Vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn

01/01/2022 13:02

Dịch bệnh đặt ra những thách thức về kinh tế-xã hội, nhưng chúng ta vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.

Chào năm mới 2022!

Vậy là năm 2021 đã khép lại. Một năm với nhiều sự kiện cùng với những khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp, khó lường của “làn sóng” đại dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế trong nước có thời điểm gặp không ít khó khăn: sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp thất thu nghiêm trọng, trong đó có không ít doanh nghiệp bị phá sản; hàng vạn lao động mất việc làm… đặt ra những thử thách to lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để hồi phục kinh tế, phát triển đất nước.

Quyết không lùi bước trước khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết của toàn dân, dịch bệnh Covid-19 từng bước được khống chế, đẩy lùi. Và cũng với quyết tâm đó, năm 2021 là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết của đảng bộ các cấp, đã khẳng định bản lĩnh, khả năng chống chịu, sức sáng tạo và sự linh hoạt của Việt Nam trong việc thích ứng, phục hồi kinh tế-xã hội đưa các hoạt động trở về “bình thường mới”.

Đô thị Kon Tum ngày càng đổi mới, năng động. Ảnh: ĐN 

 

Trước những khó khăn chung của kinh tế đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh đã đoàn kết, thống nhất một lòng, vững vàng vượt qua những thử thách đưa kinh tế tỉnh nhà không những không bị tụt hậu trước ảnh hưởng của đại dịch, mà ngược lại còn đạt được những kết quả quan trọng.

Chúng ta thật sự phấn khởi, vui mừng và tự hào khi mà trước bộn bề khó khăn do hệ lụy của dịch Covid-19, quân và dân trong tỉnh vẫn đạt được những thành quả quan trọng với tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong năm 2021 đạt 16.051 tỷ đồng (theo giá năm 2020), tăng 6,47% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch (trong đó vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 14.600 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch); thu ngân  sách nhà nước 3.500 tỷ đồng, đạt 100% dự toán địa phương giao, bằng 115,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, kinh tế mũi nhọn như nông nghiệp, công nghiệp… đều tăng, tạo nền tảng vững bền cho sức bật của những năm tiếp theo.

Đơn cử như giá trị tăng thêm của ngành Nông nghiệp (giá hiện hành) tỉnh đạt 5.391 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Tỉnh cũng đã chủ trương xây dựng kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện để xây dựng cánh đồng lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 4.522 ha (trong  đó diện tích dồn đổi 4.172 ha; diện tích tích tụ 350 ha).

Một số chỉ tiêu cây trồng đã đạt và vượt kế hoạch như tổng diện tích cây cà phê khoảng 29.176 ha, bằng 114,4% kế hoạch; diện tích cao su khoảng 76.233 ha, bằng 102,7% kế hoạch; diện tích cây ăn quả khoảng 6.375 ha, đạt 104,3% kế hoạch (trong đó trồng mới 2.000 ha, đạt 100% kế hoạch)… Diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ khoảng 788 ha, đạt 109,2% kế hoạch, tăng 10,9% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7.169 tấn, đạt 137,8% kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ. Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả nổi bật, toàn tỉnh có 146 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 5 sao, tăng 58 sản phẩm so với năm 2020; trong đó  có 7 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm quốc gia), tăng 6 sản phẩm so với năm  2020.

Song song với phát triển của ngành Nông nghiệp, giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp (giá hiện hành) trong năm đạt 7.648 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Các khu kinh tế, khu công  nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư. Nhiều dự án thủy điện đã đi vào vận hành ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, sản lượng điện sản xuất của 28 công trình thủy điện vừa và  nhỏ đang vận hành và 2 công trình thủy điện lớn (Thượng Kon Tum và Plei Krông) trong năm 2021 ước đạt khoảng 2,4 tỷ kWh/năm…

Bức tranh kinh tế của tỉnh nhà vẫn nhiều điểm sáng trước tác động của  đại dịch Covid-19. Những thành tựu to lớn có được chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thống nhất của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự vận hành linh hoạt, triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, ổn định.

Bước sang năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể còn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Quyết không lùi trước những khó khăn, thử thách, trong năm 2022, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực để vượt qua đại dịch Covid-19, xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình phát triển  kinh tế - xã hội bền vững.

Trước mắt là thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh. Linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện quy hoạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi. Kịp thời, xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng  mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư, công tác đấu thầu…

Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình  mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025). Huy động  các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các  xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng  cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn. Kịp thời giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án của các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn  FLC, Tập đoàn TH, Tập đoàn Alphanam, Tập đoàn Đức Long Gia Lai…

Dịch bệnh đặt ra những thách thức, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin chắc rằng chúng ta sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn tới những thành công mới trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác