Xây dựng văn hóa trở thành động lực của sự phát triển

28/11/2021 06:10

Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là sự kiện vô cùng quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Hội nghị đánh dấu bước phát triển mới cả về lý luận và thực tiễn trong xây dựng, phát triển văn hóa nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, văn hóa luôn có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với sự đổi mới trong tư duy kinh tế và chính trị, Đảng ta đã có những đổi mới quan trọng trong tư duy về văn hóa khi tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đảng xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Đảng luôn quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển văn hoá; phát triển văn hóa gắn liền, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Nhiều nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi loại hình văn hóa nghệ thuật phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Những thành tựu nổi bật trong xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm đổi mới đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình. Các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng.

Tỉnh ta luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước những thách thức của sự phát triển kinh tế - xã hội và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam để tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước, là những yêu cầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị này.

Tại tỉnh ta, suốt thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng”;  xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh phù hợp với thời kỳ mới được triển khai sâu rộng. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động luôn hướng về cơ sở.

Trên bước đường đổi mới, Đảng bộ tỉnh xác định xây dựng, phát triển văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI khẳng định: Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát huy các tuyến, điểm du lịch. Đầu tư đồng bộ và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phấn đấu đến năm 2025, 60% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 90% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

Nhằm hiện thực hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các DTTS, ngày 30/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu tổng quát là tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh Kon Tum. Triển khai đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại. Tiếp tục từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Giới thiệu, quảng bá giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum đến bạn bè trong và ngoài nước; gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập.

Ngày 23/11/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 4197/KH-UBND nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025, có 84% hộ gia đình trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 92% thôn, làng, tổ dân phố trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 84% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn và duy trì danh hiệu văn hóa…

Có thể nói, cùng với cả nước, việc gìn giữ, vun đắp và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tỉnh ta chú trọng thực hiện. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc, nguồn lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững.

Thiên Hương

Chuyên mục khác