Xét nghiệm HIV sớm để ngăn chặn lây truyền bệnh

11/12/2017 13:14

​“Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV năm nay (10/11-10/12). Nghĩa là, chúng ta phải phát hiện được 90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng ARV và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới ngưỡng ức chế) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Hóa giải những nỗi lo

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV năm nay khiến chúng ta nhớ lại vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cuối tháng 6 vừa qua. Khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều người dân ở thôn 11 xã Đăk Hring không toan tính thiệt hơn, lăn xả vào cứu người.

Và, không chỉ những người dân ở thôn 11, xã Đăk Hring mà những y, bác sĩ trực tiếp tham gia cấp cứu cũng không hề biết rằng, một trong số những nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn này lại bị nhiễm HIV/AIDS.

Bởi vậy, khi phát hiện một trong số những nạn nhân tử vong có người nhiễm HIV, những người tham gia cứu nạn, đặc biệt là người dân ở thôn 11, xã Đăk Hring không khỏi lo lắng. Biết đâu, mình lại bị phơi nhiễm căn bệnh thế kỷ này…

Không để những con người nghĩa hiệp này phải chịu thiệt, ngành Y tế khẩn trương tư vấn, sàng lọc, cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV và theo dõi trong vòng 3 tháng…. cho 36 người tham gia cứu nạn.

Sự nỗ lực, chờ đợi và hy vọng đã cho quả ngọt. Sau cả 3 lần xét nghiệm, gồm: xét nghiệm HIV trước 72 giờ, xét nghiệm sau 1 tháng và xét nghiệm sau 3 tháng, các y, bác sĩ và người dân liên quan đến vụ việc này đều có kết quả âm tính (tức là trong máu không có virus HIV).

Những nụ cười mừng vui, những tiếng thở phào nhẹ nhõm sau một thời gian dài lo lắng. Ai nấy đều thầm bảo nhau rằng, may sao được uống thuốc điều trị phơi nhiễm HIV sớm và đều đặn, may sao được xét nghiệm sớm… nên xác suất lây nhiễm  rất thấp. Những lo lắng, những băn khoăn của những người bị nghi phơi nhiễm và người thân của họ sớm được hóa giải. 

Không chỉ những y, bác sĩ, những người dân tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn giao thông ở Đăk Hring, Đăk Hà mà dần dà ngày càng có nhiều người hiểu được những lợi ích của xét nghiệm HIV sớm. Số người chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện ngày một nhiều hơn.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tại khoa xét nghiệm của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện được 4.957 mẫu. Trong đó, tại Phòng Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh có 235 người đến tư vấn thì có 233 người đồng ý xét nghiệm HIV. Qua xét nghiệm, phát hiện 28 người dương tính với HIV và đã chuyển toàn bộ số người này qua Phòng Khám chuyên khoa HIV/AIDS của Trung tâm để đăng ký điều trị ARV, đạt 100%.

Chống kỳ thị không chỉ là khẩu hiệu

Nhưng, không phải người dân nào cũng hiểu, nhận thức, ý thức đúng và hành động đúng là tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm HIV sớm.

Vì thực tế cho thấy, dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về sự lây lan của virus HIV nhưng không ít người vẫn không hiểu HIV lây nhiễm từ đâu. Hiểu mơ hồ về HIV nên nhiều người cho rằng đó là căn bệnh chết người, cứ tránh những người bị bệnh này càng xa càng tốt.

Suy nghĩ đó dẫn đến hậu quả là có những người nhiễm HIV chết nhanh hơn vì sự kỳ thị của người thân và sự ghẻ lạnh của những người xung quanh.

Cũng chính sự kỳ thị đó nên có những người có hành vi nguy cơ cao (dù không ít lần đặt câu hỏi liệu bản thân mình có bị nhiễm HIV hay không(!?)) lại ngần ngại, lại không đủ can đảm để đi xét nghiệm sớm.

Và hậu quả của việc những người đang ở trong mối nghi ngờ không đi xét nghiệm sớm này lại là nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Không chỉ vậy, nếu xét nghiệm và biết tình trạng nhiễm HIV sớm, người nhiễm sẽ được điều trị HIV kịp thời và sẽ giảm mắc các nhiễm trùng cơ hội nặng, từ đó giúp giảm chi phí thuốc men, chi phí khám chữa bệnh và chi phí nằm viện.

Quay trở lại vụ tai nạn giao thông ở xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, anh Tùng - một trong số những người tham gia cứu hộ vụ tai nạn giao thông này khi trả lời báo chí đã nói rằng, thực ra bản thân anh và những người khác không biết nạn nhân bị nhiễm HIV, nhưng nếu biết thì anh vẫn tham gia bồng bế họ vào cấp cứu.

Suy nghĩ của anh Tùng và những người từng bị nghi phơi nhiễm này không chỉ là “thương người như thể thương thân” mà bản thân họ phần nào đã hiểu hơn căn nguyên lây lan virus HIV. Họ không kỳ thị, xa lánh những người bị nhiễm HIV.

Tất nhiên, không phải ai cũng có những suy nghĩ như anh Tùng, như những người dân ở thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tổng số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống trên địa bàn tỉnh là 286 người và số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 113 người. So với các tỉnh, thành trong cả nước thì tình hình dịch HIV/AIDS ở tỉnh ta ở mức thấp (tỷ lệ người nhiễm trong cộng đồng dân cư là 0,085%).

Tuy nhiên, khi mà không ít người bị nhiễm HIV đang phải sống trong sự kỳ thị của cộng đồng, xa lánh của người thân; khi mà mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn những hạn chế nhất định; khi mà đối tượng nguy cơ thấp đang có xu hướng bị nhiễm HIV ngày càng nhiều hơn; khi mà những người có hành vi nguy cơ cao vẫn ngại ngần với việc được tư vấn, xét nghiệm sớm... thì có nghĩa là dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến khó lường.

Chúng ta vì thế mà không thể chủ quan. Đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức, tránh sự kỳ thị, xa lánh; đẩy mạnh tuyên truyền để những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV được tư vấn, xét nghiệm sớm và áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh là hết sức quan trọng.

Bình Toàn

Chuyên mục khác