Xây dựng nông thôn mới: Đạt chuẩn mới là bước khởi đầu

12/07/2017 13:06

​Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, với một tỉnh miền núi như Kon Tum – đa số người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì yêu cầu tập trung xây dựng nông thôn mới càng hết sức khẩn thiết. Nhưng không vì thế mà chạy theo thành tích, tỉnh đã đặt ra mục tiêu là củng cố, duy trì và phát triển vững chắc đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đi đôi với việc tập trung xây dựng các xã có điều kiện, khả năng để đảm bảo lộ trình và chất lượng.

1. Trong lần công tác về xã vùng sâu Pờ Ê của huyện Kon Plông, chúng tôi không khỏi tấm tắc khi đi trên các con đường được bê tông đến tận từng thôn, làng. “Từ chương trình xây dựng nông thôn mới đấy cô” – bà Y Khai ở thôn Vi Ktàu nói.

Không riêng ở Vi Ktàu mà các thôn khác trên địa bàn xã cũng vậy, khi cán bộ đặt vấn đề bê tông hóa tuyến đường này, mở rộng tuyến đường kia…, ai ai cũng hào hứng. Những người có đất đai, ruộng vườn, cây cối… không so tính thiệt hơn, đồng thuận hiến đất, hiến cây để mở rộng đường, nắn các tuyến đường liên thôn, liên xóm được rộng hơn, thẳng hơn. Khi có kinh phí hỗ trợ, xã triển khai, bà con mỗi người mỗi tay, mỗi người mỗi việc, góp công, góp sức. Nào có riêng gì chuyện làm giao thông nông thôn, các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới cũng được bà con cùng đồng sức đồng lòng, mọi việc trở nên thuận lợi nên dù là xã vùng khó nhưng Pờ Ê đã đạt 15/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2016.

Nhà rông thôn Nông Nội được người dân tu sửa, bê tông hóa khoảnh sân sạch đẹp. Ảnh: T.Q

 

Còn ở xã Đăk Nông (Ngọc Hồi) với xuất phát điểm thấp, hơn thế, có gần 10km đường biên giáp Lào, việc đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, huy động được sự đoàn kết của bà con, vừa qua, Đăk Nông đã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Và có riêng gì xã Pờ Ê, xã Đăk Nông, các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay đang cùng nhau thi đua, nỗ lực phấn đấu xây dựng xã đạt các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ vậy, diện mạo ở từng thôn, làng trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Đường được cứng hóa, nhà nhà sạch sẽ. Bà con dần xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, ai nấy chăm chỉ làm ăn, phấn đấu xây dựng kinh tế ngày càng vững mạnh. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân ngày càng được cải thiện. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí; bình quân chung đạt 8,7 tiêu chí/xã, so với năm 2010 tăng 5,91 tiêu chí/xã.

Những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới rất đáng khích lệ. Điều đó chứng tỏ đây là chủ trương hết sức đúng đắn, hợp lòng dân, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân.

2. Tất nhiên để đạt được những thành quả bước đầu nói trên là cả hành trình nỗ lực gian nan của cả hệ thống chính trị từ huy động các nguồn vốn cho đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân...

Chủ trương, chính sách đã có, các địa phương tùy vào tình hình thực tế của mình mà cụ thể hóa cách làm, tìm hướng đi phù hợp.

Nhưng, đạt được mới chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là phải giữ vững các tiêu chí. Vì trên thực tế, cũng có những địa phương dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn còn nợ các tiêu chí được xem là khó. Và vì bên cạnh những tiêu chí cứng được đầu tư cơ bản và ổn định, các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, an ninh trật tự… luôn thay đổi theo từng năm, nên việc duy trì và giữ vững không hề giản đơn. Vì trên địa bàn tỉnh vẫn còn đó những hộ dân đang ở nhà tạm, vẫn còn nhiều người thiếu việc làm trong những tháng nông nhàn. Sau lũy tre làng, vẫn còn đó nhiều những câu chuyện buồn: nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh nhiều con, bạo lực gia đình và cả những con người ngày ngày chìm trong “ma men” bia rượu.

Luẩn quẩn trong vòng quay lạc hậu – đói nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Cho đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn ở mức cao, trên mức bình quân chung của cả nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn nhiều nơi chưa đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, đòi hỏi phải có sự đầu tư từ các nguồn lực (sự hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình, dự án, sự đóng góp tiền của, công sức từ phía người dân) nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, nơi này, nơi kia, người dân vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước.

Ngoài các tiêu chí về kinh tế, việc giữ gìn vệ sinh, môi trường ở nông thôn vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương dù được tuyên truyền, vận động đào hố rác, nhà tiêu; xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nhà, đảm bảo vệ sinh… nhưng người dân vẫn chưa thực hiện triệt để. Nơi này, người dân vẫn vứt xả rác, chất thải vô tội vạ; nơi kia, những công ty, doanh nghiệp xả thải, gây mùi hôi ảnh hưởng môi trường khu vực nông thôn… là những vấn đề cần phải kiên quyết khắc phục.

Vì theo Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2020 có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2025 có 50% số xã, tương đương 43 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Và tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020 là 4.260.550 triệu đồng.

Không “về đích” bằng mọi giá, không chạy theo thành tích, tỉnh đã xác định xây dựng nông thôn mới với tinh thần phát huy nội lực của cộng đồng, ý chí tự chủ, tự lực của nhân dân, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và phù hợp điều kiện từng địa phương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên nước, rừng; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã nghèo thuộc các huyện nghèo. Tỉnh cũng đã đặt ra mục tiêu là củng cố, duy trì và phát triển vững chắc đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đi đôi với việc tập trung xây dựng các xã có điều kiện, khả năng, nhằm từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại đời sống tinh thần, vật chất ấm no cho bà con.

Bình Toàn 

Chuyên mục khác