Xử lý nghiêm những hành vi phi giáo dục

08/04/2019 06:15

Vậy là một năm học nữa sắp kết thúc. Một năm với nhiều thành tích mà ngành Giáo dục đã đạt được trong sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, những cống hiến lớn lao đáng được ghi nhận của đội ngũ nhà giáo, chúng ta cũng không thể không kịch liệt lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, phi giáo dục của một số cá nhân trong ngành Giáo dục mà dư luận đã lên tiếng trong thời gian qua.

Bắt đầu là thông tin về việc Hiệu trưởng của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị tố có hành vi lạm dục tình dục với nhiều học sinh nam vào đầu tháng 12/2018 đã gây xôn xao dư luận cả nước.

Tiếp đến là thông tin vụ việc một thầy giáo chủ nhiệm của Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã có hành vi dâm ô với 13 học sinh nữ lớp 5 vào đầu tháng 3/2019 khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và lên án…

Gần đây, mạng xã hội và dư luận xã hội đặc biệt phẫn nộ khi xem đoạn video clip về hình ảnh một nữ sinh lớp 9 tại Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị một nhóm 5 nữ sinh khác đánh hội đồng, lột quần áo ngay giữa lớp học.

Cũng xung quanh chuyện bạo hành học đường, mới đây nhất – vào ngày 29/3, một cô giáo chủ nhiệm lớp 8A1 Trường THCS Long Toàn (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã dùng thước đánh từ 3-10 cây đối với 22 em học sinh, sau khi cô giáo này phát hiện trong sổ đầu bài ghi tên nhiều học sinh mất trật tự trong giờ học của giáo viên bộ môn…

Các sự việc trên là hồi chuông báo động về tình trạng suy thoái đạo đức, sự lạnh lùng, vô cảm và phi giáo dục của một số giáo viên, học sinh hiện nay.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 (vào chiều 2/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở một số địa phương

 

Người xưa có câu “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nghĩa là người thầy bất luận trong hoàn cảnh nào cũng được người đời và các bậc cha mẹ, các em học sinh hết mực yêu thương và kính trọng.

Sự yêu thương và kính trọng đó không phải tự nhiên mà có, mà bắt nguồn từ trí tuệ, đạo đức, nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của người làm thầy. Bởi, chỉ có những người có đủ trí tuệ, phẩm hạnh tốt thì mới đủ tư cách để dạy học trò của mình trở thành con người có ích cho xã hội mai sau. Họ chính là những người “trồng người”, người xây dựng và chuẩn bị hành trang cho một con người khi bước vào đường đời với bao gian truân, thử thách.

Dẫu biết “con sâu làm rầu nồi canh”, thế nhưng, những sự việc xảy ra trong thời gian qua không thể không khiến dư luận phẫn nộ và đau lòng. Dư luận cho rằng, những người mang danh nghĩa là thầy, cô giáo đã làm hoen ố đi hình ảnh đẹp đẽ của một người thầy mà xã hội hiện nay đang đặt rất nhiều kỳ vọng…

Ngẫm lại mới thấy, những hành vi phi giáo dục, trái đạo lý trên phần nào xuất phát từ việc tuyển chọn đầu vào của ngành Giáo dục cũng như sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ của lãnh đạo một số trường học và địa phương… Đó chính là việc tuyển chọn ồ ạt đầu vào tại một số địa phương mà không tính đến các tiêu chí như phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề nghiệp, có phong cách, tự trọng, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ…

Trước sự việc thầy giáo dâm ô học sinh tại tỉnh Bắc Giang, ngày 4/3/2019, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bắc Giang chỉ đạo kiểm tra, xác minh và phối hợp các ban, ngành liên quan, xử lý nghiêm vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo nói trên (nếu có). Đồng thời, Bộ này cũng có động thái chỉ đạo toàn ngành về việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo, phòng chống bạo lực học đường và các quy định khác đã được ban hành…

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 (vào chiều 2/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở một số địa phương phải được xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước…

Đã đến lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo cần nghiêm túc xem xét lại các vi phạm và có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi xâm hại học sinh, thậm chí là ở mức cao nhất để răn đe và ngăn chặn. Bên cạnh đó, những người lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo, nếu để xảy ra vi phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm…

Dương Đức Nhuận

 

Chuyên mục khác