ngày 1/1/2018, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, có lẽ nhưng ngày tháng "yên ổn" của doanh nghiệp, đơn vị chây ì nộp bảo hiểm xã hội sẽ chấm dứt.

Theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật này, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tùy mức độ hành vi, có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Đây được xem là “thuốc đặc trị” mới cho các doanh nghiệp, đơn vị để nợ BHXH kéo dài.

Báo chí đưa tin, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với Tòa án xây dựng thông tư hướng dẫn việc thanh tra, xử phạt; doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì chuyển hồ sơ sang Công an và Tòa án theo quy định. Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng sẽ có nghị quyết để hướng dẫn xử lý, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến BHXH.

Và như vậy, hẳn rằng, doanh nghiệp sẽ thôi đem lớp vỏ "lo công ăn việc làm cho người lao động đã mướt mồ hôi" ra để ngụy biện cho việc nợ bảo hiểm. Và người lao động không còn thỏa mãn rằng "có việc làm là tốt lắm rồi" để quan tâm hơn đến các chính sách lẽ ra mình phải được hưởng.

Hẳn rằng, với "liều thuốc đặc trị" này, "căn bệnh" nợ bảo hiểm dai dẳng sẽ được điều trị dứt điểm.

Thành Hưng

Chuyên mục khác